Mới vận hành hơn một tháng, cao tốc hơn 34.000 tỷ đồng Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã xuất hiện hố sâu, miếng vá

VietTimes -- Mới thông xe hơn 1 tháng, cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đã lộ ra những hư hỏng, yếu kém, đã xuất hiện những "bẫy chết người" nếu không cẩn trọng khi di chuyển trên cao tốc này.

Những "cái bẫy chết người" xuất hiện trên tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi
Những "cái bẫy chết người" xuất hiện trên tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

Hố sâu và những miếng vá trên cao tốc

 Mới đưa vào hoạt động từ tháng 9/2018, cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đã xuống cấp quá nhanh. Liên tiếp những miếng vá víu trên mặt đường vừa được đơn vị thi công lấp lại vội vã, hay những hố sâu đủ để gây ra vụ tai nạn nếu xe lưu thông với tốc độ cao trên cao tốc.

“Thật nguy hiểm, đây là những cái bẫy giết người trên tuyến cao tốc này. Anh hãy nghĩ nếu tài xế lao đi với tốc độ 100 - 120km/h, bất ngờ thấy hố này mà đánh lái thì cả xe lẫn người sẽ văng ra ngoài. Còn nếu đi thẳng vào, thì chiếc xe liệu có nguyên vẹn khi dừng lại?” - anh Sĩ Lâm - một lái xe trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa chỉ mặt đường vừa hỏi.

Không những vậy, việc công nhân lao ra mặt đường thi công các hạng mục còn sót, hay nắn làn để vá víu mặt đường cho thấy những nguy hiểm tiềm ẩn đối với tuyến cao tốc đầu tiên của miền Trung. Người tham gia giao thông không khỏi lo lắng, ngán ngẫm với công trình ngàn tỷ đồng có chất lượng tồi này.

Theo quan sát, đoạn tuyến đi khu vực địa phận huyện Điện Bàn và Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) từ km 20 đến km 27 có khá nhiều ổ gà, ổ trâu, dù đã đơn vị thi công đã trám lấp nhiều chỗ, nhiều khu vực hệ thống rào chắn gia súc gia cầm hai bên tuyến, kè ta luy, điện chiếu sáng, thoát nước… vẫn chưa hoàn thiện, nguy cơ mất an toàn khi lưu thông trên tuyến rất lớn.

“Mặt đường lồi lõm thiếu êm thuận, cộng với việc công nhân thi công không có cảnh báo từ xa hay nắn làn sẽ là nguy cơ gây mất an toàn. Đó là chưa kể hệ thống điện đường chưa có, nhiều đoạn rào chắn gia súc, gia cầm chưa được hoàn thiện khiến việc lưu thông trên đoạn tuyến này rất nguy hiểm. Nhất là vào lúc trời chập choạng sẽ khó lường. Chắc có lẽ đi một lần cho biết, lần sau lại đường cũ mà đi" -, anh Dũng - một lái xe khác nói.

Mới đưa vào sử dụng được hơn 1 tháng, nhưng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã hư hỏng phải đắp vá
Mới đưa vào sử dụng được hơn 1 tháng, nhưng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã hư hỏng phải đắp vá

Địa phương phải thúc chủ đầu tư

 Có lẽ tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có quá nhiều tồn tại vẫn chưa được xử lý, nên tại tại buổi Họp báo thường kỳ UBND tỉnh Quảng Nam hôm 2/10, ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết địa phương này đang tiếp tục đốc thúc, yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) giải quyết những tồn tại liên quan đến dự án này. Tuy nhiên tiến độ vẫn rất chậm - ông Toàn cho biết.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, TP, các đơn vị liên quan tập trung giải quyết các vướng mắc về mặt bằng thi công đường gom, đường ngang, hàng rào bảo vệ và các tồn tại ảnh hưởng đến dân sinh, an toàn trong quá trình thực hiện Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; 

Yêu cầu VEC chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các nhà thầu thi công có trách nhiệm tập trung chi trả tiền bồi thường cho các trường hợp còn lại bị ảnh hưởng rung nứt nhà ở, công trình trong quá trình thi công; Phối hợp với các địa phương rà soát, giải quyết bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bồi lấp, sạt lở đất canh tác; Tập trung thi công sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường địa phương còn lại để phục vụ nhân dân đi lại, sản xuất. 

Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu VEC chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thi công các vị trí đã được bàn giao mặt bằng các tuyến đường gom, đường ngang, hạ lưu cầu, cống thoát nước. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các địa phương giải quyết bồi thường, GPMB các vị trí còn vướng mắc về mặt bằng trên tuyến đường gom, đường ngang, hàng rào bảo vệ hai bên đường để đảm bảo an toàn giao thông và kịp thi công hoàn thành dứt điểm trước ngày 30/10/2018. “Chúng tôi vẫn tiếp tục đốc thúc VEC thực hiện trách nhiệm của mình, nhưng tiến độ thực hiện cam kết vẫn rất chậm”- ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có yêu cầu VEC giải quyết các tồn tại sau khi đưa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào hoạt động. Tuy nhiên, phía VEC đã phớt lờ không phối hợp với địa phương để giải quyết các tồn tại. Trước thái độ của VEC, tỉnh này cảnh báo sẽ không chịu trách nhiệm nếu người dân bức xúc, cản trở giao thông.

Còn nhiều tồn tại liên quan đến Công trình đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi vẫn chưa được xử lý
Còn nhiều tồn tại liên quan đến Công trình đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi vẫn chưa được xử lý 

Trước thực trạng trên, các địa phương này đã liên tiếp phát hành công văn đề nghị VEC khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Quảng Ngãi để giải quyết các nội dung còn tồn tại, kiến nghị, đề xuất của địa phương về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, vấn đề an sinh, ảnh hưởng trong quá trình thi công, việc hoàn trả lại đường thi công, vệ sinh môi trường… liên quan đến dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của BQL Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi, cơ quan này đã có nhiều văn bản đề nghị VEC giải quyết các nội dung tồn tại, vướng mắc, nhất là các kiến nghị của cử tri, nhưng chưa nhận được kết quả giải quyết của VEC. Từ ngày cao tốc này được thông xe đến nay, VEC cũng không phối hợp với BQL và các địa phương giải quyết các tồn tại liên quan đến dự án nữa.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là tuyến cao tốc đầu tiên tại các tỉnh miền Trung được khởi công ngày 19/5/2013. Đoạn tuyến đi qua các tỉnh, thành, gồm: Đà Nẵng (7,9km), Quảng Nam (91,2km) và Quảng Ngãi (40,1km), với tổng chiều dài toàn tuyến 139,204km. Trong đó, tuyến cao tốc có chiều dài 131,5km và đoạn nối tuyến cao tốc với QL1A có chiều dài 7,7km. 

 Dự án được chia thành 13 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) tương đương hơn 34.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay của Ngân hàng thế giới hơn 12.400 tỷ đồng và vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hơn 16.700 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Nhà nước.

 Dự án vừa được thông xe vào ngày 2/9/2018, sau nhiều lần trễ tiến độ. Và mặc dù được đưa vào hoạt động, nhưng các hạng mục phụ trợ khác vẫn chưa được hoàn thiện, hệ thống hàng rào an toàn, ngăn động vật trong hành lang tuyến vẫn chưa hoàn thành khép kín khiến phương tiện lưu thông trên tuyến đứng trước nguy cơ mất an toàn.