Metro có nguy cơ “đứng bánh” vì kẹt tần số vô tuyến

Hai tuyến metro muốn hoạt động được thì không chỉ có đường ray, toa xe, đầu tàu..., mà một trong những điều kiện tiên quyết là phải có hệ thống thông tin liên lạc.
Metro có nguy cơ “đứng bánh” vì kẹt tần số vô tuyến

Đối với các tuyến metro, hệ thống thông tin liên lạc được các nhà chuyên môn ví như các sợi dây thần kinh có khắp nơi trên cơ thể con người nối với bộ não, hay giống như hệ thống các mạch máu nối với con tim. Không có hệ thống này, cơ thể sẽ tê liệt.

Tương tự, để hai tuyến metro nói trên có thể lăn bánh không chỉ có đường ray, toa xe, đầu tàu..., mà một trong những điều kiện tiên quyết là phải có hệ thống thông tin liên lạc.

Song, muốn hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, nhất định phải có một tần số vô tuyến điện ấn định cho nó hoạt động.

“Giữ chỗ”: 800 triệu đồng/năm

Đây chính là câu chuyện khá rắc rối xảy ra đến hiện nay, liên quan việc xác định các điều kiện cần thiết nhất để thiết lập hệ thống thông tin liên lạc cho hai tuyến metro đầu tiên của TP.HCM: tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Cụ thể, theo thông tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, hiện nay tại TP có 11 dự án đường sắt. Trong đó, hai dự án trên đang được triển khai và đề xuất sử dụng tần số vô tuyến điện để liên lạc, điều khiển, giám sát các tuyến metro hoạt động.

Còn thông tin từ Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) TP.HCM cho biết trước đây, cụ thể cuối năm 2008, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) có văn bản đồng ý “giữ chỗ” các tần số vô tuyến điện cho Ban quản lý đường sắt đô thị TP đối với dự án tuyến metro số 1 đến năm 2013.

Tuy nhiên, sau khi Luật tần số vô tuyến điện có hiệu lực năm 2009 không cho phép “giữ chỗ” trước tần số dự kiến sử dụng. Hơn nữa, hiện hồ sơ xin “giữ chỗ” này đã hết hạn.

Mặt khác, liên quan đến các quy định trong lĩnh vực nói trên, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 112 (năm 2013) cũng chỉ quy định mức chi phí phải đóng khi sử dụng tần số, không quy định phí “giữ chỗ” tần số.

Theo Sở TT&TT TP, đây là những lý do dẫn đến Cục Tần số vô tuyến điện chỉ “giữ chỗ” khi Ban quản lý đường sắt đô thị TP đồng ý đóng phí “giữ chỗ” giống như phí sử dụng tần số. Chi phí này ước tính hơn 800 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, việc sử dụng tần số chỉ diễn ra khi thử nghiệm toàn tuyến metro vào cuối năm 2019 và đưa vào khai thác sử dụng cuối năm 2020, như vậy còn 3-4 năm nữa. Chính vì lý do này, các cơ quan hữu quan của TP.HCM cho rằng việc đóng phí đối với tần số khi chưa sử dụng sẽ tăng thêm chi phí đầu tư dự án và gây lãng phí.

Công nhân thi công tuyến metro tại khu vực quận 2, TP.HCM chiều 22-3-2016 - Ảnh: Tự Trung

Ai đăng ký trước sẽ giải quyết trước

Toàn bộ diễn biến, các phân tích, đề xuất... của Sở TT&TT TP, Ban quản lý đường sắt đô thị TP được trình UBND TP. Đồng tình với các ý kiến tham mưu, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đã ký văn bản gửi Bộ TT&TT, Cục Tần số vô tuyến điện nhằm nêu hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến sự việc.

Theo đó, UBND TP đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo Cục Tần số vô tuyến điện quy hoạch dãy tần số dự kiến được sử dụng cho dự án tuyến metro số 1 và số 2.

Về những khả năng có thể giải quyết các đề nghị của UBND TP.HCM, cụ thể là được “giữ chỗ” tần số (không phải đóng phí) hay muốn có tần số dành cho các tuyến metro ngay từ bây giờ phải trả phí, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện vẫn nhấn mạnh theo các quy định hiện hành (Luật tần số vô tuyến điện và các quy định liên quan), không có quy định về giữ chỗ tần số.

Điều 16 của luật này chỉ có hai hình thức sử dụng tần số là loại phải có giấy phép (quy định có ba loại giấy phép gồm giấy phép tần số và thiết bị, giấy phép băng tần, giấy phép tần số và quỹ đạo vệ tinh) và loại miễn phí giấy phép.

Rà soát các thông tin, đề nghị từ UBND TP và các cơ quan liên quan ở địa phương này, Cục Tần số vô tuyến điện cho biết trong trường hợp các hệ thống thông tin liên lạc được địa phương đề nghị đều thuộc loại phải cấp giấy phép, đồng thời phải trả phí.

Còn với đề xuất “giữ chỗ”, vẫn theo Cục Tần số vô tuyến điện, hiện tại trong các văn bản quy phạm pháp luật không có điều khoản nào cho phép giữ chỗ tần số cả. Song nếu để tiết kiệm chi phí, chỉ có thể vận dụng cấp giấy phép thử nghiệm tính năng kỹ thuật phục vụ việc giới thiệu công nghệ, thiết bị, nghiên cứu, chế tạo...

Trong trường hợp để tránh lãng phí ngân sách khi chưa sử dụng tần số như quan điểm của UBND TP nêu, việc này nếu giải quyết bằng cách đợi đến khi thử nghiệm metro mới đăng ký sử dụng tần số, liệu đến thời điểm đó có còn tần số phù hợp để cấp cho nhu cầu hoạt động các tuyến metro hay không?

Các nhà chuyên môn của Cục Tần số vô tuyến điện nói do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các loại dịch vụ..., có thể mật độ sử dụng tần số sẽ cao, đến lúc nào đó không đủ tần số phục vụ. Khi đó, nguy cơ gặp khó khăn về tần số, thậm chí không đủ tần số để cấp là một trong những khả năng có thể xảy ra.

Mặt khác, về nguyên tắc chung, ai có nhu cầu sử dụng tần số được đăng ký trước thì giải quyết trước (tất nhiên phải đồng ý trả phí và phù hợp với các quy định liên quan).

Đề xuất 3 hệ thống: Thông tin vô tuyến, truyền hình ảnh và tín hiệu

UBND TP.HCM đã đề nghị cụ thể các dãy tần số sử dụng cho hai tuyến metro số 1 và số 2. Trong đó tuyến số 1 gồm ba hệ thống: hệ thống thông tin vô tuyến chạy tàu (TETRA) với bảy trạm gốc; hệ thống CCTV trên tàu (truyền hình ảnh tập trung) với camera và màn hình trên tàu; hệ thống thông tin tín hiệu.

Xem xét các đề nghị của TP.HCM, ở góc độ chuyên môn, các nhà quản lý chuyên ngành của Cục Tần số vô tuyến điện cho rằng hệ thống thông tin vô tuyến phục vụ vận hành đường sắt đô thị nói trên khá đa dạng về mục đích và công nghệ, từ thông tin điều hành, thông tin an toàn đến thông tin tín hiệu; về mặt công nghệ cũng rất đa dạng...

Do đó để có thể tư vấn tốt hơn thì cần làm việc, trao đổi kỹ về từng phần của hệ thông tin này.

Theo Tuổi trẻ