Liệu Internet phát từ vệ tinh của tỷ phú Elon Musk sẽ khiến các nhà mạng truyền thống “đứt gánh“?

VietTimes – Cách đây không lâu, tỷ phú công nghệ Elon Musk đã chính thức đưa vào hoạt động dự án phủ sóng Internet qua vệ tinh. Liệu dự án này có khả thi và có là mối đe dọa, cạnh tranh với các dịch vụ Internet truyền thống? Ý kiến của ông Đoàn Quang Hoan – nguyên Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam sẽ góp phần làm sáng tỏ vấn đề này
Phủ sóng Internet từ vệ tinh là một dịch vụ đang được Elon Musk triển khai (ảnh: Verdict)
Phủ sóng Internet từ vệ tinh là một dịch vụ đang được Elon Musk triển khai (ảnh: Verdict)

Có thể các nhà mạng Internet thế giới cũng tương đối băn khoăn về dự án của tỷ phú Elon Musk. Và thực tế thì nhiều người cũng cho rằng đây là mối họa với các nhà mạng Internet mặt đất vì dự án này có quy mô rất lớn, phủ sóng toàn cầu tới tất cả mọi ngóc ngách cùng giá cước hết sức cạnh tranh.

Những lo ngại này thực ra cũng có cơ sở bởi vì không chỉ một Elon Musk mà hiện tại có đến hơn một chục dự án tương tự đã và đang triển khai. StarLink của Elon Musk là dự án lớn nhất với 12.000 quả vệ tinh cho 2 giai đoạn trên các bằng tần KA, KU và V. Kế đó, phải kể đến dự án của Amazon với 3.600 quả vệ tinh, One Web với gần 1.000 quả vệ tinh. Còn các dự án từ vài trăm quả vệ tinh thì rất nhiều mà trong đó phải kể đến cả những nhà cung cấp chưa bao giờ làm dịch vụ viễn thông như Samsung, Boeing... Thực tế này khiến các nhà mạng mặt đất buộc phải đặt mối quan tâm bởi vì những yếu tố mới của thị trường dù có thành công hay không, ít nhiều cũng tạo ra một sự cạnh tranh mới.

Như quảng cáo của StarLink thì gói cước thấp nhất là 10 USD/tháng và tốc độ lên đến hàng Gbps và dung lượng cũng có thể hàng trăm MB. Có thể nói, mức giá cước này khiến các nhà mạng mặt đất phải thấy mối đe dọa. Hơn nữa, nếu như trước đây các dự án Iridium, Global Star thất bại một phần do giá thành sản xuất và phóng vệ tinh quá đắt. Nhưng bây giờ thì giá thành đã giảm xuống rất nhiều, đặc biệt là với công nghệ dùng tàu “con thoi” của SpaceX thì mỗi lần phóng được 60 quả vệ tinh và sắp tới thì quy mô còn lớn hơn nhiều với hàng trăm quả vệ tinh mỗi lần phóng. Chính thực tế này khiến các nhà mạng mặt đất phải lo ngại.

Thế nhưng theo tôi thì không quá đáng lo ngại, ngay cả ở Việt Nam. Vì ba yếu tố:

Thứ nhất là thương mại và dịch vụ. Sở dĩ có những dự án Internet vệ tinh lớn như thế vì người ta dựa trên thông tin còn gần 4 tỷ người trên thế giới chưa có cơ hội kết nối Internet. Ngay tại nước Mỹ cũng có đến 22 triệu người chưa có điều kiện để kết nối Internet (thậm chí có tài liệu nói là 50 triệu người). Vì thế, phân khúc thị trường lớn nhất được nhắm vào cộng đồng này chứ không phải là với những người đang dùng Internet mặt đất.

Tuy nhiên, phải phân biệt chưa được kết nối là do chưa được phủ sóng hay do không có tiền. Nếu như tỷ lệ thống kê là gần 50% dân số thế giới chưa có điều kiện kết nối thì điều kiện thứ nhất hoàn toàn bắn trúng vào thị trường này. Nhưng nếu lý do là không có tiền thì Internet mặt đất đã không có tiền để dùng, vậy làm sao có tiền để dùng Internet vệ tinh. Ở nước ta, tỷ lệ phủ sóng di động mặt đất đã rất lớn rồi chứ không phải con số 50% của thế giới hay 10 - 20% ở Mỹ. Và với vùng chưa kết nối ở Việt Nam thì liệu người dân có tiền để sử dụng Internet vệ tinh hay không? Với tính toán về lý do thương mại và dịch vụ như thế, theo tôi không phải là điều đáng lo cho nhà mạng ở Việt Nam.

Ông Đoàn Quang Hoan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam
Ông Đoàn Quang Hoan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam

Yếu tố thứ hai là về công nghệ kết nối. Các vệ tinh đều phải sử dụng băng tần cao và chỉ thu được theo tầm nhìn thẳng, không bị che chắn. Như vậy là không thu được bằng anten ở trong nhà. Và thực tế quỹ đạo vệ tinh là phi địa tĩnh nên việc thu tín hiệu là không đơn giản, có thể phải dùng anten chảo. Dù chảo chỉ nhỏ bằng chiếc bánh piza như quảng cáo thì cũng là một câu chuyện trong cạnh tranh. Và do kỹ thuật phức tạp nên giá đầu cuối vệ tinh không thể rẻ như giá đầu cuối di động mặt đất. Dù rằng giá thành của đầu cuối chỉ vài trăm USD thì cũng khó nói chuyện cạnh tranh. Trong khi đó, có những dòng điện thoại chỉ ít chục USD là đã có thể dùng Internet tốc độ cao của các nhà mạng mặt đất.

Và cũng phải nói thêm là hiện tại khoảng 80% lưu lượng của Internet 4G là Indoor (máy thu ở trong nhà). Trong khi đó, Internet vệ tinh không thể phát xuyên tường, xuyên mái nhà. Vì thế, liệu bao nhiêu phần trăm phân khúc thị trường cho Internet vệ tinh sẽ được hiện thực hóa? Dĩ nhiên, với điều kiện của các tàu thuyền hoạt động trên biển thì Internet vệ tinh là tuyệt vời. Tuy nhiên, đây không phải là phân khúc thị trường mà các nhà mạng mặt đất phải lo ngại.

Yếu tố cuối cùng phải nói đến là pháp lý. Dịch vụ viễn thông cho đến nay vẫn phải có giấy phép. Và viễn thông xuyên biên giới vẫn là dịch vụ bị thắt rất chặt ở nhiều nước và chỉ rằng buộc bởi các hiệp ước kinh tế của các nước với quốc tế. Khi đàm tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng ta cũng phải đấu tranh để giữ quyền cấp phép dịch vụ viễn thông. Do những lý do kỹ thuật như tôi nói ở trên, để cung cấp được dịch vụ Internet vệ tinh thì phải thiết lập cổng dịch vụ (gateway) trên mặt đất. Không phải ở đâu cũng dễ dàng xin được giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ, ngay cả ở Việt Nam.

(ảnh minh họa: Broadband for Europe)
(ảnh minh họa: Broadband for Europe)

Như vậy, cả 3 yếu tố thương mại, kỹ thuật và pháp lý có thể cho thấy dịch vụ Internet vệ tinh không dễ gì chiếm lĩnh được thị trường và cạnh tranh với các nhà mạng mặt đất ở Việt Nam nói riêng cũng như rất nhiều quốc gia khác.

Đức Hoàng ghi