VNNIC cho hay, kể từ ngày 6/6/2012, nhiều ISP và các nhà cung cấp nội dung hàng đầu như Google, Facebook đã bật IPv6 lên để chính thức khai trương dịch vụ trên nền giao thức địa chỉ thế hệ mới - IPv6. Từ đó, lưu lượng IPv6 được ghi nhận năm sau tăng gấp đôi năm trước và toàn thế giới đã đạt 10% lưu lượng là IPv6. Ở thời điểm đó, mạng LTE của Verizon bắt đầu với 7,34% lưu lượng là IPv6, nhưng đến 2014 thì đã vượt 50%.
“Việc các nhà cung cấp nội dung hàng đầu như Google, Facebook và các mạng 4G/LTE dùng địa chỉ IPv6 đã tạo ra “cú hích” lớn về lưu lượng IPv6 ở Mỹ và toàn thế giới. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thiết bị di động và các mạng xã hội đã thúc đẩy lưu lượng IPv6 toàn cầu”, đại diện VNNIC nhấn mạnh.
Còn tại Việt Nam, sau quá trình chuẩn bị, ngày 6/5/2013, mạng IPv6 quốc gia chính thức khai trương, đánh dấu mốc quan trọng cho giai đoạn thử nghiệm và chính thức chuyển đổi. Theo báo cáo của VNNIC tại hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2016 diễn ra ngày 6/5 vừa qua,các doanh nghiệp như NetNam, FPT Telecom, Viettel, VNPT … đã có những lưu lượng băng thông IPv6 nhất định và các ISP này đã sẵn sàng để cung cấp dịch vụ IPv6 cho người dùng.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của VNNIC, tính đến tháng 3/2016, thống kê của APNIC cho thấy, tỷ lệ sử dụng IPv6 của Việt Nam mới chỉ đạt 0,03%, chỉ cao hơn Myanmar, Campuchia và Philippines; còn theo số liệu của Google thì tỷ lệ người dùng IPv6 ở Việt Nam ở mức 0,13%. Qua đó cho thấy, tỷ lệ người sử dụng IPv6 ở Việt Nam còn quá thấp và lưu lượng thực tế sử dụng IPv6 vẫn chưa đáng kể.