Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã trích dẫn kết quả cuộc Khảo sát cuộc sống các gia đình tại Indonesia (Indonesia Family Life Survey), cho thấy người trưởng thành thường tỏ ra ghen tị, thậm chí bực tức khi xem các bài đăng khoe khoang về sự giàu có của bạn bè trên mạng xã hội.
Nghiên cứu được thực hiện trên 9.987 hộ gia đình Indonesia bởi các nhà khoa học xã hội của trường Đại học Brawijaya và Đại học bang Yogyakarta ở Indonesia, kết học cùng nhiều học giả từ Đại học Manchester (Anh).
Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu cho nghiên cứu từ 2 nền tảng mạng xã hội Facebook và Twitter, theo dõi các cuộc trò chuyện và phân tích hành vi của 22.423 tài khoản tại 300 quận/huyện của Indonesia.
Mặc dù tác động tiêu cực của mạng xã hội tới tâm lý người dùng đã được ghi nhận trong toàn cầu, nhưng nghiên cứu trên đã chỉ ra chính xác vấn đề ở các quốc gia đang phát triển như Indonesia.
Indonesia có dân số 264 triệu người, trong đó 54 triệu người dùng Facebook. Đây cũng là quốc gia sử dụng Facebook nhiều thứ 4 thế giới. Ảnh: AFP |
“Trong một xã hội luôn tồn tại chênh lệch giàu nghèo lớn như Indonesia, truyền thông xã hội có thể gây ra đố kỵ và cay đắng, khi người nghèo chứng kiến hình ảnh hạnh phúc và tích cực của những người bạn giàu có”, nghiên cứu cho biết.
Bất bình đẳng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 3 trong G20 - Indonesia kể từ năm 2000. Xã hội Indonesia có thể phân chia thành tầng lớp người giàu có cuộc sống hoàn toàn đối lập với người nghèo, ít được giáo dục nên không thể tìm được việc làm.
Nhóm tác giả của nghiên cứu nói thêm rằng những tin tức chống phá chính phủ, tham nhũng, tội phạm, nghèo đói v.v. đang được lan truyền trên mạng xã hội hàng ngày và gây ảnh hưởng xấu tới người dân Indonesia.
“Việc tiếp cận với quá nhiều thông tin tiêu cực đang khiến người dân Indonesia luôn phải đối mặt với sự thất vọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý của họ“,ông Gindo Tampubolon, đồng tác giả của nghiên cứu nói. “[Nghiên cứu] là lời nhắc nhở loại công nghệ này cũng có nhược điểm”.
Đáng lo ngại hơn, các phương tiện truyền thông xã hội đang ngày càng phổ biến tại Indonesia và thời gian người dân dành cho mạng xã hội hàng ngày vẫn không ngừng tăng thêm. Thống kê gần đây của Sàn giao dịch Internet Indonesia (Indonesia Internet Exchange) cho thấy người Indonesia truy cập các nền tảng truyền thông xã hội như BlackBerry Messenger, WhatsApp và Twitter trung bình mỗi 72 giây trong suốt gần 11 giờ/ngày.
Indonesia với 54 triệu người dùng Facebook là quốc gia sử dụng Facebook nhiều thứ 4 thế giới.
Các nhà nghiên cứu Indonesia lo ngại chứng nghiện mạng xã hội có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tâm lý. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, Twitter cũng xếp Indonesia thứ 5 trong danh sách các quốc gia sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Trung bình, 22 triệu người dùng Indonesia đăng tải 385 dòng tweet mỗi giây,
Ngoài ra, kết quả Nghiên cứu sức khỏe cơ bản tại Indonesia (Indonesia Basic Health Research) cho thấy số lượng trường hợp rối loạn tâm lý đang gia tăng ở quốc gia này, ước tính có khoảng 11,8 triệu người đang mắc chứng bệnh liên quan đến tâm thần.
Qua nghiên cứu trên, nhóm tác giả muốn kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thực hiện các biện pháp để hạn chế tác hại của các phương tiện truyền thông xã hội.
“Chúng tôi muốn thấy các quan chức y tế cộng đồng suy nghĩ sáng tạo về cách khuyến khích công dân hạn chế sử dụng mạng xã hội hoặc nhận thức hậu quả tiêu cực có thể gây ra đối với sức khỏe tâm thần”, nhà nghiên cứu Gindo Tampubolon cho biết.
Theo SCMP