Trong một chuyến thăm tới Lisbon, Robert Strayer, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách chính sách mạng cho biết Washington muốn các đồng minh của mình cấm Huawei khỏi mạng 5G ở các quốc gia này với lý do các thiết bị của nhà sản xuất viễn thông Trung Quốc có tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể bị Trung Quốc sử dụng làm gián điệp. Cả Huawei và chính phủ Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.
Lập trường của Mỹ khiến mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các đồng minh trở nên căng thẳng trong bối cảnh Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đồng ý để Huawei tham gia vào mạng 5G nước này nhưng với một vai trò hạn chế.
Ông Strayer cũng nhấn mạnh Mỹ khuyến khích các nước châu Âu xem xét cẩn thận những nguy cơ về an ninh và kinh tế khi sử dụng công nghệ của Huawei.
“Không có cách nào để giảm thiểu hoàn toàn những rủi ro an ninh mạng ngoại trừ việc sử dụng những “nhà cung cấp đáng tin cậy” từ các quốc gia dân chủ. Tin vui là Ericsson, Nokia và Samsung đều có thể cung cấp công nghệ 5G tương đương với công nghệ mà Huawei đang cung cấp hiện nay”, theo ông Strayer.
Huawei cho biết đã chi 15 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu mạng 5G trong năm 2019 để có thể đạt được vị thế dẫn đầu thị trường. Hãng cho rằng Mỹ muốn ngăn cản sự phát triển của họ vì không một công ty Mỹ nào có thể cung cấp cùng một tầm công nghệ với mức giá cạnh tranh.
Ông Strayer cho rằng các nhà cung cấp phương Tây như Ericsson và Nokia sẽ sử dụng một kiến trúc mở, tạo cơ hội để các công ty ở Mỹ và châu Âu cung cấp các thiết bị tương thích. Nhiều công ty Mỹ như Dell, Cisco, Juniper và VMware, cũng như nhiều công ty của châu Âu cũng đang muốn tham gia vào “sân chơi” này.
Trong khi, Liên minh châu Âu tuyên bố họ sẽ cho phép các thành viên một phần nào đó tự quyết định xem liệu có nên cho phép Huawei tham gia vào hệ thống mạng 5G của họ hay không.
Theo Reuters