Hiện trường vụ tai nạn.
Theo Daily Mail, vào thứ Năm tuần trước, một cô gái 23 tuổi không rõ tên đã lao thẳng người cùng xe xuống vịnh Georgian ở vị trí có độ sâu hơn 30m. Lý do gây ra tai nạn hy hữu này là do cô gái đi theo tính năng dẫn đường GPS trên ô tô trong khi trời tối có mưa và sương mù dày đặc.
Rất may, cô gái đã kịp mở cửa thoát thân và sống sót kỳ diệu dưới dòng nước lạnh chênh lệch 40 độ so với nhiệt độ cơ thể.
Xe được đưa lên bờ.
Trước đó, đã có một số tai nạn xảy ra khi tài xế lái xe theo hướng dẫn của GPS cũng như bản đồ điện tử mà bản đồ này chưa cập nhật hình ảnh theo thực tế, chẳng hạn một cây cầu bị gãy, một con đường đang được sửa chữa,...
Theo Wikipedia, hệ thống định vị toàn cầu (tiếng Anh: Global Positioning System - GPS) là hệ thống xác định vị trí dựa trên vị trí của các vệ tinh nhân tạo, do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý. Trong cùng một thời điểm, tọa độ của một điểm trên mặt đất sẽ được xác định nếu xác định được khoảng cách từ điểm đó đến ít nhất ba vệ tinh.
Tuy được quản lý bởi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, chính phủ Hoa Kỳ cũng cho phép mọi người trên thế giới sử dụng một số chức năng của GPS miễn phí, bất kể quốc tịch nào. Các nước trong Liên minh châu Âu đã xây dựng Hệ thống định vị Galileo có tính năng giống như GPS của Hoa Kỳ.
Các vệ tinh GPS bay vòng quanh Trái Đất hai lần trong một ngày theo một quỹ đạo rất chính xác và phát tín hiệu có thông tin xuống Trái Đất. Các máy thu GPS nhận thông tin này và bằng phép tính lượng giác tính được chính xác vị trí của người dùng.
Về bản chất, máy thu GPS so sánh thời gian tín hiệu được phát đi từ vệ tinh với thời gian nhận được chúng. Sai lệch về thời gian cho biết máy thu GPS ở cách vệ tinh bao xa. Rồi với nhiều quãng cách đo được tới nhiều vệ tinh máy thu có thể tính được vị trí của người dùng và hiển thị lên bản đồ điện tử của máy.
Máy thu phải nhận được tín hiệu của ít nhất ba vệ tinh để tính ra vị trí hai chiều (kinh độ và vĩ độ) và để theo dõi được chuyển động. Khi nhận được tín hiệu của ít nhất 4 vệ tinh thì máy thu có thể tính được vị trí ba chiều (kinh độ, vĩ độ và độ cao). Một khi vị trí người dùng đã tính được thì máy thu GPS có thể tính các thông tin khác, như tốc độ, hướng chuyển động, bám sát di chuyển, khoảng hành trình, quãng cách tới điểm đến, thời gian Mặt Trời mọc, lặn và nhiều thứ khác nữa.
Theo Dân Việt