Microsoft tái khởi động cuộc chiến “dumb laptop“

Sự tấn công mạnh mẽ của những chiếc ChromeBook buộc Microsoft phải tìm cách hồi sinh lại một ý tưởng từng bị cả người tiêu dùng lẫn các nhà sản xuất đả kích kịch liệt: Windows không chạy được ứng dụng desktop truyền thống.
Lợi thế lớn nhất của Chrome OS so với Windows RT: Không bị liên tưởng tới... Windows.
Lợi thế lớn nhất của Chrome OS so với Windows RT: Không bị liên tưởng tới... Windows.

Chưa được công bố chính thức nhưng đã rò rỉ khá nhiều chi tiết qua các bản build leak hoặc các tin đồn, Windows 10 Cloud Edition là một ý tưởng không quá xa lạ. Cũng giống như Windows RT, đây sẽ là một phiên bản Windows cực kỳ giới hạn: bạn đừng mong cài đặt các ứng dụng Win32 truyền thống lên Windows 10 Cloud Edition. Trớ trêu thay, danh sách này bao gồm cả những ứng dụng "ruột" của Microsoft như Visual Studio.

Vậy tại sao lại hồi sinh một ý tưởng đã chết? Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ Windows RT bị phản đối tới mức Microsoft phải chịu lỗ gần 1 tỷ USD vì Surface RT còn các đối tác phần cứng thậm chí còn công khai phản đối phiên bản này.

Câu trả lời là ChromeBook.

Về mặt bản chất, ChromeOS và Windows RT không khác biệt nhiều. Đây đều là 2 hệ điều hành cực kỳ giới hạn và gần như... vô dụng nếu không có Internet. Dĩ nhiên, các tính năng căn bản như chơi nhạc, chơi video hay duyệt file vẫn sẽ hoạt động ở chế độ offline, nhưng về bản chất, nếu so sánh với Windows 10 hay Windows 8 bản đầy đủ thì Chrome OS và Windows RT vẫn là 2 hệ điều hành... "dumb" chính hiệu.

Vậy tại sao Chrome OS đến giờ vẫn sống tốt còn Windows RT thì bị đả kích tới vậy? Microsoft đã mắc phải 2 sai lầm rất lớn. Sai lầm căn bản nhất: các thiết bị Windows RT từ cả Microsoft lẫn các đối tác phần cứng đều có giá quá cao so với ChromeBook. Trong khi những chiếc "dumb laptop" của Google chỉ có giá vào khoảng 200 USD thì Surface RT lại có giá lên tới 400 USD. Khi phải đối đầu với một chiếc laptop Windows đầy đủ đôi khi được sale xuống tới 350 USD, thất bại của Surface RT và các bản sao là gần như chắc chắn.

Sai lầm thứ hai của Microsoft là sử dụng ARM dẫn tới tình trạng không tương thích với ứng dụng x86 truyền thống. Trong khi Google khẳng khái thừa nhận Chrome OS chỉ là một phiên bản của trình duyệt Chrome thì Microsoft lại đem nguyên lớp vỏ của Windows thường áp lên một sản phẩm chạy ARM. Đây không phải là một chiến lược kinh doanh thông minh, nhất là với đối tượng người dùng phổ thông không hề có một chút khái niệm nào về "x86" hay "ARM".

Kho dịch vụ online của Microsoft giờ không thua kém gì Google cả, chưa kể gã khổng lồ phần mềm còn có vũ khí cực kỳ lợi hại: Office.

May mắn là những vấn đề này sẽ không tồn tại trên Windows 10 Cloud nhờ vào những tiến bộ công nghệ mới và cả vào những tiến bộ của Microsoft.

Về vấn đề mức giá, để có thể đẩy giá bán phần cứng xuống mức thấp nhất, Microsoft cần phải đưa ra một mô hình dịch vụ đám mây kết hợp kèm để thu lời về lâu về dài. Đây thực chất chính là chiến lược sống của Google dành cho Chrome, ChromeBook và cả Android: không tính phí nền tảng, nhưng bắt buộc phải "gói" kèm dịch vụ của Google. Tại thời điểm 2012, Windows Store chưa có một danh sách đối tác phong phú, các dịch vụ của Microsoft cũng chưa đạt đến độ "chín" như hiện nay. Thậm chí, Windows RT còn không thể cạnh tranh với "hệ điều hành trình duyệt" Chrome OS vì chưa có một trình duyệt "tử tế" nào cả.

Nhưng đến năm 2017, cả Office 365, OneNote và OneDrive đều đã được cải thiện đáng kể. Mức độ tích hợp của Skype đã được gia tăng; sự xuất hiện của Cortana hứa hẹn sẽ mang tới một trải nghiệm cực kỳ hấp dẫn ngay cả trên các nền tảng phần cứng giá rẻ. Microsoft Edge dù thị phần còn thấp nhưng cũng đã tạo được ấn tượng là ngang ngửa với Firefox và Chrome, khác hẳn so với Internet Explorer trước đây. Tất cả những gì Microsoft cần làm lúc này là đưa ra một mô hình hợp tác hấp dẫn tới các nhà sản xuất và sau đó "nhồi nhét" các dịch vụ của mình vào các mẫu laptop chạy Windows 10 Cloud Edition.

Khoan bàn tới những chiếc smartphone biến hình, các con chip mạnh mẽ như Snapdragon 835 là tiền đề để tạo ra những chiếc laptop "ngu" nhưng rẻ.

Về vấn đề giới hạn ứng dụng Windows, Microsoft có lẽ cũng sẽ không cần phải quá lo lắng như trước đây. Thực chất, quyết định sử dụng ARM cho Surface RT xuất phát từ vấn đề giá cả, bởi chi phí cho chip và bảng mạch ARM thấp hơn rất nhiều so với chip Intel hay AMD. Nhưng với Snapdragon 835, Qualcomm và Microsoft đã chứng minh được rằng ARM của ngày hôm nay hoàn toàn có thể giả lập các ứng dụng x86 đầy đủ.

Và thực tế là Windows 10 Cloud Edition cũng sẽ hỗ trợ ứng dụng x86. Giới hạn duy nhất của hệ điều hành này là chỉ cho phép cài các ứng dụng phát hành trên Windows Store, hiện tại đang bao gồm cả ứng dụng UWP (cảm ứng) lẫn ứng dụng x86. Đây là một kịch bản dễ chấp nhận hơn nhiều so với tất cả các bên liên quan: người tiêu dùng thì tiết kiệm được chi phí phần cứng và hệ điều hành, đổi lại Microsoft được phép nắm chặt hơn quyền phân phối ứng dụng/nội dung trên hệ điều hành của mình để bù đắp cho khoản lợi nhuận đã hi sinh.

Bên cạnh các giải pháp dành cho các vấn đề xưa cũ, Microsoft cũng có những vũ khí riêng để đánh bại Google. So với ChromeBook, Windows 10 Cloud sẽ có một lợi thế trước đây từng được Microsoft dùng để đẩy Macintosh vào khó khăn ngập tràn: bộ Microsoft Office đầy đủ. Phiên bản 16170 của Windows 10 Cloud hiện tại đã xuất hiện đường dẫn để cài đặt Office từ Windows Store, và chuyện bộ ứng dụng văn phòng tối cần thiết này xuất hiện trên hệ điều hành "ngu" của Microsoft chỉ còn là vấn đề thời gian.

Windows 10 Cloud Edition sẽ hỗ trợ x86.

Năm 2017, cuộc đua PC có thể trở lại nóng hơn bao giờ hết nhờ vào Microsoft và Google. Trên một thị trường PC đã nguội lạnh, cả 2 ông lớn đều đang tính đường nhồi nhét dịch vụ đám mây vào các hệ điều hành bị giới hạn tính năng và mức độ tự do để đẩy giá phần cứng xuống các mức không tưởng.

Theo Tri thức trẻ

http://genk.vn/khong-cam-chiu-de-google-lan-at-microsoft-dang-tai-khoi-dong-cuoc-chien-dumb-laptop-20170411102700858.chn