Đường dài cơ cấu ngân hàng
Kể từ khi Chính phủ ban hành Quyết định 254/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” vào đầu năm 2012, lộ trình tái cơ cấu ngân hàng đã có những bước tiến dài. Đầu tiên là cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tự sáp nhập, hợp nhất với nhau.
Kế tiếp là cho phép các tổ chức kinh tế tư nhân trong nước có tiềm lực tài chính mạnh góp vốn vào tái cấu trúc ngân hàng, như trường hợp tập đoàn Doji đã mua lại cổ phần của TPBank và tái cơ cấu rất thành công tính cho đến thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, thương vụ tập đoàn Thiên Thanh tham gia tái cấu trúc Đại Tín và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB) lại không cho kết quả như kỳ vọng, hệ quả là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau đó đã phải mua 0 đồng ngân hàng này cùng với hai ngân hàng yếu kém khác không thể tự tái cơ cấu là OceanBank và GPBank.
Có thể thấy đề án tái cơ cấu lần 1 đã giúp nhận diện những hạn chế của hệ thống ngân hàng và thúc đẩy một số ngân hàng tái cấu trúc thành công, nhưng với những ngân hàng yếu kém thì vẫn chìm trong khó khăn và tiến độ phục hồi rất chậm. Chính vì vậy, vào giữa năm 2017, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém.
Theo đó, lựa chọn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém dường như là giải pháp kế tiếp sẽ được đẩy mạnh triển khai. Với nguồn lực trong nước còn hạn chế và tránh nguy cơ làm gia tăng sở hữu chéo, trong khi kế hoạch xử lý dứt điểm các yếu kém đòi hỏi phải có “tiền tươi thóc thật”, thì dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết cho công cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng trong tình hình hiện nay.
Ngoài ra, kinh nghiệm từ quốc tế cũng cho thấy công cuộc tái cấu trúc và cải cách ngành ngân hàng muốn thành công đầu tiên sẽ do Chính phủ khởi xướng thông qua một loạt các biện pháp cải tổ như xây dựng các quy định mới tuân theo nguyên tắc thị trường và dần tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế, tiến hành các biện pháp xử lý các khoản nợ không sinh lời, nợ xấu rồi sau đó mới mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài.
OceanBank sẽ là thương vụ mở đường?
Với nguồn lực trong nước còn hạn chế và tránh nguy cơ làm gia tăng sở hữu chéo, trong khi kế hoạch xử lý dứt điểm các yếu kém đòi hỏi phải có “tiền tươi thóc thật”, thì dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết cho công cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng trong tình hình hiện nay. |
Thông tin OceanBank có thể được bán cho nhà đầu tư nước ngoài thực tế đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng chỉ mới được xác nhận chính thức gần đây. Cụ thể, vào giữa năm 2017, một đại diện của NHNN cho biết có ngân hàng nước ngoài khu vực châu Á bày tỏ ý định “khá nghiêm túc khi muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu OceanBank” và các bên đang tiến hành các bước tiếp theo. Theo nội dung “Dấu ấn OceanBank” trên trang web của chính ngân hàng này, thì OceanBank cũng đã bắt đầu làm việc với đối tác nước ngoài về đề án tái cơ cấu từ năm 2017. Tiếp đó, trong năm 2018, OceanBank tiếp tục hợp tác với đối tác nước ngoài về đề án này.
Hiện tại OceanBank có 21 chi nhánh và 101 phòng giao dịch, mạng lưới vẫn được giữ khá ổn định dù gặp không ít khó khăn. Về hoạt động kinh doanh, thông tin chia sẻ gần đây cho thấy tổng nguồn vốn huy động năm 2018 tăng gần 4% so với đầu năm, số dư huy động tiền gửi khách hàng bán lẻ tăng 6% so với đầu năm, hoàn thành 101% chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Về chiến lược phát triển, OceanBank đang tiếp tục đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ, nâng cấp dịch vụ Mobile Banking, cũng như tập trung thu hồi, xử lý nợ xấu trong năm nay.
Nếu bán thành công OceanBank cho ngân hàng nước ngoài, sự kiện này sẽ đánh dấu mốc mới trong lộ trình tái cơ cấu ngân hàng và mở đường cho việc mời chào thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác tham gia vào lĩnh vực này. Tận dụng lợi thế dòng vốn đầu tư từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đang ồ ạt đổ vào Việt Nam, thì mục tiêu trên được kỳ vọng sẽ thành công.
Trước đó, vào cuối tháng 3 năm nay, tập đoàn J Trust của Nhật cũng cho biết đã dành thời gian tìm hiểu và muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém tại Việt Nam, trong đó họ muốn mua lại Ngân hàng Xây dựng (CBBank) để trở thành cửa ngõ cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp của Nhật Bản. Tập đoàn J Trust sẽ không chỉ tham gia về vốn, mà cả về công nghệ hỗ trợ nghiệp vụ và muốn được Chính phủ Việt Nam, NHNN tạo điều kiện thuận lợi trong việc đàm phán và giao dịch thành công.
Thật ra để nhà đầu tư quyết định rót tiền vào tái cấu trúc một TCTD yếu kém, có hai vấn đề họ quan tâm hàng đầu.
Thứ nhất là những vụ án liên quan đến TCTD này đã được xét xử xong chưa, từ đó mới xác định được thiệt hại
đầy đủ và khả năng bồi thường, khắc phục, khi đó nhà đầu tư mới có đủ cơ sở để đánh giá tổn thất, nguồn vốn cần rót thêm và khả năng cũng như thời gian phục hồi của TCTD.
Thứ hai là tình trạng nợ xấu và khả năng thu hồi. Với Nghị quyết 42 mang lại nhiều giải pháp đột phá, các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu có thể tự tin sẽ đẩy nhanh thu hồi, xử lý nợ xấu để sớm xóa lỗ cho các TCTD này. Ngoài ra, sức hấp dẫn của các ngân hàng còn nằm ở lượng tài sản cố định là các trụ sở chi nhánh, với giá bất động sản đã tăng rất mạnh trong hai năm trở lại đây, bên cạnh cơ sở khách hàng đã phát triển được sau nhiều năm nỗ lực.
Theo TBKTSG
Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/td/289425/moc-moi-trong-lo-trinh-tai-co-cau-ngan-hang.html