Mua vũ khí của ai cũng nhằm mục đích tự vệ!

TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Ngoại giao), nhấn mạnh như vậy trước việc Mỹ tháo bỏ lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam
Mua vũ khí của ai cũng nhằm mục đích tự vệ!

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương với Việt Nam?

- TS Trần Việt Thái: Đây là một dấu mốc quan trọng đánh dấu việc quan hệ 2 nước thực sự trở lại bình thường; đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới, nhiều lựa chọn cho Việt Nam và Mỹ trong thúc đẩy quan hệ song phương cũng như cho những đóng góp tích cực và chủ động đối với hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Sự kiện này cũng tạo ra một dấu ấn cá nhân cho ông Obama trước khi kết thúc nhiệm kỳ; một dấu ấn đáng kể trong quan hệ Việt - Mỹ mà người ta sẽ nhắc đến ông nhiều với tư cách người đã góp phần đưa quan hệ Việt - Mỹ phát triển ngày càng toàn diện và có lợi cho cả hai phía, có lợi cho khu vực. Điều này cũng tạo tiền đề, cơ sở để củng cố nền tảng cho quan hệ Việt - Mỹ, góp phần xây dựng lòng tin giữa 2 nhà nước, 2 dân tộc.

TS Trần Việt Thái

Theo ông, hướng hợp tác quốc phòng giữa 2 nước trong thời gian tới khi lệnh cấm được dỡ bỏ hoàn toàn là gì?

- Việc có mua vũ khí hay không và mua vũ khí nào là quyết định của Bộ Quốc phòng cũng như lãnh đạo Đảng, nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, có thể thấy Mỹ đang giúp Việt Nam nâng cao năng lực nhận thức trên biển, nhận thức được những gì đang diễn ra trên biển rất quan trọng. Bên cạnh đó, Mỹ là đối tác tích cực giúp Việt Nam xây dựng năng lực thực thi pháp luật trên biển. Do vậy, không nhất thiết phải là những vũ khí sát thương mà là những trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, tăng cường an ninh, an toàn hàng hải, hỗ trợ kiểm ngư…

Nhưng cũng phải hiểu, Mỹ không phải là nước duy nhất giúp Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam có hợp tác với Mỹ hay với các nước khác trong vấn đề này cũng là phục vụ cho mục đích bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực và giúp duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, chứ không nhằm mục đích chống lại một bên nào khác.

Liệu việc mua vũ khí từ Mỹ có góp phần đa dạng hóa hệ thống vũ khí của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ tốt hơn?

- Hiện tại, khoảng 90% vũ khí và các phương tiện quốc phòng của Việt Nam có xuất xứ từ Nga. Trong quá trình đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam cũng bắt đầu chuyển đổi sang sử dụng các nguồn khác như của Israel và một số nước phương Tây nhưng số lượng chưa nhiều.

Trước mắt, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương chưa thể ngay một lúc thay thế được hệ thống vũ khí vì thích nghi sử dụng vũ khí của Mỹ phải có quá trình, huấn luyện đào tạo, yếu tố con người… Do vậy, về ngắn hạn, việc này chỉ mang tính tượng trưng; còn về trung và dài hạn, nó mở ra những không gian, những sự lựa chọn mới cho Việt Nam tốt hơn.

Tôi cũng xin nhấn mạnh chính sách quốc phòng và đối ngoại của Việt Nam hoàn toàn mang tính chất tự vệ. Dân tộc Việt Nam trải qua quá nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh nên thấu hiểu và không muốn chiến tranh, cho dù có mua vũ khí của ai cũng chỉ nhằm mục đích tự vệ.

Báo chí nước ngoài: Bước đi lịch sử!

Báo chí quốc tế ngày 23-5 đồng loạt thông tin về quyết định chấm dứt hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam mà Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố trong cuộc họp báo cùng ngày với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Báo The Washington Post (Mỹ) và Guardian (Anh) cùng gọi đây là bước đi lịch sử, qua đó nêu bật mối quan hệ song phương ngày càng nồng ấm giữa Mỹ và Việt Nam. Theo New York Times, dỡ bỏ cấm vận vũ khí chính là điểm nhấn quan trọng nhất giữa 2 nước và đáng chú ý là nó được công bố ngay trong ngày đầu tiên của chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Obama. Tập đoàn truyền thông McClatchy nhận định quyết định của người quyền lực nhất nước Mỹ đánh dấu bước ngoặt ấn tượng sau hơn 4 thập kỷ 2 nước kết thúc chiến tranh. Còn theo đài CNN, Tổng thống Obama đã quyết bảo vệ quyết định dỡ bỏ cấm bán vũ khí cho Việt Nam bất chấp những ý kiến trái chiều đòi hỏi Việt Nam đáp ứng thêm một số điều kiện. Reuters cho rằng dỡ bở lệnh cấm của Mỹ sẽ giúp tăng cường sức ép chiến lược lên Trung Quốc trong khi cải thiện thêm quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về quân sự Việt Nam của Học viện Quốc phòng Úc, Mỹ, cũng đưa ra bình luận: “Sự “mở cửa” của Mỹ giúp Việt Nam có đòn bẩy trong các thương vụ vũ khí trong tương lai với những nhà cung cấp truyền thống”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 23-5 nói Bắc Kinh hy vọng việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ mang lại lợi ích cho hòa bình và phát triển trong khu vực. “Chúng tôi vui khi thấy Việt Nam và Mỹ phát triển quan hệ hợp tác bình thường” - bà Hoa nhấn mạnh. Dù vậy, ông McClatchy cho rằng bất cứ quyết định bán vũ khí nào của Mỹ cho Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi sự tức giận của Trung Quốc. Trước đó, Bắc Kinh từng gọi quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí của ông Obama cho Việt Nam vào năm 2014 là can thiệp vào sự cân bằng sức mạnh của khu vực.

Th.Hằng

Theo NLĐ