Theo bà Nguyễn Thị Xuân – Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đăk Lăk, khó khăn lớn nhất của BHXH tỉnh đó là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30%, hiện nay chưa có bộ gõ tiếng Ê Đê trên máy tính nên việc cấp thẻ BHYT cho họ này thường xảy ra tình trạng sai tên. Quá trình thực hiện đồng bộ mã thẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn hơn gấp bội. Việc đổi thẻ BHYT lần này tạo khối lượng công việc lớn, đòi hỏi cán bộ, viên chức ngành BHXH tỉnh nỗ lực hết sức mình. Để bảo đảm được tiến độ BHXH Việt Nam giao, thời gian làm việc của công chức, viên chức ngành BHXH từ tỉnh đến huyện phải thực sự có trách nhiệm, kể cả làm ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ.
Thực trạng lâu nay ở Việt Nam cho thấy, chúng ta mới chỉ đầu tư về CNTT cho tiếng Việt do có thị trường người sử dụng đông đảo. Còn các ngôn ngữ dân tộc thiểu số thì chưa được quan tâm đúng mức. Dẫu vậy, cũng có không ít các sản phẩm CNTT phục vụ nhu cầu của các dân tộc thiểu số song cho đến nay vẫn chưa có một tổng kết, đánh giá chính thức nào cả.
Trong Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT được Chính phủ ban hành cuối năm 2011 chỉ có ghi 4 chữ “xử lý tiếng Việt” trong nhiệm vụ thứ 6 về về tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT, làm chủ và từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm mới. Tiểu nhiệm vụ này cần được hiểu theo nghĩa rộng là đã bao gồm CNTT cho dân tộc thiểu số, Hán Nôm và công nghệ dịch thuật. Song rất tiếc là từ khi đề án này được ban hành tới nay vẫn chưa có một chính sách nào được ban hành nhằm cụ thể hoá cho tiểu nhiệm vụ này.
Cũng cần lưu ý rằng, trong môi trường CNTT và Internet, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số cũng cần phải có chỗ đứng bình đẳng với tiếng Việt và ngoài việc xây dựng các bộ gõ cùng font chữ riêng của các dân tộc thì còn cần cả các hệ thống hỗ trợ dịch thuật. Câu trả lời xin chờ Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ cùng với sự vào cuộc của ngành CNTT nước nhà.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu