"Xung đột trên bán đảo Triều Tiên như là kết quả của những biện pháp quân sự phủ đầu của Mỹ sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng với Washington và các đồng minh của Mỹ trong khu vực", tác giả cảnh báo.
Ông lưu ý rằng thậm chí nếu Triều Tiên không thể sử dụng vũ khí hạt nhân, thì nước này vẫn đủ sức dùng tên lửa thông thường tấn công gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn binh sĩ và nhân viên dân sự Mỹ hiện đang ở Hàn Quốc và Mỹ.
Tình hình bán đảo Triều Tiên nóng lên sau khi báo Mỹ Washington Post ngày 8/8/2017 tiết lộ một bản báo cáo của tình báo Mỹ theo đó Triều Tiên đã khắc phục được kỹ thuật và công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, chế tạo xong 60 đơn vị, trang bị cho tên lửa liên lục địa đủ sức bay đến lãnh thổ Mỹ.
Ngay sau đó, tổng thống Mỹ Donald Trump hăm dọa chế độ Bình Nhưỡng, nếu cứ tiếp tục thái độ hung hăng, sẽ bị «biển lửa và thinh nộ» trả đũa. Ngay lập tức, Bình Nhưỡng tuyên bố «xem xét khả năng tấn công gần các căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam». Nhưng liệu đe dọa của Triều Tiên có đáng tin hay không hay chỉ là đòn cân não?
Theo AFP,Triều Tiên đạt tiến bộ nhanh chóng vượt các tiên liệu của tình báo phương Tây, 5 lần thử nghiệm nổ hạt nhân. Quả bom sau cùng vào ngày 9/9/2016 có sức mạnh tương đương với quả bom mà Mỹ ném xuống Nagasaki vào tháng 8/1945. Triều Tiên cũng phóng thử hàng loạt tên lửa đạn đạo, tầm trung, liên lục địa mà theo thẩm định của các chuyên gia, có thể bay xa 10.000 km.
Nhưng thu nhỏ được đầu đạn và chế tạo tên lửa mang đầu đạn này vừa đủ sức bay xa, vừa chính xác là một phương trình phức tạp. Làm cách nào để đầu đạn hạt nhân chịu đựng được một đoạn đường dài 25.000 km, từ bệ phóng lên thượng tầng khí quyển, lao xuống trở lại bầu khí quyển mà không bị bốc cháy vì lực ma sát và tan vỡ vì chấn động rung?
Chuyên gia Michael Elleman của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS cho biết, tên lửa liên lục địa của Triều Tiên thử nghiệm hôm 28/7 đã bốc cháy khi trở lại bầu khí quyển. Nếu tấn công thật, đầu đạn hạt nhân mang theo bị thiêu hủy trước khi bay đến mục tiêu.
Siegfried Hecker, chuyên gia hạt nhân của đại học Stanford, Mỹ, cho rằng phải mất 5 năm nữa, Bình Nhưỡng mới làm được tên lửa đúng tiêu chuẩn «liên lục địa». Với kinh nghiệm nhiều lần cùng đoàn thanh tra của Liên Hiệp Quốc sang thẩm định khả năng nguyên tử của Triều Tiên, Siegfried Hecker cho rằng một trong những chướng ngại của Bình Nhưỡng là thiếu uranium và nhất là plutonium. Kho đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên nhiều lắm là từ 20 đến 25, không thể lên đến 60 như Washington Post đưa tin.
Theo AFP, với đầu đạn thô sơ và các loại tên lửa tầm trung hiện nay, Bình Nhưỡng đủ sức đe dọa đảo Guam và hai đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản. Có lẽ vì thế mà tổng thống Mỹ phải đánh trước bằng đòn chiến tranh cân não.