Theo Reuters, Mỹ có kế hoạch chi 1,9 tỉ USD để tài trợ cho chương trình loại bỏ và thay thế các thiết bị mạng viễn thông mà chính phủ Hoa Kỳ cho rằng nó có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia. Kế hoạch là một phần của gói cứu trợ COVID-19 lên tới 900 tỉ USD của nước này.
Đồng thời, các nhà lập pháp cũng sẽ ủng hộ gói ngân sách 3,2 tỉ USD cho việc sử dụng băng thông rộng khẩn cấp cho người Mỹ có thu nhập thấp. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo của nhóm nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ trong Thượng viện Chuck Schumer cho biết Mỹ sẽ dùng 7 tỉ USD trong gói cứu trợ COVID-19 nhằm mở rộng khả năng tiếp cận băng thông rộng của người Mỹ.
“Chương trình này sẽ giúp hàng triệu sinh viên, gia đình và người lao động thất nghiệp có đủ tiền để sử dụng băng thông rộng mà họ cần trong thời kỳ đại dịch” - bà Nancy nói thêm.
Trước đó, vào tháng 6/2020, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã chính thức coi các tập đoàn viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc là "mối nguy đối với an ninh quốc gia Mỹ", đồng thời tuyên bố cấm các công ty của Mỹ sử dụng khoản ngân sách của chính phủ trị giá 8,3 tỉ USD để mua thiết bị từ những công ty này.
Đầu tháng 12/2020, FCC đã hoàn thiện các quy tắc yêu cầu các nhà mạng có các thiết bị của ZTE hoặc Huawei cần tiến hành loại bỏ và thay thế thiết bị đó, tuy nhiên vẫn phải chờ đang chờ quốc hội thông qua ngân sách hỗ trợ.
Phản ứng trước thông tin này, Huawei cho biết họ rất thất vọng về quyết định trên của FCC. Huawei cho rằng “quyết định này sẽ khiến người dân Mỹ ở khu vực nông thôn, vốn chưa được tiếp cận mạng lưới Internet rộng rãi gặp khó khăn bởi trong thời gian dịch bệnh. Trong khi đó, việc được tiếp cận với những thông tin đáng tin cậy là điều cần thiết”.
Theo Reuters