Những mẫu drone ngày nay đều có một thiết kế khá lớn, đặc biệt những mẫu drone chở hàng, kích thước này càng dễ nhận thấy. Mặc dù các hãng sản xuất đã có nhiều cơ chế bảo vệ drone khi xảy ra va chạm như bộ bảo vệ cánh, tuy nhiên thực tế drone vẫn sẽ dễ dàng hỏng hóc nghiêm trọng khi va chạm với bề mặt cứng.
Để tìm hướng giải quyết cho vấn đề này, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Viện công nghệ liên bang ở Lausanne, Thụy Sỹ đã đưa ra một giải pháp khá thú vị, biến những chiếc drone trở nên mềm dẻo và linh hoạt hơn. Đáng chú ý hơn, cảm hứng cho giải pháp này đến từ chính mẹ thiên nhiên.
Theo Slashgear, một chiếc drone có khả năng uốn dẻo linh hoạt sẽ giúp giảm tác động của va chạm. Tuy nhiên, điều này thực sự không ổn khi drone di chuyển. Hai vấn đề mâu thuẫn buộc các nhà nghiên cứu phải tìm đến một giải pháp toàn vẹn. Và ong bắp cày đã trở thành câu trả lời hiệu quả cho vấn đề trên.
Cánh của loài ong bắp cày có một độ cứng nhất định, đảm bảo cho quá trình di chuyển của loài ong dễ dàng. Tuy nhiên khi ong hoặc cánh của chúng va chạm phải một vật rắn bất kỳ, cánh của chúng sẽ trở lên mềm dẻo và linh hoạt hơn nhằm phân bố lực tác động, giảm thiểu nguy cơ rách cánh. Các nhà khoa học gọi đây là "độ cứng kép" và là chìa khóa cho vấn đề.
Mẫu drone được các nhà khoa học thử nghiệm bao gồm một khung linh hoạt, có thể uốn dẻo và lớp lõi cứng. Phần khung cứng được kết nối với nhau xung quanh lõi cứng nam châm. Khi có va chạm, khung sẽ bị tách ra khỏi nam châm, đồng thời nhờ khả năng uốn dẻo giúp hấp thụ toàn bộ lực tác động. Sau khi bị tách ra, khung trở lại vị trí cũ nhờ lực hút của nam châm.
Hiện tại đây mới chỉ là thử nghiệm ban đầu và chưa rõ các nhà nghiên cứu có thương mại hóa công trình nghiên cứu này hay không. Mặc dù vậy, nghiên cứu trên đem tới rất nhiều triển vọng nếu được áp dụng với robot hoặc nhiều thiết bị khác.
Theo Báo diễn đàn đầu tư