Đây là một nội dung trong Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2016 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia vừa được Bộ TT&TT ban hành theo Quyết định 936.
Trong lộ trình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, năm 2016 được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng, là năm mở đầu cho Giai đoạn III - Giai đoạn chuyển đổi (2016 - 2019) với mục tiêu là phải hoàn thiện và nâng cấp mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia, hoàn thiện việc chuyển đổi mạng lưới, dịch vụ, ứng dụng, phần mềm và thiết bị trên toàn bộ mạng Internet Việt Nam, đảm bảo cho Internet Việt Nam hoạt động hoàn toàn tương thích, an toàn với IPv6. Đây cũng là giai đoạn dài nhất, quan trọng nhất, quyết định kết quả cuối cùng trong việc thực hiện mục tiêu tổng thể quốc gia về triển khai ứng dụng công nghệ IPv6 trong hoạt động mạng Internet Việt Nam.
Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2016 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia mới được ban hành tập trung vào 22 nhiệm vụ theo 5 mảng công tác gồm: Kiện toàn nhân sự; Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; Thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ trên nền IPv6.
Trong đó, với việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, dự kiến trong tháng 7/2016, Ban công tác sẽ hoàn tất nhiệm vụ tổng hợp, công bố văn bản hướng dẫn các ưu đãi trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và kinh doanh thiết bị, phần mềm, nội dung số hỗ trợ công nghệ IPv6 để gửi các doanh nghiệp và đăng tải trên website www.ipv6.vn và chuyên trang IPv6 tại cổng thông tin điện tử Bộ TT&TT: www.mic.gov.vn.
Đến tháng 12/2016, sẽ hoàn thành các nhiệm vụ: bổ sung nội dung yêu cầu hỗ trợ, sử dụng IPv6 trong các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án về VT-CNTT của Bộ TT&TT; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách tạo lập thị trường; bổ sung các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn yêu cầu khả năng đáp ứng, tính sẵn sàng với IPv6 của các thiết bị, hạ tầng thông tin, mạng lưới của tổ chức, doanh nghiệp.