Microsoft Teams: Công cụ đắc lực cho tiến trình chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Microsoft Teams - nền tảng giúp duy trì kết nối, trao đổi, chia sẻ, học tập và kinh doanh - đang là một trong những ứng viên sáng giá của Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards – VDA) năm 2021.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Microsoft Teams đã trở thành một trong số những nền tảng giao tiếp quan trọng (ảnh minh họa).
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Microsoft Teams đã trở thành một trong số những nền tảng giao tiếp quan trọng (ảnh minh họa).

Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam là giải thưởng danh giá, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có sự đổi mới, đóng góp xuất sắc trong việc phát triển hoặc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh nhằm hiện thực hoá khát vọng Chuyển đổi số của Việt Nam.

Đây là Giải thưởng thường niên và uy tín, do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, VietTimes tổ chức thực hiện, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Giải thưởng sẽ được trao vào trung tuần tháng 12/2021.

Microsoft Teams là một trong những nền tảng dùng để giao tiếp và cộng tác giữa hai hay nhiều người với nhau, cho phép họ trò chuyện, chia sẻ và lưu trữ tài liệu, hội họp và trình chiếu qua video.

Microsoft Teams dành cho mọi đối tượng người sử dụng. Dù là cuộc trò chuyện dưới hình thức thoại hay video, bất kỳ ai cũng có thể tham gia. Đặc biệt, Microsoft Teams có khả năng tích hợp cùng lúc hàng trăm ứng dụng khác để hỗ trợ cho việc trao đổi, cộng tác và chia sẻ.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Microsoft Teams đã trở thành một trong số những nền tảng giao tiếp quan trọng, giúp duy trì kết nối, trao đổi, chia sẻ, học tập và kinh doanh cho nhiều tổ chức, cơ sở giáo dục đào tạo, cũng như nhiều doanh nghiệp trong cả nước.

Nền tảng số hóa giáo dục miễn phí

Đầu tháng 2/2020, khi COVID-19 khiến trường học phải đóng cửa, cô Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội), rất lo lắng vì việc học của học sinh sẽ bị gián đoạn. Thấy nhiều trường tư thục chuyển sang thình thức dạy trực tuyến. Cô đã quyết định học hỏi bằng cách tham gia Cộng đồng giáo viên sáng tạo Microsoft Experts và tìm hiểu về ứng dụng cộng tác Microsoft Teams.

THCS Đông La là một trong những trường sớm áp dụng Microsoft Teams vào công tác dạy - học.

THCS Đông La là một trong những trường sớm áp dụng Microsoft Teams vào công tác dạy - học.

Chỉ sau một tháng, toàn bộ giáo viên của THCS Đông La đã chuyển qua dạy học trên nền tảng Microsoft Teams. Từ đó đến hết đợt học online năm 2020, có tới 99% học sinh đã tham gia học trên ứng dụng.

"Đó là mốc thời gian và những con số mà tôi sẽ luôn ghi nhớ" - cô Dung chia sẻ.

Trường THCS Đông La là một trong rất nhiều trường học đã sớm ứng dụng và triển khai Microsoft Teams vào giảng dạy ngay từ đợt bùng dịch COVID-19 đầu tiên năm 2020.

Ngoài những tính năng ưu việt cho việc cộng tác và chia sẻ, Microsoft Teams còn có những tính năng chuyên biệt cho việc dạy và học như các ứng dụng chia nhóm thảo luận, quản lý học sinh, điểm danh, số hóa hồ sơ sổ sách nhà trường, v.v.

Cho đến nay tại Việt Nam sau hơn một năm, đã có hơn 6 triệu giáo viên và học sinh trên toàn quốc sử dụng Microsoft Teams miễn phí để duy trì việc học tập từ xa trong các giai đoạn giãn cách xã hội.

Các nội dung theo chương trình học được đảm bảo với sự tham gia hỗ trợ của Microsoft Teams.

Các nội dung theo chương trình học được đảm bảo với sự tham gia hỗ trợ của Microsoft Teams.

Thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp

Bên cạnh những nỗ lực duy trì việc dạy và học cho giáo viên và học sinh, Microsoft Teams còn đóng góp một phần không nhỏ trong việc duy trì sự phát triển kinh doanh và mở ra cơ hội mới cho nhiều tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam, từ ngành tài chính ngân hàng đến các lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, chăn nuôi, nông nghiệp, v.v.

Hơn 500.000 tổ chức và doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có hơn 90% các tổ chức thuộc Fortune 100, đã triển khai ứng dụng Microsoft Teams trong tổ chức của mình tại hơn 180 quốc gia và với 44 ngôn ngữ khác nhau.

Năm 2019, Sacombank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đưa vào sử dụng rộng rãi ứng dụng cộng tác Microsoft Teams nhằm số hóa môi trường làm việc, góp phần nâng cao năng suất lao động cho cán bộ nhân viên. Đến tháng 6 năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Sacombank cũng lần đầu tiên tổ chức Đại hội cổ đông trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên nền tảng Microsoft Teams cho hơn 70.000 cổ đông.

Một cổ đông truy cập vào cổng thông tin để thực hiện biểu quyết.

Một cổ đông truy cập vào cổng thông tin để thực hiện biểu quyết.

Nói về việc lựa chọn nền tảng công nghệ phục vụ cho việc tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến, ông Trần Thái Bình – GĐ Khối CNTT, Sacombank cho biết: “Quyết định thực hiện đại hội cổ đông theo hình thức trực tuyến là một quyết định táo bạo, và chúng tôi không được phép thất bại ở lần tổ chức đầu tiên. Các yếu tố như sự linh hoạt của nền tảng công nghệ, bảo mật cần được đặt lên hàng đầu, đó là lý do chúng tôi chọn làm việc cùng Microsoft”.

Hài lòng với kết quả đạt được ở lần tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến lần đầu tiên, ông Trần Thái Bình cho biết thêm, Sacombank sẽ cân nhắc chuyển đổi việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên sang hình thức trực tuyến và bán trực tuyến trong các năm tiếp theo, nhằm số hóa quy trình, đồng thời mang lại sự tiện lợi cho cổ đông của ngân hàng.

Không chỉ những tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng như Sacombank, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác cũng sớm nhìn nhận được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thúc đẩy hoạt động kinh doanh như Nanoco.

Là một công ty cung cấp các thiết bị điện hiện đại, có trụ sở tại Việt Nam, Nanoco đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp hàng đầu các thiết bị điện hiện đại trong khu vực.

Ông Lương Lực Văn - Giám đốc điều hành của Nanoco, cho biết: “Chúng tôi hài lòng với những trải nghiệm có được từ ứng dụng văn phòng Microsoft Office, công cụ Microsoft Teams và giải pháp lưu trữ đám mây OneDrive. Việc cộng tác và chia sẻ các tài liệu cùng lúc trở nên thật dễ dàng”.

Vừa qua, tại sự kiện thường niên Microsoft Ignite 2021, CEO Satya Nadella đã công bố sẽ đưa Microsoft Mesh, một nền tảng của hãng cho phép người dùng chia sẻ trải nghiệm ảo, vào trong Microsoft Teams, mang tới một thế hệ cuộc họp hai chiều (2D) và ba chiều (3D) mới.

Nhờ công nghệ AI, người dùng sẽ có một hình đại diện được cá nhân hóa với khả năng tùy chỉnh và mô phỏng các chuyển động cũng như cử chỉ, từ đó tạo cho họ một cảm giác như được thực sự tham gia vào thế giới ảo, ngay cả khi họ tắt camera.

Trong các cuộc họp nhóm, người dùng còn có thể tạo ra một không gian ảo giống với các không gian thực tế bên ngoài như phòng chờ để những diễn giả và người chủ trì cuộc họp có thể cùng nhau hiện diện, gặp gỡ, trao đổi và kết nối trước khi tham gia hội họp.

Công nghệ ngày một sáng tạo và chuyển đổi số không còn là một xu hướng mà là một điều kiện bắt buộc cho bất kỳ một tổ chức hay doanh nghiệp nào muốn duy trì sự kết nối, cộng tác và phát triển. Để bắt đầu chuyển đổi số, dù là một start-up, một cơ sở giáo dục đào tạo hay một tổ chức tài chính, điều đầu tiên, quan trọng và đơn giản nhất là thay đổi phương thức giao tiếp truyền thống và Microsoft Teams là một trong những lựa chọn hiệu quả.