Nhiều người hiện nay chọn một chiếc laptop làm máy tính chính, cùng với một màn hình ngoài khi làm việc tại nhà hoặc ở văn phòng. Tuy nhiên, Apple trong vài năm trở lại đây liên tục quảng cáo iPad như một lựa chọn nhằm thay thế laptop, những mẫu iPad Pro và iPad Air mới nhất đều đã được trang bị vi xử lý M1 giống hệt máy Mac (có thể chúng sẽ sớm được nâng cấp lên M2!). iPad có vẻ là đối thủ cạnh tranh với các máy Mac M1, như MacBook Air, Mac Mini, hay iMac 24-inch.
Những sự lựa chọn
Bộ xử lý M1 cơ bản có thể không đủ mạnh cho những người dùng chuyên nghiệp đang chạy các khối lượng công việc đòi hỏi cao như chỉnh sửa video hoặc đồ họa 3D. Những trường hợp sử dụng này cần những con chip cao cấp như M1 Max và Ultra, vốn chạy quá nóng đối với một chiếc iPad không quạt. Đối với những trường hợp sử dụng này, người mua nên xem xét các thiết bị như Mac Studio và MacBook Pro. Tuy nhiên, nếu công việc của bạn chủ yếu xoay quanh các loại tài liệu văn bản và biên tập ảnh/video nhẹ nhàng để đăng tải lên các website, thì vi xử lý M1 trên iPad Pro và Air hoàn toàn có thể xử lý một cách hoàn hảo.
Nhưng thay đổi quan trọng nhất, giúp biến iPad thành một thiết bị làm việc có lẽ là sự xuất hiện của cổng USB-C thay cho Lightning vài năm về trước (các mẫu iPad Pro hiện nay còn hỗ trợ Thunderbolt 4 và USB 4 nữa).
Việc có cổng USB-C đồng nghĩa hầu hết phụ kiện và các thiết bị khác mà bạn cần sử dụng với iMac hay MacBook Air cũng sẽ hoạt động với iPad Pro và Air. Dù iPad Pro 12.9-inch sẽ phù hợp với những người thường xuyên làm đồ họa và thiết kế, iPad Pro 11-inch hay iPad Air 10.9-inch (đều có cổng USB-C và chip M1) vẫn là những lựa chọn tốt đối với nhiều người.
Một số người dùng iPad đã tỏ ra thất vọng khi Apple không công bố mẫu iPad mới nào sử dụng chip M2, nhưng có vẻ như không sớm thì muộn điều đó cũng trở thành hiện thực. Ngoài ra còn có tin đồn rằng một mẫu iPad Pro 14.1-inch đang được phát triển, và sẽ xuất hiện vào năm 2023.
IPad Pro 12.9 inch sử dụng chip M1 ở chế độ máy laptop, với Bàn phím Magic của Apple (Ảnh: ZDNet) |
Chế độ laptop
Sử dụng iPad như một sản phẩm thay thế laptop là điều hoàn toàn khả thi, bởi Apple và nhiều công ty bên thứ ba đã đang tung ra nhiều bộ case kiêm bàn phím, cũng như những phụ kiện khác kể từ khi thiết bị này lần đầu ra mắt vào năm 2011.
Bàn phím chính hãng Apple thường khá đắt với mức giá Magic Keyboard cho iPad Pro 12.9-inch có giá đến 349 USD, trong khi Smart Keyboard Folio có giá 199 USD. Magic Keyboard là lựa chọn tốt hơn đối với những ai muốn làm việc nghiêm túc, khi mà nó có chất lượng rất tốt và giúp bảo vệ iPad trong nhiều tình huống. Bàn phím này sử dụng cơ chế cắt kéo, ưu việt hơn so với Smart Keyboard Folio và còn được tích hợp một trackpad nhỏ hữu dụng.
Nhiều phím tắt quen thuộc trên Mac cũng hiện diện trên iPad, ví dụ Cmd-Tab để chuyển qua lại giữa các ứng dụng đang mở, và Cmd-Shift-3 để chụp ảnh màn hình. Vì vậy bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian để làm quen việc sử dụng bàn phím với iPad.
Các nhà sản xuất như Logitech và Brydge cũng bán các case bàn phím giá tốt cho iPad, giao động từ 150 - 200 USD. iPad cũng dùng được với chuột Magic Mouse, Magic Trackpad, Apple Pencil và nếu bạn thích các sản phẩm bên thứ ba thì dòng chuột MX hay bút Crayon của Logitech đều hoạt động tốt kể từ iPadOS 14 trở đi.
Ngoài ra còn có rất nhiều bàn phím kích thước đầy đủ có thể hoạt động được trên iPad, với bàn phím Cơ MX mới nhất của Logitech cung cấp một sự thay thế tốt cho Bàn phím Magic của Apple dành cho máy Mac để bàn.
IPad Pro 12.9 inch ở chế độ laptop với ổ cứng rời và chuột Bluetooth (Ảnh: ZDNet) |
Kết nối phụ kiện
Khả năng kết nối từ lâu đã trở thành một điểm yếu với các thiết bị di động của Apple. Cổng USB-C duy nhất trên iPad Pro và Air khiến người dùng bị hạn chế trong việc kết nối với các thiết bị khác. Tuy nhiên, một lợi thế của Bàn phím Magic của Apple là nó có một cổng USB-C tích hợp có thể được sử dụng để sạc. iPad để trống cổng Thunderbolt / USB-C để kết nối các thiết bị khác, ví dụ như các ổ cứng rời.
Nếu cần thêm cổng USB-C, thì có khá nhiều hub USB nhỏ gọn đáp ứng được nhu cầu của bạn. Một số hub không cần nguồn điện và được trang bị cả cổng USB-A lẫn USB-C, hay cổng HDMI để xuất ra màn hình ngoài, khe thẻ nhớ, thậm chí là cổng Gigabit Ethernet để dùng mạng dây nữa.
Và đối với người dùng chuyên nghiệp, không thể bỏ qua các dock và hub dùng nguồn ngoài, mang lại cho iPad khả năng kết nối linh hoạt hơn. Các công ty như Belkin, OWC, Kensington, và Plugable đều cung cấp đủ loại dock đa năng, tiện dụng cho người dùng chuyên nghiệp.
IPad Pro 12.9 inch ở chế độ desktop, với màn hình USB-C bên ngoài, bàn phím và chuột Bluetooth (Ảnh: ZDNet) |
Liệu có thể dùng thay máy tính để bàn?
IPad Pro chắc chắn có thể vượt qua một số mẫu máy tính xách tay cấu hình trung bình, nhưng việc sử dụng nó như một máy tính để bàn sẽ gây ra một chút rắc rối. Như đã nói ở trên, cổng USB-C cho phép iPad Pro sử dụng màn hình ngoài. Vấn đề ở đây là iPadOS khá "kén" màn hình ngoài.
Hạn chế lớn nhất là bạn chỉ có thể xuất hình ở chế độ “mirror” - tức cả màn hình ngoài lẫn màn hình iPad đều hiển thị nội dung như nhau. Bạn không thể dùng màn hình ngoài để làm màn hình phụ thứ hai cho iPad như Mac hay PC được. iPad Pro có độ phân giải màn hình 2732x2048 pixel (gần 2.5K), có nghĩa là nếu xuất ra màn hình 4K, bạn sẽ thấy hai dải đen dọc hai bên màn hình. Vấn đề này cũng ảnh hưởng đến màn hình QHD (2560x1440), khi mà tỉ lệ màn hình 4:3 của iPad không tương thích với các màn hình 16:9 hay 21:9 truyền thống.
iPad có thể xuất video ra màn hình bên ngoài ở kích thước đầy đủ, điều này rất tốt để xem phim, nhưng các ứng dụng không phải video mà bạn có thể muốn sử dụng cho công việc vẫn cố định ở độ phân giải gốc của màn hình iPad.
Đây là những vấn đề tồn động ở phiên bản iPadOS 15. Tuy nhiên, tại sự kiện WWDC ra mắt iPadOS 16 gần đây, Apple hứa hẹn sẽ mang đến một giải pháp cải thiện hỗ trợ kết nối nhiều loại màn hình ngoài đa dạng hơn.
Trên website của Apple, họ nói rằng cả iPadOS 16 và MacOS Ventura sẽ hỗ trợ đầy đủ màn hình ngoài, bao gồm các màn hình độ phân giải lên đến 6K. Tính năng Stage Manager cũng giúp xóa bỏ giới hạn, khi cho phép bạn chạy nhiều ứng dụng khác nhau trên mỗi màn hình và cả xếp chồng các cửa sổ ứng dụng nữa. Đây là một cải thiện đáng kể đối với khả năng đa nhiệm của iPad.
Sử dụng iPad cho mục đích văn phòng
Có một sự thật là các ứng dụng và phần mềm văn phòng mà bạn sử dụng cho công việc không có sẵn cho iPad. May thay, đa số những ứng dụng cơ bản phục vụ văn phòng, như Word, Excel, Outlook đều có phiên bản di động và dùng tốt nếu bạn đăng ký gói Microsoft 365. Nếu không muốn tốn tiền, hãy thử bộ iWork của Apple bao gồm Pages, Numbers và Keynote, thay cho Word, Excel, và Powerpoint đương nhiên tất cả đều miễn phí.
Người dùng sáng tạo cũng được phục vụ tốt, với bộ Creative Cloud của Adobe cũng có sẵn cho iPad. Và một lần nữa, nếu bạn không thích trả tiền đăng ký hàng tháng cho phần mềm của mình, thì có một số lựa chọn thay thế tuyệt vời, chẳng hạn như trình chỉnh sửa ảnh Pixelmator phổ biến, chỉ có giá 4,99 USD, Procreate phục vụ cho mục đích phác thảo (9,99 USD) và và Affinity Designer (21,99 USD) sử dụng cho đồ họa vector và công việc thiết kế.
Có nhiều công cụ thiết kế và đồ họa cao cấp, như AutoDesk, vẫn phục vụ người dùng Mac và Windows, nhưng đó lại là những công việc cần hệ thống khủng, iPad rõ ràng chưa thể đảm đương được.
Nhìn chung, phần mềm là thứ có thể cải thiện, đặc biệt trong bối cảnh Mac và iPad hiện đã dùng vi xử lý Apple Silicon như nhau, giúp các nhà phát triển dễ dàng hơn trong việc tạo ra các ứng dụng, hoạt động hiệu quả trên cả hai nền tảng.
Với iPadOS 16, Apple hứa hẹn sẽ có các ứng dụng 'đẳng cấp dành cho máy tính để bàn' với các tính năng nâng cao năng suất làm việc như thanh công cụ có thể tùy chỉnh (Ảnh: ZDNet) |
iPad cần cải thiện những gì để thay thế laptop và máy tính để bàn?
Lộ trình của Apple cho iPadOS 16 cũng hứa hẹn 'ứng dụng dành cho máy tính để bàn' mang lại năng suất cao hơn. Những ứng dụng tích hợp sẵn như Photos và Files nay đã có menu tài liệu giống Mac hơn, cho phép truy cập đến các câu lệnh như tạo bản sao, đổi tên, hay in ấn dễ dàng hơn. Bạn cũng có thể tùy biến thanh công cụ trong ứng dụng theo ý muốn.
Ngoài ra còn có một ứng dụng mới được lên kế hoạch cho iPadOS được gọi là Freeform. Hiện tại, Apple chỉ nói rằng Freeform sẽ có sẵn vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Freeform trông giống như một phiên bản cải tiến của Notes, cung cấp một 'canvas' nơi bạn có thể ghi lại các ghi chú hoặc bản phác thảo và thêm các liên kết web, tệp âm thanh hoặc video. Và, điều quan trọng, Freefrom cũng sẽ cho phép bạn cộng tác với đồng nghiệp chỉ bằng cách chia sẻ một liên kết cung cấp quyền truy cập vào tài liệu của bạn.
Ngoài trình quản lý màn hình và hỗ trợ cải tiến cho màn hình bên ngoài, iPadOS 16 cũng sẽ cung cấp 'chế độ điều chỉnh tỷ lệ hiển thị' - có lẽ tương tự như các tùy chọn tỷ lệ hiển thị trên Mac, cho phép bạn điều chỉnh độ phân giải của màn hình, tùy thuộc vào mục đích sử dụng của bạn. Và đối với những người dùng làm công việc sáng tạo, iPad Pro 12.9-inch cũng sẽ hỗ trợ HDR và SDR, đồng thời đảm nhiệm chức năng màn hình tham chiếu cho các chuẩn màu khác.
Ở thời điểm hiện tại, rõ ràng iPad Pro vẫn chưa thể thay thế iMac hay MacBook, nhưng nó sẽ là một sự lựa chọn không tồi nếu bạn cần sự di động. Và nếu lộ trình Apple dành cho iPadOS và chip M2 được thực hiện đúng như đã vạch ra, một mẫu iPad Pro có thể thay thế máy tính để bàn sẽ được Apple cho ra mắt trong tương lai gần.
Theo ZDNet