4 đời Chủ tịch PVN vào tù, vì OceanBank
Mối quan hệ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank) có phần đặc biệt. Bởi lẽ, PVN là nhà đầu tư chiến lược đã 3 lần thực hiện góp vốn (vào năm 2008, 2010 và 2011), chi ra tổng cộng số tiền 800 tỷ đồng để nắm giữ 20% cổ phần của Oceanbank. Số tiền đầu tư này có nguồn gốc hình thành từ kết quả sản xuất kinh doanh của PVN. (Nhưng tin rằng con số 800 tỷ đồng vốn góp chưa hẳn đã là điều mà ông Hà Văn Thắm nhắm đến - cái mỏ tiền, nhiều tỷ USD nhàn rỗi "nhà" PVN, có lẽ "thu hút" hơn).
Ocean Bank và “mỏ tiền” PVN |
Vào năm 2015, OceanBank được Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) mua lại với giá 0 đồng. Bên cạnh đó, do thực hiện chấm dứt toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của cổ đông tại Oceanbank nên PVN đã phải ghi nhận khoản lỗ tương đương 800 tỷ đồng.
Nhà chức trách xác định các lần góp vốn của PVN tại Oceanbank có nhiều sai phạm. Cụ thể, trong giai đoạn 2008 - 2011, ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN) đã ký các thỏa thuận góp vốn với ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Oceanbank) mà không thông qua Hội đồng thành viên PVN. Ngoài ra, các lần góp vốn của PVN tại Oceanbank cũng vi phạm nhiều quy định của pháp luật, chỉ đạo của các bộ và Thủ tướng Chính phủ.
Các sai phạm này là một phần nguyên nhân khiến ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN) bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 8/12/2017.
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử. Ảnh: TTXVN
|
Tuy nhiên, người đầu tiên bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ “đại án” Oceanbank - Hà Văn Thắm là ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN và cũng là người đại diện cho phần vốn góp của PVN tại Oceanbank với vai trò là Tổng Giám đốc (giai đoạn tháng 1/2008 - 12/2010).
Ông Sơn bị đưa ra xét xử về 3 tội Tham ô tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng và Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Dưới thời ông Đinh La Thăng, PVN còn có 2 nhân sự cấp cao khác mà sau này cũng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch là ông Phùng Đình Thực (cựu Tổng Giám đốc) và ông Nguyễn Quốc Khánh (cựu Phó Tổng Giám đốc). Hai cá nhân này cũng đã bị cơ quan CSĐT khởi tố, bắt tạm giam vào cuối năm 2017 vì các sai phạm khác nhau.
Chỉ đạo các công ty con của PVN gửi tiền tại Oceanbank
Trong quá trình xét xử sơ thẩm "đại án" OceanBank - Hà Văn Thắm (bắt đầu từ ngày 28/8/2017), đại diện PVN khẳng định không có văn bản hành chính bắt buộc các đơn vị sử dụng dịch vụ của OceanBank. Với vai trò là cổ đông chiến lược của OceanBank, PVN có nghĩa vụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh của ngân hàng này theo các cam kết có liên quan.
“PVN không có văn bản nào mang tính ép buộc các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank mà chỉ có khuyến nghị mang tính đề nghị. Việc này hoàn toàn mang tính tự nguyện, không mang tính ép buộc” - đại diện PVN cho biết.
"Đường tình" PVN - OceanBank |
Tuy nhiên, theo cơ quan công tố, tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện từ năm 2009-2010, PVN đã có văn bản yêu cầu các tổng công ty, công ty con, tổ chức liên quan đến tập đoàn và toàn thể công nhân giao dịch qua tài khoản tại OceanBank trong đó có cả tiền gửi.
Đại diện Viện kiểm sát cũng cho biết đơn vị này đang có trong tay văn bản ngày 22/6/2009 của Tổng giám đốc PVN trong đó có yêu cầu gửi tiền vào Oceanbank. Cơ quan này cho rằng văn bản hành chính trên như yêu cầu bắt buộc.
Quang cảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong vụ “đại án” xảy ra tại Oceanbank (Nguồn: Internet)
|
Cũng trong quá trình xét xử của phiên tòa sơ thẩm, hàng loạt công ty con của PVN cũng bị tố nhận tiền của Oceanbank.
Cụ thể, các bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank) cho biết đã chi tiền “chăm sóc” trái quy định cho các lãnh đạo của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVoil),... Gần như mọi công ty "họ" PVN đều bị gọi tên.
Tuy nhiên, các đại diện đến từ các công ty thành viên của PVN đều lên tiếng phủ nhận các lời khai trên.
Trong thời gian phiên tòa sơ thẩm diễn ra, việc điều tra mở rộng vụ án (giai đoạn 2) OceanBank - Hà Văn Thắm vẫn được tiến hành tích cực. Nhà chức trách tiếp tục điều tra, làm rõ những cá nhân tại các tổ chức kinh tế lớn có nhận tiền lãi ngoài hợp đồng của OceanBank nhưng để ngoài sổ sách nhằm hưởng lợi riêng bất chính.
Tới các "sếp" công ty, tổng công ty thành viên PVN
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu, Hà Văn Thắm,... về việc chi tiền cho lãnh đạo một số công ty trong quá trình thẩm vấn, cơ quan CSĐT đã tiếp tục xác mình, làm rõ và tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nhiều cá nhân là các "sếp" trong tập đoàn PVN.
Trong đó, có thể kể đến trường hợp của ông Ninh Văn Quỳnh (cựu Kế toán trưởng, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) bị khởi tố bị can, bắt tạm giam ngày 31/8/2017 để phục vụ công tác điều tra về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đáng chú ý, tại thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam, bị can Ninh Văn Quỳnh đang tham gia phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh tại phiên tòa (Ảnh: TTXVN)
|
Sau đó không lâu, ngày 13/9/2017, cơ quan CSĐT tiếp tục ra quyết định khởi tố ba vụ án hình sự, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại VSP, PVEP, BSR theo Điều 280 - Bộ luật Hình sự. Đồng thời, nhà chức trách cũng tiến hành khởi tố bổ sung vụ án hình sự và khởi tố bổ sung bị can đối với ông Ninh Văn Quỳnh.
Phiên xét xử đẫm lệ trong “đại án” OceanBank - Hà Văn Thắm |
Cơ quan chức năng cho rằng, việc nhận, sử dụng các khoản tiền ngoài lãi suất tại VSP, BSR, PVEP là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu thỏa thuận, móc ngoặc giữa lãnh đạo các doanh nghiệp này với lãnh đạo OceanBank trong việc đưa, nhận tiền và để ngoài sổ sách kế toán nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Tới ngày 27/4/2018, cơ quan CSĐT tiến hành khởi tố, bắt tạm giam với ông Vũ Mạnh Tùng, Phó Tổng Giám đốc BSR về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tương tự, các cá nhân là các lãnh đạo cấp cao tại BSR cũng bị khởi tố, bắt tạm giam là Nguyễn Hoài Giang (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên), ông Đinh Văn Ngọc (nguyên Tổng Giám đốc) và Phạm Xuân Quang (nguyên Kế toán trưởng).
Cụ thể, cáo trạng của VKSND tối cao cho biết, ông Nguyễn Hoài Giang khi làm Tổng Giám đốc BSR đã ký 21 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với tổng số tiền hơn 11.500 tỷ đồng và 23 triệu USD. Hơn nữa, khi làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Giang tiếp tục phê duyệt 15 tờ trình để BSR gửi tiền vào Oceanbank.
Ông Đinh Văn Ngọc bị cáo buộc với chức vụ Tổng giám đốc BRS đã ký 6 tờ trình gửi số tiền hơn 1.800 tỷ đồng và 12 tờ trình đề xuất gia hạn gửi số tiền 12.000 tỷ đồng. Ông Vũ Mạnh Tùng khi giữ chức Phó Tổng Giám đốc cũng ký 35 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với số tiền hơn 7.800 tỷ đồng.
Còn ông Phạm Xuân Quang (nguyên Kế toán trưởng BSR) ký tờ trình đề xuất Ban Tổng giám đốc phê duyệt, làm thủ tục ký hợp đồng với Oceanbank Chi nhánh Quảng Ngãi; ủy quyền cho cấp dưới đề xuất lãnh đạo ký tổng cộng 56 hợp đồng tiền gửi với tổng số tiền hơn 19.400 tỷ đồng và hơn 23 triệu USD.
Đại án OceanBank: Đêm trước phiên tòa... |
Trong thời gian này, Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) ra chủ trương về việc chi trả lãi ngoài tiền huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống ngân hàng, trong đó có BSR.
Do vậy, với việc gửi tiền trên, nhà chức trách cho rằng 4 bị can đã được nhận "tiền chăm sóc khách hàng" của OceanBank.
Tại VSP, ngày 21/6/2018, cơ quan CSĐT đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Từ Thành Nghĩa (Nguyên Tổng giám đốc) và ông Võ Quang Huy (Nguyên Chánh kế toán) nhằm phục vụ công tác điều tra.
Gần đây nhất, ngày 18/12/2018, cơ quan CSĐT cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Văn Khạnh, nguyên Tổng Giám đốc PVEP. Ông Khạnh được cho là có liên quan đến số tiền 4 tỷ đồng OceanBank đã thực hiện chi lãi ngoài, để đổi lại việc huy động tiền gửi từ PVEP.
Và trước đó ít ngày, là hai lãnh đạo Vinashin - ông Trương Văn Tuyến, nguyên Tổng Giám đốc Vinashin; ông Phạm Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc SBIC (Vinashin trước đây). Ông Tuyến và ông Sơn bị cáo buộc là có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, ký duyệt gửi tiền có kỳ hạn của Tập đoàn Vinashin vào Ngân hàng OceanBank trái quy định pháp luật.
Bắt nguyên Tổng Giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh, PVD khuyết Chủ tịch HĐQT |
Thậm chí, trên cương vị Trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, năm 2008, ông Trương Văn Tuyến còn có vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Rõ ràng, "cuộc tình" với OceanBank đã lấy đi của PVN - tập đoàn kinh tế từng được xem như vững mạnh nhất nước, nơi tập hợp của những con người đầy tài năng - quá nhiều điều.
Nó đã để lại cho PVN và các thế hệ cán bộ, lãnh đạo tập đoàn, cũng như các công ty thành viên một "di họa" khủng khiếp. Những đồng lãi ngoài tiền tỷ không biết đã đưa và sẽ đưa bao nhiêu con người - trong đó có cả những "người hùng" - của PVN đối diện vòng lao lý (?!).
Nhưng danh sách liệu đã dừng lại, và câu chuyện - nếu nhìn rộng hơn, có chỉ là của riêng PVN...
Nhiều cá nhân, tổ chức nhận tiền lãi ngoài của OceanBank Ngày 29/9/2017, sau hơn 1 tháng, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) và các đồng phạm trong vụ “đại án” xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) đã kết thúc. Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội (TAND) đã tuyên án đối với 51 bị cáo trong vụ án này. Tại bản án sơ thẩm, bị cáo Hà Văn Thắm bị tuyên án tù chung thân. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (cựu tổng giám đốc OceanBank) nhận án tử hình. Các đồng phạm nhận các mức án từ 24 tháng cải tạo không giam giữ tới 22 năm tù. Ngoài hình phạt tù, một số bị cáo còn bị tuyên buộc bồi thường dân sự cho nguyên đơn dân sự là OceanBank và PVN. Đáng chú ý, theo bản án sơ thẩm, có hơn 50.000 cá nhân và gần 400 tổ chức gửi tiền tại OceanBank đã nhận các khoản chi ngoài hợp đồng trong vòng 4 năm. Tuy nhiên, mới chỉ có 19 tổ chức kinh tế thừa nhận hưởng hơn 3 tỷ lãi ngoài của OceanBank; 124 tổ chức kinh tế không thừa nhận; còn lại 249 tổ chức không có hồi âm với nhiều lý do như: đã giải thể, ngừng hoạt động, đổi trụ sở, lãnh đạo là người nước ngoài đã về nước... |