Lạ lùng cổ đông đa số Việt Nam “chịu điều chỉnh” của cổ đông thiểu số Trung Quốc

VietTimes -- Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng để xử lý bất hợp lý tại dự án liên doanh khai thác mỏ sắt Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai thuộc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung - một trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương.

 

Mới đi vào hoạt động từ năm 2014, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung đã lỗ rất nặng. Ảnh: Internet
Mới đi vào hoạt động từ năm 2014, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung đã lỗ rất nặng. Ảnh: Internet

Theo đó,  Phó thủ tướng giao Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành đàm phán lại theo hướng sửa đổi hợp đồng liên doanh với đối tác Trung Quốc để phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2015.

Phó thủ tướng yêu cầu việc sửa đổi này bao gồm cả tính tới bổ sung các cổ đông có năng lực, cũng như sự tham gia góp vốn của các cổ đông Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung.

Sau khi đàm phán lại, chủ đầu tư phải hoàn chỉnh lại dự án và trình cấp có thẩm quyền trong quý II/2017.

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan liên quan "kiểm soát chặt chẽ khối lượng quặng xuất khẩu, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tránh gian lận thương mại".

Được biết Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) là doanh nghiệp được thành lập năm 2006.

Đây là liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), Công ty Khoáng sản Lào Cai (LAMICO) và Công ty TNHH Khống chế cổ phần Gang thép Côn Minh (Trung Quốc).

Trong đó, các bên phía Việt Nam góp hơn 55,7 triệu USD (55%), phía Trung Quốc góp 45,5 triệu USD.

Mục tiêu thành lập liên doanh là để triển khai dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai có tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng.

Theo hợp đồng liên doanh, các khoản đầu tư nội bộ có giá trị lớn hơn 100.000 USD của VTM đều phải có sự đồng ý của 100% thành viên HĐQT gồm cả đại diện phía Việt Nam và Trung Quốc.

Do "thỏa thuận" này, mà dù nắm quá bán vốn góp vào liên doanh, thì phía Việt Nam vẫn phụ thuộc và chịu chi phối của phía Trung Quốc trong điều hành dự án. 

Chưa rõ tác động của "mô hình" quản trị này thế nào tới nội bộ của liên doanh, nhưng về kết quả hoạt động, liên doanh đã lỗ lũy kế đến hết năm 2016 là khoảng 1.077 tỷ đồng. Đặc biệt là phải bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất. 

Do mức lỗ quá lớn và những bất đồng trong quản lý, dự án đã rơi vào danh sách 12 dự án của Bộ Công thương phải chịu giám sát đặc biệt.