Theo CNA, vào ngày 6/8 theo giờ địa phương, người phát ngôn của công ty Meta đã xin lỗi về "sai sót vận hành" dẫn đến việc xóa bài đăng liên quan. Thông báo cũng tuyên bố rằng nội dung liên quan đã được khôi phục hiển thị và được gắn nhãn "giá trị tin tức chính xác".
Ngày 31/7, ông Ismail Haniyeh, nhà lãnh đạo chính trị và là "nhân vật số một" Hamas, bị sát hại trong vụ tấn công ở Tehran, thủ đô Iran. Vụ việc khiến cả thế giới chấn động. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã đưa ra các tuyên bố tưởng nhớ trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram và X, đồng thời lên án vụ ám sát bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất.
Nhưng ông Anwar nhanh chóng phát hiện ra rằng những tuyên bố ông đăng trên Facebook và Instagram đã bị xóa không rõ lý do. Ông nói rằng các cảnh báo của Instagram gửi cho ông cho thấy bài đăng “có liên quan đến các cá nhân và tổ chức nguy hiểm”.
Facebook cũng viết: "Có vẻ như bạn đã chia sẻ hoặc gửi biểu tượng, ca ngợi, ủng hộ hoặc theo dõi các cá nhân hoặc tổ chức mà chúng tôi xác định là nguy hiểm. Điều này vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi đối với các cá nhân và tổ chức nguy hiểm".
Đáp lại, ngày 1/8, ông Anwar viết trên mạng xã hội rằng: “Một bài viết tưởng nhớ một chiến binh đã giải phóng đất nước khỏi ách thống trị tàn bạo và đau khổ, thật vô lý khi bị coi là nguy hiểm".
Bộ trưởng Thông tin Malaysia Fahmi Fadzil cùng ngày nói, không chỉ ông Anwar mà các bài đăng tương tự của hãng thông tấn nhà nước Malaysia cũng đã bị xóa. Ông nói rằng ông không rõ tại sao các bài đăng lại bị xóa và đã yêu cầu Meta giải thích sự việc.
Reuters đề cập rằng Meta luôn xếp Hamas là "tổ chức khủng bố" và cấm các nội dung ca ngợi tổ chức này. Vụ việc nói trên đã gây ra xung đột thứ hai giữa Meta và chính phủ Malaysia về lập trường của họ đối với Hamas.
Vào tháng 5 năm nay, tin của truyền thông Malaysia đưa về cuộc gặp giữa ông Anwar và Haniyeh cũng bị Meta xóa và chỉ khôi phục lại sau khi phía Malaysia phản đối. Vào thời điểm đó, Meta cũng lập luận rằng việc xóa là "vô tình" và nhấn mạnh rằng công ty không cố tình ngăn chặn tiếng nói trên các nền tảng truyền thông xã hội hoặc hạn chế nội dung ủng hộ người Palestine.
Theo CNA, chỉ một ngày trước khi Meta xin lỗi, Bộ trưởng Thông tin Malaysia và Văn phòng Thủ tướng Anwar đã triệu tập đại diện công ty Meta tới và yêu cầu họ giải thích về việc xóa bài chia buồn của ông Anwar. Ngoài ra, phía Malaysia cũng bày tỏ sự không hài lòng với việc tài khoản Facebook của Đài Truyền hình Quốc gia nước này bị cắt khi phát sóng trực tiếp cuộc tuần hành ủng hộ Palestine ở Kuala Lumpur vào tối 4/8 do chính phủ tổ chức, với hàng nghìn người tham gia.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 5/8, Văn phòng Tổng thống Malaysia đã chỉ trích hành động xóa những bài đăng này của Meta là "bất công, phân biệt đối xử và đàn áp trắng trợn quyền tự do ngôn luận" và yêu cầu công ty phải công khai xin lỗi và thực hiện nhiều biện pháp để sửa chữa khắc phục.
Tuyên bố đặc biệt nhấn mạnh rằng việc xóa các bài đăng liên quan cũng là một "sự xúc phạm đến cuộc đấu tranh chính đáng của người dân Palestine vì công lý. "Việc gỡ bỏ các bài đăng này có tác động sâu sắc đến người dân Malaysia và cộng đồng toàn cầu, những người quá hiểu về nỗi đau khổ của người dân Palestine", tuyên bố có đoạn.
Theo Guancha, Lianhezaobao