Lương cao vẫn bị "chê" thiếu đãi ngộ, ngành ngân hàng khó giữ người

VietTimes -- Có đến 89% ngân hàng có mức thu nhập trung bình của nhân viên từ 10 - 30 triệu đồng/tháng nhưng vẫn bị chê vì mức lương và chế độ đãi ngộ chưa phù hợp và chưa  thực sự hấp dẫn đối với nhân viên. Trong khi đó, có đến 50% các ứng viên muốn làm việc tại ngân hàng/chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn PVcomBank
Ảnh minh họa. Nguồn PVcomBank
Báo cáo “Một số vấn đề nổi bật về nhân sự ngành ngân hàng – Góc nhìn từ ứng viên và nhà tuyển dụng” của Navigos Group cho biết, có đến 89% ngân hàng được hỏi có mức thu nhập trung bình của nhân viên từ 10.000.000 – 30.000.000đ/tháng. 26% nhà tuyển dụng cho rằng mức lương và chế độ đãi ngộ chưa cạnh tranh đang là khó khăn lớn nhất đối với họ trong công tác tuyển dụng.
Để tăng hiệu quả trong tuyển dụng, 37% ngân hàng cho biết họ nên cân nhắc áp dụng những chế độ đãi ngộ về tài chính để thu hút ứng viên. 56% ngân hàng tham gia khảo sát cho rằng về tổng thể, họ có những chính sách cơ bản và hợp lý, tuy nhiên có thể đa dạng và mở rộng những chính sách này hơn để thực sự hấp dẫn đối với nhân viên.

Ứng viên tham gia khảo sát được thưởng trung bình từ 1-3 tháng lương/năm và có mức tăng lương tương đối cao

Theo số liệu của khảo sát, 62% ứng viên được hỏi cho biết họ được thưởng trung bình từ 1-3 tháng lương/năm; 18% nhận từ 3-5 tháng lương; 7% nhận từ 5-7 tháng lương và 5% nhận trên 7 tháng lương. Bên cạnh đó, trung bình mức tăng lương hàng năm của các ứng viên tham gia khảo sát cũng khá cao. 40% ứng viên tham gia khảo sát có mức tăng lương hàng năm trên 10%.

78% nhà tuyển dụng tham gia khảo sát cho rằng, để giữ chân người tài cho doanh nghiệp, họ cần áp dụng lộ trình thăng tiến nghề nghiệp rõ ràng cho nhân viên. Tuy nhiên, có đến 52% ứng viên cho biết họ không có nhiều cơ hội thăng tiến do không có nhiều thay đổi với những vị trí quản lý và ngân hàng thường tuyển mới đối với những vị trí quản lý trống.

Bên cạnh đó, 37% nhà tuyển dụng cũng đang cân nhắc áp dụng những chế độ đãi ngộ về tài chính để thu hút ứng viên. Về phía ứng viên, 3 chính sách đãi ngộ ngoài lương cơ bản được họ đánh giá hấp dẫn nhất bao gồm: Hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp (chiếm 53%); Các khoản thưởng (thưởng giữa kỳ, thưởng cuối kỳ, lương tháng 13) chiếm 47%; Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ dành cho nhân viên (chiếm 45%).

Ngoài ra, Ban Lãnh đạo ngân hàng rất có ý thức trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. 80% nhà tuyển dụng tham gia khảo sát cho biết Ban lãnh đạo ngân hàng nơi họ đang làm việc không chỉ dừng lại ở những chính sách vĩ mô mà còn có những hành động thực tế nhằm phát triển và lan tỏa văn hóa đó. Ở góc độ ứng viên, 52% ứng viên được hỏi đồng thuận với ý kiến này.

Ngoài ra, 65% nhà tuyển dụng tham gia khảo sát cho biết các đơn vị trong ngân hàng đều áp dụng văn hóa doanh nghiệp một cách thống nhất. Để truyền thông hiệu quả đến toàn bộ doanh nghiệp, đa phần nhà tuyển dụng trả lời khảo sát cho biết họ sử dụng bản tin nội bộ gửi qua email (60%) và báo nội bộ online (55%).

Nửa số ứng viên tham gia khảo sát mong muốn làm việc tại ngân hàng nước ngoài

Theo kết quả khảo sát này, 50% ứng viên tham gia khảo sát cho biết họ muốn làm việc tại ngân hàng/chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; 31% ứng viên mong muốn làm việc cho các ngân hàng thương mại cổ phần; 11% lựa chọn ngân hàng thương mại quốc doanh và 3% lựa chọn ngân hàng thương mại liên doanh. Chia sẻ về lý do muốn làm việc tại ngân hàng nước ngoài, các ứng viên chia sẻ một số lý do chính bao gồm: mong muốn được đối xử công bằng và môi trường làm việc lành mạnh; mong muốn mức lương cao và nhiều cơ hội thăng tiến; muốn được sử dụng tiếng Anh trong công việc cũng như làm việc với đồng nghiệp, quản lý người nước ngoài và mong muốn có nhiều cơ hội đào tạo để phát triển kỹ năng và nghiệp vụ.

Kết quả khảo sát cho thấy các ngân hàng tại Việt Nam chú trọng đến văn hóa doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng. Cụ thể, 53% doanh nghiệp cho biết họ chia sẻ về sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của ngân hàng với ứng viên khi tuyển dụng.

Tuy nhiên, 42% ngân hàng được hỏi cho biết họ gặp khó khăn do chưa có phương pháp đánh giá chính xác mức độ phù hợp của ứng viên với văn hóa doanh nghiệp, đa phần vẫn dựa vào cảm tính; 37% cho rằng khó khăn lớn nhất là áp lực tuyển đủ người dẫn đến việc đôi khi không tập trung đánh giá sự phù hợp về văn hóa; 16% cho biết sự khan hiếm ứng viên đủ chất lượng dẫn đến đôi khi phải chấp nhận tuyển ứng viên chưa phù hợp về văn hóa nhưng đáp ứng được các tiêu chí khác.

Theo nhận định của nhà tuyển dụng, để đánh giá chính xác về sự phù hợp văn hóa, họ cần bộ câu hỏi thiết kế riêng về văn hóa (chiếm 42%); những tiêu chí rõ ràng đánh giá ngoại hình, thái độ của ứng viên trong quá trình phỏng vấn (chiếm 21%) và yêu cầu ứng viên làm bài kiểm tra/trắc nghiệm riêng về văn hóa (chiếm 16%).