Liệu có thiếu thuốc khi 2 văn bản của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện hết hiệu lực?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được coi là “cửa mở” cho các cơ sở y tế tháo gỡ khó khăn trong mua sắm thuốc, vật tư y tế. Nhưng chỉ nửa tháng nữa, 2 văn bản trên sẽ hết hiệu lực, các cơ sở y tế có tiếp tục bị thiếu thuốc, vật tư?

Nếu không có các văn bản thay thế Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ, các cơ sở y tế có thể tiếp tục thiếu thuốc, vật tư phục vụ khám, chữa bệnh
Nếu không có các văn bản thay thế Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ, các cơ sở y tế có thể tiếp tục thiếu thuốc, vật tư phục vụ khám, chữa bệnh

Có thiếu thuốc, vật tư trở lại?

Sau dịch COVID-19, các cơ sở y tế thiếu thuốc và vật tư y tế trầm trọng, làm ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để giải quyết vấn đề này, tháng 3/2023, Chính phủ đã liên tiếp ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP (Nghị định 07) sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP (Nghị quyết 30) về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Tuy nhiên, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023 và đến nay, sắp hết hạn. Câu hỏi đặt ra là sau khi 2 văn bản quan trọng này hết hiệu lực, thì việc thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế của các bệnh viện sẽ ra sao, để tránh lặp lại sự thiếu thốn như đã từng xảy ra?

Ha Anh Duc.jpg
Ông Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ Y tế - chủ trì cuộc họp báo

Tại cuộc họp báo của Bộ Y tế tổ chức chiều nay, 15/12, dưới sự chủ trì của ông Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ Y tế chủ trì, ông Dương Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế - cho biết: Luật Đấu thầu năm 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và các cơ sở y tế sẽ thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế theo Luật này.

Để chuẩn bị cho việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu, đồng thời, ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 trong lĩnh vực y tế.

Hiện, Bộ Y tế đã hoàn thiện dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá, Thông tư ban hành các danh mục thuốc phục vụ công tác đấu thầu, Thông tư quy định về cơ chế đối với thuốc hiếm được Nhà nước đảm bảo.

Sau khi Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực, Bộ Y tế sẽ ban hành các Thông tư này để các cơ sở y tế triển khai thực hiện.

Như vậy, các cơ sở y tế liệu có hết khó khăn khi chỉ còn 15 ngày nữa là Nghị định 07 và Nghị quyết 30 hết hiệu lực, trong khi hiện nay còn chưa thấy “mặt mũi” cả Nghị định lẫn Thông tư hướng thi hành Luật Đấu thầu ở đâu!

Nhiều cơ sở vẫn thiếu thuốc, vật tư?

Trong khi nhiều cơ sở y tế đã mua sắm được thuốc, vật tư y tế và trang thiết bị, thì vì sao nhiều địa phương, cơ sở y tế vẫn thiếu thuốc và vật tư y tế? Trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ Y tế cho hay: Việc nhiều cơ sở y tế đã mua được thuốc, một số cơ sở y tế không mua được thuốc, nguyên nhân không phải do văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và cũng không do ảnh hưởng kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá.

VT_ KCB.JPG
Nếu "bài toán" thiếu thuốc, vật tư không được giải quyết triệt để, người dân sẽ lại gặp khó khi đi khám, chữa bệnh

Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (gọi tắt là Trung tâm) đã tổ chức và phê duyệt kết quả đầu thầu tập trung cấp quốc gia đối với 100 thuốc. Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả đàm phán giá với 64 thuốc biệt dược gốc. Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá là những thuốc có tỉ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước và có thời gian hiệu lực dài (24 tháng).

Trong năm 2023, Trung tâm đã tổ chức 2 hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về đấu thầu tập trung, đàm phán giá, 9 lớp tập huấn nâng cao năng lực đấu thầu thuốc nhằm hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức đấu thầu thuốc. Đồng thời, Trung tâm cũng tổ chức nhiều đoàn đoàn giám sát việc cung ứng thuốc tại các cơ sở y tế thực hiện theo kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc trúng thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá theo quy định.

Qua trao đổi, việc chưa có kết quả đấu thầu thuốc đối với danh mục các thuốc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu phần lớn do nguyên nhân khách quan là nhân lực thực hiện công tác mua sắm thuốc tại các đơn vị còn mỏng, thiếu cán bộ, nhân viên có chuyên môn về công tác đấu thầu. Nhiều cán bộ, nhân viên vừa phải đảm nhiệm công tác khám, chữa bệnh, vừa tham gia công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế - khẳng định không thể thiếu thuốc trên thị trường. Cục Quản lý Dược đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, đặc biệt là đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn ngay lập tức, như công bố liên tục Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội.

Cục cũng đang phối hợp để sửa đổi bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Đấu thầu, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế., đồng thời, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính sửa đổi bổ sung các quy định về đấu thầu thuốc, để các cơ sở có thể mua thuốc với giá phù hợp.

Đại diện Bộ Y tế cho biết: Năm 2022-2023, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (gọi tắt là Trung tâm) đã phê duyệt kết quả đầu thầu tập trung cấp quốc gia đối với 100 thuốc và Bộ Y tế phê duyệt kết quả đàm phán giá với 64 thuốc biệt dược gốc. Danh mục thuốc có thời gian hiệu lực dài 24 tháng.

Các thuốc trúng thầu đấu thầu tập trung cấp Quốc gia và đàm phán giá đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hầu hết đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế. Vì vậy, kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia đã góp phần giúp ổn định tình hình cung ứng thuốc tại các địa phương, đặc biệt có ý nghĩa đối với các thuốc có số lượng nhu cầu sử dụng lớn như thuốc kháng sinh, tiêu hóa, tim mạch và thuốc điều trị bệnh tiểu đường.

Theo báo cáo tình hình thực hiện kết quả trúng thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá của các cơ sở y tế, đến nay, đã thực hiện được từ 1/2 đến 2/3 thời gian thực hiện tùy từng gói thầu và tỷ lệ thực hiện của các cơ sở y tế trung bình đạt khoảng 60% số lượng thuốc trúng thầu được phân bổ.