Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, hiện hơn 60% bệnh viện (BV) trong cả nước đã đấu thầu thành công, đảm bảo đủ thuốc, vật tư và trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, còn gần 40% BV vẫn thiếu cục bộ.
Với mong muốn việc thiếu thuốc, vật tư và trang thiết bị sẽ sớm chấm dứt, để phục vụ bệnh nhân bảo hiểm y tế một cách tốt nhất, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo một số BV, để tìm hiểu kinh nghiệm đấu thầu thành công của các BV.
Số hoá giúp lập kế hoạch chính xác
Mỗi ngày, BV Đa khoa (ĐK) Đức Giang (Hà Nội) khám và điều trị khoảng 2.000 bệnh nhân, nhưng đã không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư.
Trao đổi với VietTimes, ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV ĐK Đức Giang - cho biết, cũng giống như mọi BV khác, BV cũng gặp khó khăn nhưng không để xảy ra thiếu tổng thể thuốc, thiết bị, vật tư. Nếu có, chỉ là thiếu cục bộ, từng loại, là các loại thuốc quý hiếm, vật tư, trang thiết bị thuộc nhóm liên quan đến đấu thầu tập trung cấp quốc gia nhưng trượt thầu nên BV cũng không mua được.
Để có được sự ổn định đó, từ đầu năm, BV đã chủ động lập kế hoạch mua sắm hàng hoá y tế phục vụ khám, chữa bệnh.
Chia sẻ kinh nghiệm trong đấu thầu, ông Thường cho biết: Việc đầu tiên là phải lập được kế hoạch mua sắm đúng và sớm. Với thuốc thì phải ra được từng loại, điều trị những nhóm bệnh gì, nhóm bệnh ấy bao nhiêu bệnh nhân. Sau đó xây dựng kế hoạch kỹ càng. Mà, muốn lập được kế hoạch tốt phải có số liệu chính xác.
Điều này thì BV ĐK Đức Giang lại thuận lợi nhờ đã số hoá khá mạnh mẽ, nên nhanh chóng tổng hợp được từng loại thuốc đã dùng trong năm, và từng tháng, thậm chí, những thuốc điều trị bệnh mãn tính còn được cá thể hóa đến từng bệnh nhân, để lên kế hoạch dự trù.
Vấn đề thứ hai là đánh giá được tình hình thị trường, dự đoán được loại thuốc/vật tư này có thể thay thế thuốc/vật tư kia không để dự trù.
Vấn đề thứ ba là thành lập các Hội đồng, Tổ chuyên gia, Tổ thẩm định phải có chức trách, nhiệm vụ rõ ràng: Hội đồng khoa học quyết vấn đề gì? Hội đồng mua sắm quyết những vấn đề gì? Tổ chuyên gia phải quyết những vấn đề gì? Tổ thẩm định phải quyết cái vấn đề gì. Trong mỗi tổ phải xây dựng chức danh, nhiệm vụ của từng thành viên rõ ràng, kế hoạch phải có tính dự báo này.
Thứ tư là phải xây dựng quy trình mua sắm đấu thầu minh bạch, rõ ràng, dựa vào các văn bản pháp luật. Ví dụ mua sắm loại hàng dưới một trăm triệu thì gồm 15 bước, loại mua sắm trên 15 triệu gồm 24 bước, thì các bước do từng Hội đồng quyết đều phải xây dựng trên cơ sở các luật, các thông tư. Các Hội đồng, các tổ và các thành viên phải giải quyết theo đúng quy trình.
Vì sao nhiều BV không tổ chức đấu thầu được?
Trả lời câu hỏi của VietTimes về việc cùng hướng dẫn của Chính phủ và của Bộ Y tế, nhưng sao nhiều BV vẫn rất lúng túng, không tổ chức đấu thầu được, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư, ông Thường cho rằng điều này có rất nhiều nguyên nhân.
Trước hết là những người trực tiếp làm thầu có hiểu văn bản pháp luật hay không? Hiểu mới xây dựng được quy trình đấu thầu. Không có quy trình rõ ràng, thì không làm được.
“Trên thực tế, nhiều văn bản hiện hành cũng có chỗ chưa rõ. Nhưng theo tôi, đa số là do anh em không đọc kỹ, không làm kỹ, chứ không đến mức không thể làm nổi” - Giám đốc BVĐK Đức Giang chia sẻ.
Thứ nữa là, khi BV thành lập các Ban, Tổ, Hội đồng lại không rõ ràng về chức trách, nhiệm vụ.
Một điều nữa là việc mua sắm ở ngành y tế rất đặc thù: Cùng một bộ dụng cụ, nhưng có rất nhiều giá. Nhưng cái 100 triệu chưa chắc là đắt, trong khi cái 20 triệu lại là đắt, vì phụ thuộc vào chất lượng. Vật tư mua mà không phân nhóm là rất khó. Giống một cái ô tô Nhật đặt cạnh cái ô tô Trung Quốc rồi đấu thầu với nhau với tính năng chung đều chỉ là đổ xăng rồi chạy trên đường, nhưng chất lượng máy móc thì hoàn toàn khác nhau. Song không có quy định nào là chỉ được mua loại này hay loại kia, nên nhiều BV “chết tắc”.
BVĐK tỉnh Yên Bái: Công nghệ thông tin hỗ trợ đấu thầu
9 tháng đầu năm 2023, số bệnh nhân đến khám bệnh ở BVĐK tỉnh Yên Bái tăng 120% so với cùng kỳ năm 2022, số bệnh nhân điều trị nội trú cũng ở mức cao, nhưng BVĐK tỉnh Yên Bái vẫn đảm bảo đủ thuốc, vật tư phục vụ người bệnh, do đã đấu thầu thành công hàng loạt gói hàng hoá.
Một nguyên nhân quan trọng để BVĐK tỉnh Yên Bái tổ chức thành công các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, chính là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Bác sĩ Diêm Sơn - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Yên Bái - chia sẻ: BV thực hiện bệnh án điện tử hoàn toàn, kiểm soát số lượng vật tư y tế, hóa chất qua công nghệ thông tin. Đồng thời dự báo sát nhu cầu điều trị, dự đoán vật tư y tế sắp hết.
Thuốc hiếm, thuốc đắt tiền đều phải có các phương án mua sắm khi cần thiết. Hóa chất, vật tư y tế trong kho chỉ còn 50%, Khoa Dược phải làm dần đúng quy trình các bước mua sắm, không đợi đến hết mới xây dựng gói thầu.
Với tinh thần “Không để thiếu thuốc mới tiến hành làm thầu”, Ban Giám đốc BV đã tập trung nguồn nhân lực tốt nhất cho các phòng, ban chuyên môn đảm trách công tác đấu thầu, đặc biệt là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hỗ trợ việc dự báo sát nhu cầu thuốc điều trị, cũng như tính toán được tình hình thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế hiện có.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm tổ chức đấu thầu thành công nhiều gói hàng hoá y tế phục vụ khám, chữa bệnh, Dược sĩ Lê Trọng Thủy - Trưởng Khoa Dược BVĐK tỉnh Yên Bái - cho biết: Năm 2023, Khoa Dược đã tham mưu xây dựng 20 gói thầu, trong đó có nhiều gói phải thực hiện đến 4 lần mới lựa chọn được nhà thầu. Bởi có những gói không không có nhà thầu tham dự, hoặc không có nhà thầu cung ứng, cũng như nhiều mặt hàng không có trên thị trường...
Mỗi lần mở thầu không thành công, các cán bộ chuyên môn của BV phải ngồi lại "mổ xẻ" nguyên nhân để không lặp lại. “Vì thế, đến nay, chúng tôi đã cung cấp đủ thuốc cho người bệnh" - Dược sĩ Thủy cho hay.
Quá trình tổ chức đấu thầu, theo BS Diêm Sơn, BV luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ của Sở Y tế, các ban, ngành trong tỉnh. Tháng 6/2023, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành văn bản số 1773 về trình tự mua sắm, hóa chất, sinh phẩm và vật tư y tế, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thời gian hoàn thành của các ngành liên quan, nhằm đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt các gói thầu. Từ đó rút ngắn thời gian chờ thẩm định để các cơ sở y tế chủ động được mua sắm, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc cho điều trị.