Lò phản ứng mới của Mỹ bắt đầu hòa lưới điện, chính thức phục hồi ngành năng lượng hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 31/7, lò phản ứng tổ máy số 3 tại Nhà máy Vogtle gần Waynesboro, Georgia bắt đầu hòa lưới điện ở Mỹ sau gần 7 năm. Các nhà khoa học khẳng định điện hạt nhân không tạo ra khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Lò phản ứng hạt nhân Vogtle 3. Ảnh: Georgia Power
Lò phản ứng hạt nhân Vogtle 3. Ảnh: Georgia Power

Ngành năng lượng hạt nhân Mỹ chính thức phục hồi

CNBC dẫn thông cáo báo chí trên trang web của công ty điện lực Mỹ Georgia Power ngày 31/7 cho biết, lò phản ứng tổ máy số 3 tại Nhà máy Vogtle gần Waynesboro, Georgia bắt đầu hòa lưới điện cho hoạt động thương mại. Hoạt động sản xuất điện thương mại của nhà máy chính thức bắt đầu sau những thử nghiệm kiểm tra kỹ thuật khắt khe vào tháng 3.

Theo thông tin từ chủ sở hữu chính Georgia Power, lò phản ứng Westinghouse AP1000, đang sản xuất khoảng 1.110 megawatt điện năng, cung cấp năng lượng cho khoảng 500.000 hộ gia đình và doanh nghiệp.

Ông Scott Burnell, phát ngôn viên của Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Mỹ cho biết, lò phản ứng hạt nhân gần đây nhất bắt đầu cung cấp điện năng lượng lưới điện vào tháng 10/2016, khi Cơ quan quản lý Thung lũng Tennessee bắt đầu vận hành thương mại lò phản ứng Watts Bar 1 gần Spring City, bang Tennessee. Trước đó, không có lò phản ứng hạt nhân mới nào được đưa vào thương mại kể từ nhà máy điện hạt nhân Watts Bar khởi động vào tháng 5/1996.

Trong một tuyên bố trước báo giới, giám đốc điều hành Georgia Power Kim Greene cho biết.Lò phản ứng điện hạt nhân tổ máy số 3 tại Vogtle sẽ cung cấp năng lượng cho khách hàng trong 60 đến 80 năm tới.

Lophanunghatnhan02.jpg
Các lò phản ứng của tổ máy số 3 và 4 tại nhà máy điện hạt nhân Georgia Power Vogtle ngày 1/1/2023, ở Waynesboro, bang Georgia với các tháp giải nhiệt của Tổ máy 1 và 2 đang bốc hơi nước cuồn cuộn phía sau. Ảnh John Bazemore/AP

Ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ đang kỷ niệm cột mốc quan trọng này.

"Hoạt động thương mại của Lò phản ứng 3 Vogtle đánh dấu một thành tựu lớn của ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân Mỹ, một cột mốc quan trọng trong chương trình đẩy mạnh áp dụng những giải pháp năng lượng sạch, có độ tin cậy cao toàn cầu", Maria Korsnick, Giám đốc điều hành Viện Năng lượng Hạt nhân, một nhóm vận động cho sự phát triển của ngành công nghiệp hạt nhân trong một tuyên bố cho biết.

Vượt qua sự chậm trễ của ngân sách và tiến độ

Xây dựng lò phản ứng luôn là một dự án quy mô lớn. Tiến trình xây dựng Vogtle 3 và 4 bắt đầu vào tháng 6/2009, mất nhiều thời gian hơn dự kiến để hoàn thành và có chi phí cao hơn nhiều so với tiến độ của dự án ban đầu. Các học giả năng lượng hạt nhân tại Đại học Columbia trong một bài báo được công bố ngày 31/7 cho biết.

Ước tính chi phí ban đầu cho cả hai lò phản ứng là 14 tỉ USD với dự kiến sẽ đưa vào thương mại năm 2016 và 2017. Nhưng đến nay chi phí đội lên đến 30 tỉ USD, đồng thời tổ máy số 4 vẫn chưa được khởi động, các chuyên gia năng lượng hạt nhân Matt Bowen, Rama T. Ponangi và Andrew Evans từ Columbia cho biết.

Một số tình huống chậm tiến độ đã diễn ra do hoạt động xây dựng bắt đầu trước khi thiết kế hoàn thành cùng với rất nhiều vấn đề khác, các nhà phân tích của công ty Columbia Energy cho biết. Những công trình xây dựng với lò phản ứng hạt nhân AP1000 trong tương lai sẽ không phải đối mặt với vấn đề này.

Sự chậm trễ về tiến độ xây dựng và ngân sách tại Vogtle trở thành lực cản lớn cho ngành công nghiệp hạt nhân, đang nỗ lực đổi mới sau hơn một thập kỷ suy thoái.

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, hầu hết nguồn năng lượng hạt nhân ở Mỹ đi vào hoạt động thương mại trong những năm 1970 và 1980. Tâm lý ủng hộ năng lượng hạt nhân giảm mạnh ở Mỹ sau vụ tai nạn lò phản ứng hạt nhân tại Three Mile Island năm 1979. Ngành công nghiệp xây dựng hạt nhân đã rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề trong hai thập kỷ.

Trong những năm gần đây, sự quan tâm đến năng lượng hạt nhân bắt đầu gia tăng, nguyên nhân ban đầu là chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu làm xuất hiện nhu cầu ngày càng cao về năng lượng sạch. Theo DOE, năng lượng hạt nhân cung cấp 47% lượng điện không carbon ở Mỹ vào năm 2022, đã đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng điện quốc gia kể từ những năm 1990.

Công ty Georgia Power trong thông cáo báo chí ngày 31/7 cho biết, tổ máy số 4 của Nhà máy Vogtle dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối quý IV/2023 hoặc quý I/2024. Georgia Power sở hữu 45.7% Nhà máy điện Vogtle, Tổng công ty Điện lực Oglethorpe sở hữu 30%, Cơ quan Điện lực Thành phố Georgia sở hữu 22.7% và công ty phân phối điện Dalton Utilities sở hữu 1,6%.

Theo CNBC