Yonhap dẫn nguồn thông tin từ Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho biết: Mỹ có thể sẽ triển khai một tàu sân bay hạt nhân, các máy bay ném bom chiến lược và "các phương tiện chiến đấu uy lực lớn khác"đến Bán đảo Triều Tiên. Đây được coi là phản ứng quyết liệt đối với vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên.
Bộ quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố: "Seul sẽ thúc đẩy nhanh việc triển khai các phương tiện tác chiến chiến lược như cụm tàu sân bay tấn công và các máy bay ném bom chiến lược sau khi thảo luận kỹ lưỡng với phía Mỹ".
Seul cho biết đang lên kế hoạch xây dựng thêm các cơ sở tại khu vực triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (Terminal High Altitude Area Defense -THAAD) để có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm gần.
Lực lượng quân đội Mỹ ở Triều Tiên (USFK) sẽ triển khai thêm 4 tổ hợp phóng tên lửa THAAD tiếp theo tại khu vực sân golf được chuyển đổi thành bãi phóng trong quận Seongju, cách Seoul khoảng 300 km về phía Nam. Hiện có hai tổ hợp phóng tên lửa THAAD đang trực sẵn sàng chiến đấu, 4 tổ hợp phóng khác sẵn sàng cho triển khai.
Theo tuyên bố của Seul,"Các tổ hợp phóng tên lửa sẽ sớm được triển khai tạm thời theo kết quả cuộc hội đàm giữa Hàn Quốc-Mỹ nhằm đề ra giải pháp ngăn chặn mối đe dọa vũ khí hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên".
Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo phát biểu trong bản báo cáo trước Ủy ban Quốc phòng Quốc hội cho biết: Quân đội Hàn Quốc sẽ tiến hành cuộc diễn tập bắn đạn thật độc lập, sử dụng các máy bay tiêm kích F-15K trang bị tên lửa không đối đất Taurus vào tháng 9. Ông nhấn mạnh rằng, Bình Nhưỡng đã giảm thành công trọng lượng đầu đạn hạt nhân xuống dưới 500 kg, với khối lượng này đầu đạn hoàn toàn có thể lắp được vào tên lửa đạn đạo.
Trong một tuyên bố gần đây nhất về Triều Tiên, tổng thống Mỹ Donald Trump thề sử dụng "tất cả các khả năng sức mạnh và có thể sử dụng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ chống lại Triều Tiên nếu quốc gia này tiếp tục đe dọa Washington hoặc các đồng minh Mỹ.
Trước đó, Moscow và Bắc Kinh đưa ra một sáng kiến chung nhằm tránh một cuộc xung đột vũ trang, có thể bùng phát trên bán đảo Triều Tiên. Nội dụng của sáng kiến này là Triều Tiên đình chỉ tất cả các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đổi lấy việc đóng băng của các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc trong khu vực. Washington đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất này.
Lúc này, cuộc khẩu chiến gay gắt giữa Washington và Bình Nhưỡng có thể biến thành cuộc xung đột vũ trang bất cứ lúc nào. Mỹ và các đồng minh tuyên bố: Triều Tiên đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế khi tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Ngược lại, Bình Nhưỡng cáo buộc Washington đang tiến hành các hoạt động khiêu khích trong khu vực - đặc biệt là cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc Ulchi Freedom Guardian, diễn ra vào cuối tháng 8.
Trong một loạt các tweeks ngày 03.09.2017, tổng thống Donald Trump tuyên bố Triều Tiên là "quốc gia” với những tính từ rất nặng nề. Theo ông, sự phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng mới nhất gần đây là "hành động thù địch và nguy hiểm đối với Mỹ".
Trong tuyên bố ngày 04.09.2017, thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho rằng, để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa, Tokyo có thể đặt vấn đề mua hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ.
Ông Abe nói: "Do không thể ngăn chặn được những hành động khiêu khích của Triều Tiên, chúng ta tiếp tục nỗ lực hết sức bảo vệ công dân, dựa trên nền tảng liên minh Nhật Bản và Mỹ. Theo tuyên bố này, một phần ngân sách quân sự của Nhật Bản sẽ được dùng để mua 2 hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore mà theo các chuyên gia, có khả năng bảo vệ Nhật Bản trước một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản yêu cầu quốc hội tăng ngân sách quốc phòng lên 2,5% do tình hình an ninh khu vực xấu đi sau các vụ thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.