PV: Xin ông cho biết thực trạng việc dạy học trực tuyến trước khi Bộ TT&TT ban hành công văn trên?
ông Nguyễn Hữu Hạnh: Trước đây, việc học trực tuyến đã hình thành nhưng chưa nhiều, việc học trực tuyến chủ yếu các khóa học mang tính hỗ trợ cho người học không có điều kiện học trực tiếp.
Từ khi bùng phát dịch Covid-19, học sinh, sinh viên phải nghỉ học không đến trường. Nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do học sinh nghỉ học dài ngày, các trường đã bắt đầu chủ động đẩy mạnh hình thức đào tạo từ xa. Tuy nhiên, công tác đào tạo từ xa này vẫn mang tính phong trào, do các trường, các lớp tự đứng ra tổ chức.
Về giải pháp công nghệ, vẫn sử dụng nhiều các giải pháp công nghệ của nước ngoài, vừa tốn kém ngân sách vừa không đáp ứng được các yêu cầu về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; mặt khác lại không thúc đẩy được các doanh nghiệp công nghệ trong nước, gây tâm lý tiêu dùng sản phẩm nước ngoài cho học sinh, sinh viên - những người chủ tương lai của đất nước.
Đứng trước thực trạng trên, ngày 19/3/2020, Bộ TT&TT đã có công văn số 928/BTTTT-THH thông báo cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cam kết có giải pháp kỹ thuật cho việc đào tạo trực tuyến đáp ứng được nhu cầu hiện nay đồng thời sẵn sàng cung cấp miễn phí, sẵn sàng hỗ trợ sử dụng, giải đáp thắc mắc của người dùng trong quá trình dạy và học.
PV: Là đơn vị quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông, Bộ TT&TT đã làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có nền tảng đào tạo trực tuyến để cung cấp miễn phí cho học sinh các cấp chưa? Nếu có gồm những đơn vị nào thưa ông? Kết quả làm việc ra sao?
ông Nguyễn Hữu Hạnh: Như tôi đã nói ở trên, Bộ TT&TT làm việc với các doanh nghiệp ngành thông tin và truyền thông để hỗ trợ ngành Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn chống dịch Covid-19
Cụ thể, Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp: Viettel, VNPT, MobiFone và Vietnamobile cung cấp miễn phí dịch vụ đầu số nhắn tin với tên BoGDDT, có thể nhắn tới số điện thoại các mạng di động nói trên phục vụ thông tin chỉ đạo điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19; miễn phí cước data di động cho học sinh, giáo viên và phụ huynh khi sử dụng các giải pháp đào tạo trực tuyến do Bộ TT&TT và Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Về đào tạo trực tuyến: Viettel và VNPT hỗ trợ miễn phí hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở đào tạo đại học bao gồm Máy chủ (trong khả năng của Tập đoàn) hoặc chỗ đặt máy chủ trong Trung tâm dữ liệu (IDC), đường truyền với băng thông đủ lớn đảm bảo dạy và học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19.
PV: Trong công văn 928, Bộ TT&TT đã đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam, UBND các địa phương thực hiện vấn đề gì thưa ông?
ông Nguyễn Hữu Hạnh: Trong công văn 928/BTTTT-THH, ngoài việc đào tạo trực tuyến, Bộ TT&TT còn đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam, UBND các địa phương xây dựng bài giảng, tăng cường đào tạo qua truyền hình. Đây cũng là một phương thức đào tạo hữu hiệu, rẻ tiền, phù hợp với đại đa số các gia đình có trẻ em đến trường, nhất là các trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
PV: Vào thời điểm này đa phần các trường phổ thông và các đơn vị đều sử dụng nền tảng làm việc và học tập online của nước ngoài như Zoom, Slack, Hangouts Meet, trong khi công ty công nghệ Việt Nam chưa đưa ra được ứng dụng nào. Vậy phải chăng Việt Nam chưa có sự chuẩn bị cho những tình huống như thế này? Cục Tin học hóa có giải pháp gì cho vấn đề này không thưa ông?
ông Nguyễn Hữu Hạnh: Trên thực tế, các công ty công nghệ của Viêt Nam đã cho ra đời từ rất sớm các nền tảng làm việc và học tập online và có chất lượng cao. Ví dụ như mạng xã hội học tập Viettelstudy.vn đã đạt giải Giải thưởng Sao Khuê năm 2014 và Giải Vàng Asean ICT Awards 2019; nền tảng Học và Thi trực tuyến kết hợp Giải pháp cung cấp và xác minh văn bằng số trên công nghệ Blockchain - vnEdu-LMS của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đạt giải Sao Khuê năm 2019.
Tuy nhiên, việc đào tạo trực tuyến chưa được phổ biến do giáo viên, học sinh vẫn có thói quen dạy và học trực tiếp nên thị trường còn nhiều hạn chế. Mặt khác, tâm lý sính ngoại, nhất là công nghệ cũng là một rào cản không nhỏ trong việc đưa sản phẩm công nghệ Việt vào cuộc sống.
Cùng với việc xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia, bằng những hành động quyết liệt, cụ thể như hiệu triệu các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành TT&TT chính thức cam kết hỗ trợ ngành GD&ĐT trong giai đoạn chống dịch Covid-19, tôi tin rằng chúng ta sớm vượt qua khó khăn, thách thức, biến thách thức thành cơ hội, sớm chuyển đổi số thành công.
PV: Ông đánh giá kết quả sẽ thế nào khi thực hiện chủ trương này? Khi dịch Covid-19 kết thúc các đơn vị hạ tầng có còn hỗ trợ miễn phí dịch vụ nữa không?
ông Nguyễn Hữu Hạnh: Thực hiện tốt chủ trương dạy và học từ xa sẽ khắc phục các khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 gây ra, đúng với quan điểm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.
Đây cũng có thể coi là một cơ hội cho chuyển đổi số quốc gia vì các giải pháp công nghệ số sẽ giúp duy trì các hoạt động kinh tế xã hội, giảm tối đa suy thoái kinh tế, và sau dịch sẽ là bứt phá vươn lên. Các doanh nghiệp công nghệ sau khi hỗ trợ việc đào tạo từ xa cũng sẽ có một lượng khách hàng tiềm năng lớn, những người đã quen sử dụng công nghệ, quen sử dụng công nghệ Việt. Đây chính là cơ hội để chuyển hướng Make in Vietnam, sáng tạo các sản phẩm Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số.
Sau khi dịch Covid-19 kết thúc, tôi tin rằng, các doanh nghiệp công nghệ Việt vẫn tiếp tục có hỗ trợ trong việc dạy và học trực tuyến. Đồng thời, sau khi vượt qua các khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, cộng đồng xã hội sẽ ủng hộ các sản phẩm công nghệ Việt nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích xã hội.