Bà bạn đồng môn Khóa 17 với tôi ở Khoa Văn ĐHTH Nguyễn Thu Hà năm ấy là Phó Giám đốc NXB Phụ Nữ.
Thu Hà chơi thân với nhóm cộng tác viên (CTV) dịch của NXB. Những Phạm Toàn (Châu Diên) Nguyễn Xuân Khánh, Lê Đạt, Phạm Xuân Nguyên… Lâu lâu gặp nhau, có hội ngộ bù khú chút đỉnh chỉ là cà phê quán cóc hoặc quán trà chén, bánh rán chứ hiếm khi nâng lên đặt xuống này khác! Vậy mà cái tình như anh em, như là bằng hữu được thiết lập cùng giăng mắc bện quện bền lâu giữa người của NXB với nhóm CTV ấy.
Chỉ là thi thoảng gặp, nhưng trong không khí thân gần phát lộ cũng như hé lộ những góc khuất. Thu Hà có dịp rành rẽ thêm những điều mà trước đây láng máng.
Như cái truyện ngắn có cái tên Một đêm đi in trên Văn Nghệ Quân Đội cuối những năm năm mươi. Cốt truyện đơn giản. Một anh bộ đội trả phép chiều muộn ra bến xe Kim Mã không mua được vé lên đơn vị trên Sơn Tây. Anh quyết tâm cuốc bộ. Một chị cán bộ cũng cùng cảnh ngộ không mua được vé đã chạy gằn theo cùng đi cho có bạn. Thế là hai người khi khoan khi mau cứ thế sải bước trên đường thiên lý hơn 40 cây số.
Thế rồi những chuyện gần chuyện xa. Những câu chuyện không đầu không cuối ngẫu nhiên mà thành lớp lang. Chuyện như chiếc gậy chống đỡ mỏi như chất men làm hăng, làm ấm lòng người. Chỉ có vậy mà Một đêm đi của Nguyễn Xuân Khánh đã hớp hồn lây lan bao sự tử tế cái thế hệ người Việt trẻ trung sung sức sẵn sàng cống hiến. Cái tòa báo mà sau này tôi tòng sự có hai phóng viên trẻ, một chặp tối đang tâm sự dở đã nối tiếp cái mạch vừa đi vừa chuyện bằng việc cùng đạp xe lên Sơn Tây. Cả lối đi lẫn về gần trăm cây số.
Sau này thành vợ thành chồng, ông bà ấy mới kể lại cho thế hệ sau rằng cả hai đều mê cái truyện ngắn Một đêm đi và muốn thử nghiệm muốn bắt chước! Thu Hà biết thêm những năm gian khó đói kém thời bao cấp, ngoài việc dịch thuê (đa phần do người khác đứng tên) nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng là thợ may mát tay. Làng Cổ Nhuế của Nguyễn Xuân Khánh có nhiều thợ may. Nhưng nghề ấy chỉ phát và phất lên được từ cái dao có một ông người làng quen biết một mối may quần áo cho đám nhà binh Pháp trong thành Hà Nội. Còm măng hợp đồng liên tục đã làm cho dân làng Cổ Nhuế mở mày mở mặt. Anh trai làng Nguyễn Xuân Khánh biết nghề may từ thuở ấy.
Học dở Trưởng Y Hà Nội danh tiếng, chàng trai Nguyễn Xuân Khánh được người quen giác ngộ, dắt mối, đầu năm 1952 anh trốn ra vùng tự do rồi xung vào Vệ quốc đoàn. Là trí thức đầu quân nên Nguyễn Xuân Khánh được chọn vào dạy văn hóa ở Trường sĩ quan Lục quân. Rồi năng khiếu viết lách đã đưa Nguyễn Xuân Khánh về Tạp chí danh giá Văn Nghệ Quân Đội.
Có một góc khuất hay là sự đứt nối trong cái lý lịch trích ngang của sĩ quan Nguyễn Xuân Khánh. Cô bạn Thu Hà lần ấy đã khất tôi sẽ kể vào dịp khác. Giờ mới thoáng hận và giận mình. Dịp ấy đã không xảy ra! Và cái thằng tôi từng mấy lần bên ông với cự ly gần. Gần như là sát sạt nữa mà chưa có duyên gạn nhà văn cái khúc quanh, góc khuất ấy.
Đó là lần được ngồi bên ông ở một quán ăn ở ngõ Hà Hồi. Cuộc ngồi nhân Tiết Thanh Minh trong một phạm vi hẹp. Ấy là cụ Kim Lân có sáng kiến nảy ra một cuộc tụ. Cụ Kim Lân chủ trì, nhà văn Tô Hoài chủ chi. Nhà chật, nhà văn Kim Lân thiên di cuộc tụ sang một nhà hàng gần nhà. Có thi sĩ Hoàng Cầm, đạo diễn Trần Vũ, GS Hồ Ngọc Đại, nhạc sĩ Huy Du, NS Phó Đức Phương… Có nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán nhiệt thành coi sóc nhiều góc độ. Tôi may được cụ Kim Lân cho gọi.
Nguyễn Xuân Khánh (trái) từng được nhắc tới là nhà văn lớn tuổi nhất viết dài nhất khi ra mắt “Đội gạo lên chùa” năm 2011 |
Ngồi bên ông già gày mảnh Nguyễn Xuân Khánh. Mặt sáng. Cái cười như luôn thoảng. Chất giọng nhỏ nhẹ ấy đang truyền sang cho tôi cái khúc nhôi ông từng có hơn chục năm làm phóng viên Báo Thiều Niên Tiền Phong. Chuyện như nở thêm về thời hai Tòa báo, Tiền Phong và TNTP cùng chung một nhà 15 Hồ Xuân Hương… Về một người quen chung là ông Tổng Biên tập Lê Trân có cùng căn buồng làm việc nhỏ thó kề cái phòng của lũ chúng tôi những Dương Kỳ Anh, Nguyễn Hoàng Sơn...
Rồi chuyện bỗng òa ra một thứ lạ. Hóa ra không phải ông chả muốn ở Tạp chí VNQĐ mà là tình thế bắt buộc. Bởi cái thời ấy, nó thế. Nó phải thế là thế nào? Thì một tình huống phát sinh đột ngột. Cái nhoài người của đạo diễn Trần Vũ sang phía ông gạn gấp việc gì đó khiến câu chuyện đương sắp chuyển sang phần chi tiết bị cắt ngang.
Tưởng sẽ nối liền sau đó. Và nối thêm sau này cái phần dở dang ấy cho nó có lớp lang rành rẽ? Nhưng đã không có duyên lẫn có dịp. Bữa ấy tôi chỉ láng máng cái cười cùng chất giọng nhỏ nhẹ chỉ là trời ơi đất hỡi ấy mà!
Ấy là chuyện ông chỉ chơi thân với mấy anh em Nhân văn. Rồi tự dưng ầm lên cái chuyện nhà văn Nguyễn Xuân Khánh dính đến Nhân Văn Giai phẩm!
Thế là có chuyện! Hình như việc ông đành phải tắt sang Báo Thiếu niên là cái lý do ấy? Rồi dằng dặc hơn chục năm ở 15 Hồ Xuân Hương, Nguyễn Xuân Khánh lĩnh sổ hưu ở chế độ hưu non, năm 1973.
Có vài dịp khác nữa cũng được gần ông. Và cũng chợt nhớ ra câu chuyện dở ngày nào? Nhưng có lúc tôi chợt sững và dừng lại với ý nghĩ, thôi nhấn nhá thêm mà chi những chuyện buồn? Của những ngày không vui ấy?
Những ngày ấy, như cái thở dài của thi sĩ Phùng Quán bao nhiêu là thương xót…
Ông lui về nhà, con ngõ nhỏ ở phố Trần Khát Chân. Những năm so súi đói túng, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, ngoài việc dịch thêm từng phải đi gác đêm hợp đồng cho vài sở làm gần nhà. Và đã hơn 10 niên giữ vai lao động chính trong nhà trong việc nuôi lợn! Chưa thấy ông hở ra một việc! Ấy là việc phải đi bán máu. Nhưng họa sĩ Tuấn Dũng từng là thằng đàn em thân thiết với ông suốt 15 năm ở Báo Thiều Niên tiền phong lần ấy đã hé ra với tôi chuyện nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, và ai nữa nhỉ, Dương Tường này, Mạc Lân (con trai cả của nhà văn Lê Văn Trương) này đã phải đi bán máu ở vài bệnh viện để kiếm sống!
Rồi may mắn xa nhà hơn chút là được ngồi nhờ một nhà bà con trên phố Khâm Khiên, tay lẫn chân miệt mài bên chiếc máy may. Cái nghề cũ giúp ông chế ra vài kiểu quần áo. Bà vợ chịu khó mang đi bán dạo. Sau thì bỏ mối ở chợ Giời phố Huế.
Bà bạn Thu Hà nhớ lại. Một bữa nhà thơ Lê Đạt chất giọng thầm thĩ với cả bọn về cuốn Trư Cuồng của Nguyễn Xuân Khánh.
Cây viết Nguyễn Xuân Khánh sau những giờ dịch thuê và đạp máy may đã miệt mài hằng đêm để có những trang sắc lẻm. Trư cuồng như một thứ tổng tập đại thành. Của phóng sự. Của truyện ngắn, của thứ chương hồi tiểu thuyết, của tản văn nữa khi đậm đặc, khi phảng phất cái mùi phân lợn rất đời của những tháng ngày bao cấp ở xóm nghèo lao động có tên là trớ trêu là Thanh Nhàn gần chỗ ở của nhà văn. Mười mấy năm vác chồng bản thảo chào mời. Chẳng có nhà nào dám in. May lần ấy NXB Đà Nẵng để ý tới. Cẩn thận hơn tác giả lấy một cái tên khác, đâu như là Định Nguyễn? Sách hình như mới đang ở một công đoạn của khâu in. Đánh đùng cái, bị phát hiện. Bị nhắc nhở. Và bị đình lại.
Nhà thơ Lê Đạt bảo: giờ chắc nguội rồi nhà Phụ Nữ in được đấy…
Bàn đi tính lại. Cũng không qua được cửa nhà mình. Thu Hà lại cậy nhờ mấy nơi quen. Cũng lắc hết. Rốt cục, nhờ cả thày học hồi ở Khoa Văn khi ấy đương kim là yếu nhân ở một cơ quan bảo vệ văn hóa. Thày đọc xong phán: em về bảo ông này viết lại hoặc sửa một nửa!
Tập bản thảo Trư cuồng lại thõng vào lòng cái túi vải lúc nào Nguyễn Xuân Khánh cũng kè kè lệch một bên vai!
(Đến đây cũng phải mở ra cái ngoặc. Số phận của Trư cuồng, mãi sau này mới đột nhiên hanh thông. Công ấy nghe đâu Phạm Xuân Nguyên thẽ thọt gì đấy với nhà XB Văn học mà yếu nhân là Trung Trung Đỉnh. Nhà văn họ Trung này bỗng dưng thành cao thủ lẫn cao mưu cho đổi tên sách thành Chuyện ngõ nghèo rất chi là dung dị và vô hại. Thế là Chuyện ngõ nghèo được NXB tên tuổi của Hội văn bút quốc doanh cho in rất chi là hoành tráng!)
Lại nói dở cái vụ Trư cuồng đổ bể. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vẫn cái cười cố hữu ấy mà như mếu ngỏ với Thu Hà cùng mấy chị em NXB cảm cái tình của các em, tớ sẽ giành cho một thứ xứng đáng!
Thứ ấy là một tập dày cộp. Chi chít những con chữ viết tay bám đầy trên bản thảo là loại giấy học trò kẻ li độn thêm nhiều tờ đã in đã viết một mặt. Được cái tuồng chữ mềm mại dễ coi. Sau này đám biên tập đặt biệt danh là thứ chữ dịu dàng của chị Khánh.
Phó GĐ Thu Hà cùng nhóm biên tập những Quỳnh Giao, Nguyễn Thị Hồng… tất tả quanh tập bản thảo có tên Hồ Quý Ly ấy.
Rồi bản thảo hoàn chỉnh được đặt lên bàn GĐ Trần Thu Hương. Bà GĐ trước khi ký quyết định cho in Hồ Quý Ly như thêm những ấn tượng khó quên qua chất giọng nhỏ nhẹ của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.
… Tôi đến Thành Nhà Hồ từ hồi chống Pháp. Và là lần thứ 3 tôi viết về Hồ Quý Ly. Lần thứ nhất, viết kịch. Xong thì xé. Lần thứ hai, tiểu thuyết, cũng bỏ. Đây có lẽ lần cuối.
Tôi chọn triều Hồ, bi kịch của một dân tộc của thời đại. Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng bi kịch của một trí thức…
Sách ra chưa lâu. Sự yên hàn mới được ít ngày thì đùng cái, mấy cái thư liền đến tay Thu Hà và NXB.
Tại sao lại chọn một nhân vật lịch sử có vấn đề từng tiếm ngôi vua (!?) mà các sử gia phong kiến thậm chí còn coi là biệt lệ, khi làm sử còn phải liệt riêng vào loại Ngoại kỷ!?
Đâu đó xì xào Hồ Quý Ly có vấn đề.
Rất lẹ, một cuộc hội thảo mà thành phần mời rộng khắp tổ chức ngay tại 39 Hàng Chuối- địa chỉ NXB.
Kể đến đây bà bạn Thu Hà chất giọng bùi ngùi nhắc nhiều đến những bạn viết, những nhà phê bình đã đồng cảm chia xẻ
Khi NXB có… việc! Đặc biệt sự chia xẻ quan tâm và thái độ rành mạch thẳng thắn của bà Thanh Thanh khi ấy là Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, thủ trưởng trực tiếp của NXB (sau này bà chuyển công tác sang Quốc hội và cũng giành được nhiều thiện cảm của đông đảo cử tri) đã làm nên thành công của hội thảo!
Bà bạn Thu Hà cũng nhấn mạnh rằng, mãi đến thời điểm này (năm 2000) sau bao năm nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng dịch thuê, viết thuê hoặc phải lấy nhiều cái tên khác mới được trả lại tên cho em! Cái tên Nguyễn Xuân Khánh chĩnh chiện đàng hoàng trên bìa nhất của cuốn tiểu thuyết tày tặn Hồ Quý Ly gần ngàn trang in.
Bẵng đi một thời gian. Những xì xào lặng, rồi bặt hẳn.
Chỉ hơn một năm, Hồ Quý Ly tái bản đến 3 lần.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không chỉ mang đến 39 Hàng Chuối mỗi một thứ. Cái dáng lòng khòng quen thuộc của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lại xuất hiện trước cửa nhà Phụ Nữ. Trên bàn Thu Hà lại tuồng chữ dịu dàng của tập bản thảo mới: Đội gạo lên chùa.
Rồi lần thứ ba, có lẽ là lần cuối. Cuốn Mẫu Thượng Ngàn.
Đêm qua, bà bạn đương hưu Nguyễn Thu Hà điện cho tôi báo cái tin dữ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mất. Trước đó nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trong điện thoại chất giọng như thì thầm có dám báo cho nhà thơ Dương Tường bạn thân của Nguyễn Xuân Khánh đâu, ông dương Tường yếu quá rồi! Sợ cụ sốc!
Thu Hà có nói thêm là gần đây khi đến thăm nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đương dưỡng bệnh ở nhà con trai, Thu Hà có ngỏ cái ý là NXB Phụ Nữ đang khẩn trương tiến hành việc xuất bản tập di cảo những truyện ngắn Nguyễn Xuân Khánh. Khi ấy nhà văn đã yếu nhiều. Thu Hà cứ băn khoăn không biết nhà văn có nghe hết được thông tin đó không?
Tôi chợt thoáng nhớ đến Một đêm đi…
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội trao nhiều giải thưởng như:
- Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998 - 2000 cho Hồ Quý Ly.
- Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001 cho Hồ Quý Ly.
- Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006 cho Mẫu Thượng Ngàn.
- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tiểu thuyết Đội gạo lên chùa.
- Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời năm 2018 của Hội Nhà văn Hà Nội.
Ngoài ra, ông còn dịch thuật nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Những quả vàng, Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất, Năm tuần trên khinh khí cầu, Tâm lý học đám đông.