Ngày 2/6, hệ thống HarmonyOS của Huawei đã chính thức được phát hành, và dòng Mate40 dẫn đầu bản cập nhật.
Các công ty Trung Quốc vẫn luôn phụ thuộc vào các hệ điều hành nước ngoài, kể cả là tập đoàn công nghệ khổng lồ như Huawei, Xiaomi. Liệu thời đại của gã khổng lồ Google dựa vào độc quyền để kiếm tiền có thể kết thúc khi hệ điều hành "cây nhà lá vườn" của Trung Quốc chính thức ra đời?
Do các bằng sáng chế 5G, các nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc phải trả cho Qualcomm từ 15 USD đến 24 USD cho mỗi điện thoại di động được bán ra với giá 470 USD.
Điều này cũng đúng với các hệ điều hành. Theo số liệu của tổ chức nghiên cứu SensorTower, chỉ trong nửa đầu năm ngoái, chi tiêu của người dùng toàn cầu cho Android GooglePlay và Apple AppStore đạt 50,1 tỉ USD, trong đó Android chiếm 17,3 tỉ USD và Apple thu về 32,8 tỉ USD.
Trong số tất cả các loại ứng dụng, ứng dụng trò chơi có khả năng hút tiền mạnh nhất nhưng cũng mất nhiều phí nhất. Ông chủ của gã khồng lồ làng game online NetEase - Ding Lei đã công khai rằng 50% các kênh Android tại Trung Quốc thu phí đắt nhất trên thế giới và riêng phí sản phẩm riêng lẻ của NetEase chiếm khoảng 30%. "Nhưng tôi nghĩ rằng hệ sinh thái chia sẻ như vậy hiện tại là không lành mạnh".
Sự thống trị của iOS và Android
Ngày nay, thị trường smartphone gần như chỉ là sân chơi cho hai hệ điều hành là iOS của Apple và Android của Google.
Theo số liệu của StatCounter, từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2021, Android chiếm 72,2% thị phần hệ điều hành di động, iOS chiếm 26,99%, và các hệ điều hành khác chỉ chiếm dưới 1% thị phần.
Cách đây vài năm, khi hệ điều hành di động còn có Windows Phone, BlackBerry Os và WebOS, mọi hệ điều hành đều cố gắng tỏ ra mình ưu việt hơn, chạy trên nhiều thiết bị hơn. Nhưng tất cả đã thất bại và mọi nhà sản xuất đều chuyển sang Android. Thậm chí mạnh như Samsung cũng phải từ bỏ kế hoạch phát triển hệ điều hành Tizen.
Trong khi đó, hệ thống iOS của Apple chủ yếu được sử dụng trong điện thoại di động của chính Apple và không mở cửa cho các bên thứ 3. Do đó, hệ thống Android của Google đã trở thành "đầu nguồn" cho điện thoại di động Trung Quốc. Hệ điều hành nội địa: hoặc hoạt động cho Android hoặc thách thức Android.
Có rất nhiều hệ điều hành tại Trung Quốc hoạt động với Android, chỉ có hai hệ điều hành nội địa thách thức Android: một là Alibaba Cloud OS, hai là HarmonyOS, đã chính thức được cài đặt trên điện thoại thông minh vào ngày 2/6.
Về Alibaba Cloud OS, Jack Ma từng nói trong một bài phát biểu: "Khi bạn cài đặt hệ điều hành trên điện thoại, chỉ có 20% cuộc gọi được sử dụng. Ngày nay, 80% thời gian, điện thoại không được sử dụng để thực hiện cuộc gọi. Hãy tưởng tượng nếu chúng ta cài đặt hệ điều hành trên ô tô, hoặc nếu chúng ta lắp hệ điều hành vào đèn, tủ lạnh hay máy giặt, thế giới sẽ thay đổi".
Theo dòng suy nghĩ này, Alibaba Cloud OS đã nâng cấp từ lĩnh vực điện thoại di động lên IoT (Internet vạn vật - Internet of Things), trở thành một hệ điều hành IoT được phát triển cho ô tô, thiết bị đầu cuối IoT, chip IoT và các lĩnh vực công nghiệp.
Tuy nhiên, Alibaba Cloud OS nhanh chóng thu hút các đối thủ, vì khả năng tương thích với ứng dụng của Android, nó đã bị Google chèn ép và bị chặn vào năm 2012. Wang Jian, Viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và là người sáng lập Alibaba Cloud, từng thừa nhận trong các ấn phẩm nội bộ của Alibaba rằng "Hệ điều hành đám mây Alibaba Cloud OS đã đe dọa đến miếng pho mát của Google".
Dưới sự "bao vây và đàn áp" của "lãnh chúa" Google, Alibaba Cloud OS lao đao vì bị cô lập và bất lực. Với tư cách là "người tiên phong" hệ điều hành tại Trung Quốc, Alibaba Cloud OS đã thi đấu mạnh mẽ nhưng thua ê chề, "sự ấm ức vẫn còn đó" và nhen nhóm ý tưởng cho những người đi sau.
Cơ hội nào cho HarmonyOS
Harmony OS cũng đang trên đà phát triển của IoT, theo cách nói của giới truyền thông, tính năng IoT của HarmonyOS là điểm yếu lớn nhất của hệ điều hành Android.
Hiện tại, hệ thống Android được sử dụng rộng rãi trên điện thoại di động, TV, dàn âm thanh và các thiết bị đầu cuối khác, nhưng các thiết bị này chỉ có thể được kết nối đơn giản.
Ngược lại, tầm nhìn trong tương lai của HarmonyOS là khả năng kết nối sâu giữa các thiết bị để tạo thành một "siêu thiết bị". Theo kế hoạch của Huawei, với các thiết bị Harmony khác nhau trong tương lai, trải nghiệm người dùng sẽ mượt mà hơn.
HarmonyOS sẽ chạy trên tất cả các loại thiết bị, bao gồm smartphone, thiết bị đeo, Smart TV… mà theo Huawei, nó có thể chạy trên các thiết bị có RAM ít nhất là 128 KB, có nghĩa hầu hết thiết bị thông minh đều có thể chạy trên nền tảng này.
Ảnh: Android Authority |
Mặc dù vậy, Android và Apple đã kiểm soát hơn 99% thị phần. Làm thế nào để Huawei Harmony nhanh chóng phản công và chiếm thêm thị trường là bài toán nan giải.
Trước đó, Yang Haisong, Phó chủ tịch bộ phận kinh doanh tiêu dùng AI của Huawei đã thẳng thắn nói: "Đối với các nền tảng cơ bản như hệ điều hành, việc sử dụng phần mềm và thị phần là những yếu tố cốt lõi để nó có thể tồn tại và thành công. Và 16% thị phần là một ranh giới sinh tử".
Thị phần 16% có nghĩa là Huawei sẽ có được 300 triệu thiết bị đầu cuối. Theo các phương tiện truyền thông, có thể khẳng định rằng 120 triệu người dùng Huawei có thể hỗ trợ hệ điều hành Harmony, đồng thời Huawei dự đoán đến cuối năm 2021 sẽ có 300 triệu thiết bị được trang bị hệ điều hành Harmony, trong đó hơn 200 triệu các thiết bị của Huawei sẽ có sẵn cho bên thứ 3. Số lượng thiết bị đầu cuối khác nhau của các đối tác vượt 100 triệu.
Để đạt được mục tiêu này, Huawei đang phát động một cuộc tấn công toàn diện.
Báo cáo Nghiên cứu Everbright của Trung Quốc cho thấy tính đến ngày 21/5/2021, hệ sinh thái Harmony OS đã tạo dựng hơn 1.000 đối tác phần cứng thông minh, bao gồm Midea, Joyoung, Boss Electronics, Runhe Software và Zhongke Chuangda. Hãng cũng cung cấp giải pháp chip cho các đối tác, bao gồm các đối tác trong lĩnh vực gia đình, du lịch, giáo dục, văn phòng, thể thao và sức khỏe, chính phủ và doanh nghiệp, giải trí âm thanh và video.
Hiện tại, Huawei cũng đang liên lạc và hợp tác với các nhà phát triển ứng dụng trên thế giới, với hy vọng mang đến cho họ trải nghiệm thiết bị mới.
Rõ ràng, HarmonyOS đang phải đối mặt với một "trận chiến cam go". Liệu nó có thể phá vỡ thế độc quyền của Android và hiện thực hóa quyền tự chủ hoàn toàn của hệ điều hành trong nước hay không là cả một chặng đường dài!
Theo Zhihu