Luật AI được đề xuất của châu Âu có thể khiến nền kinh tế của khối này mất 36 tỉ USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Gánh nặng phải tuân thủ đạo luật AI sẽ khiến các doanh nghiệp châu Âu mất 10,9 tỉ euro vào năm 2025 và 31 tỉ euro (36 tỉ USD) trong 5 năm tới.

Một đạo luật mới được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra để điều chỉnh lĩnh vực AI có thể khiến nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) thiệt hại nặng nề, theo Trung tâm Đổi mới dữ liệu (CDI) có trụ sở tại Washington công bố tuần qua.

Theo CDI, Đạo luật Trí tuệ Nhân tạo sẽ là “quy định hạn chế nhất thế giới về AI”.

Trung tâm này cho biết trong báo cáo: “Đạo luật không chỉ hạn chế sự phát triển và sử dụng AI ở châu Âu mà còn gây ra những chi phí đáng kể cho các doanh nghiệp và người dùng châu Âu”.

CDI lập luận rằng một doanh nghiệp vừa hoặc nhỏ với doanh thu 10 triệu euro sẽ phải đối mặt với chi phí tuân thủ lên tới 400 nghìn euro nếu triển khai hệ thống AI rủi ro cao. Trong định nghĩa của Ủy ban châu Âu thì một hệ thống AI rủi ro cao là hệ thống có thể ảnh hưởng đến quyền cơ bản hoặc sự an toàn của mọi người.

“Định nghĩa đó quét qua một loạt các ứng dụng tiềm năng, từ cơ sở hạ tầng quan trọng đến giáo dục và đào tạo nghề, đặt chúng vào hàng loạt các yêu cầu phải tuân thủ trước khi các công ty có thể đưa chúng ra thị trường”, CDI nhận định.

Từ những tính toán của mình, CDI cho rằng “gánh nặng tuân thủ” sẽ khiến doanh nghiệp châu Âu tiêu tốn 31 tỉ euro trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu đã tỏ ra nghi ngờ về con số nêu trên. Đại diện EC cho biết: “Thay vì nhân tỷ lệ phần trăm chi phí với khoản đầu tư cho ứng dụng AI rủi ro cao, thì các con số trong báo cáo là kết quả của việc nhân với tất cả các khoản đầu tư AI”.

Ông Ben Muller, nhà phân tích chính sách cấp cao của CDI cho biết: “EC đã nhiều lần khẳng định Đạo luật AI sẽ hỗ trợ tăng trưởng và đổi mới trong nền kinh tế số của châu Âu, nhưng phân tích trên thực tế cho thấy lập luận đó là không đúng. Triển vọng màu hồng (của Điều luật) chủ yếu dựa trên ý kiến và những khẩu hiệu hơn là logic và dữ liệu thị trường”.

AI đã được sử dụng trong các sản phẩm và dịch vụ của Google, Apple và Facebook, nhưng các nhà lập pháp ở châu Âu đang lo ngại về tác động của nó.

Mặc dù AI có tiềm năng trở thành một “trợ thủ” đắc lực trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và dự báo thời tiết, nhưng nó cũng có thể được sử dụng trong các loại vũ khí tự trị chết người.

Trong khi đó, những cỗ máy có thể học cách thực hiện các công việc mà con người đảm nhiệm, khiến hàng triệu lao động có thể mất việc vào tay máy móc.