Dùng máy bay siêu nhỏ để thụ phấn hoa

VietTimes -- Để bảo vệ hệ thực vật của thế giới, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã thiết kế một chiếc máy bay điều khiển kích thước nhỏ có thể thụ phấn cho hoa.
Dùng máy bay siêu nhỏ thụ phấn cho hoa
Dùng máy bay siêu nhỏ thụ phấn cho hoa

Để bảo vệ hệ thực vật của thế giới, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã thiết kế một chiếc máy bay điều khiển kích thước nhỏ có thể thụ phấn cho hoa.

Một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã thành công trong việc sử dụng một chiếc máy bay điều khiển từ xa có kích thước nhỏ bằng hộp thuốc lá để thụ phấn cho hoa. Đây là bước đi thú vị nhằm bảo vệ cho hệ thực vật trên thế giới khi mà loài ong mật tiếp tục suy giảm số lượng một cách đáng kể.

Máy bay thụ phấn cho hoa

Bộ thụ phấn nhân tạo là sản phẩm trí tuệ của bà Eijiro Miyako, một nhà hóa học làm việc tại Viện Khoa học Công nghệ cao ở Tsukuba, Nhật Bản. Bà Miyako đã gắn lông bờm ngựa vào một chiếc máy bay điều khiển từ xa. Lông bờm ngựa được phủ một lớp gel đặc biệt cho phép chúng lấy phấn từ các bông hoa và mang đi thụ phấn giống như loài ong mật.

Video được Science News đăng tải dưới đây cho thấy máy bay thụ phấn như thế nào:

Trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học Chem, bà Miyako và các cộng sự đã giải thích ý nghĩa thành tựu của mình: “Cuộc khủng hoảng thụ phấn toàn cầu là một vấn đề quan trọng đối với môi trường tự nhiên và cuộc sống của chúng ta. Nhu cầu phát triển một công cụ thụ phấn sáng tạo đạt được tỷ lệ thành công cao là rất cấp thiết”.

Thụ phấn là một quá trình giúp cho cây trồng tái sinh. Chim và các loài côn trùng là phương tiện trung chuyển phấn hoa. Ong mật là loài côn trùng thụ phấn “nổi tiếng” nhất thế giới. Nhưng số lượng ong mật đã giảm đi rất nhiều do thuốc trừ sâu, bệnh tật và môi trường sống.

Ong mật thụ phấn cho nhiều loại trái cây, rau quả ưa thích của con người. Khi số lượng ong mật bị giảm đi, người nông dân sẽ gặp khó khăn trong sản xuất.

Ong đang lấy mật từ một bông hoa

Sáng tạo của bà Miyako và các cộng sự chỉ là giải pháp đầu tiên đưa ra nhằm khắc phục tình trạng suy giảm thụ phấn. Trong tương lai, nhiều giải pháp nhân tạo sẽ được áp dụng để thay thế công việc của loài ong mật.

“Chúng tôi tin rằng máy móc có thể cung cấp khả năng di chuyển thông minh và tìm ra con đường thụ phấn tối ưu nhất thông qua GPS và trí thông minh nhân tạo”, bà Miyako cho biết.

Mặc dù mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, nhưng dự án của bà Miyako thực sự là một giải pháp có giá trị. 

Theo Business Insider