Góp phần không nhỏ vào tăng trưởng GDP cả nước
Trong các báo cáo nghiên cứu đánh giá của những tổ chức lớn trên thế giới như Ngân hàng thế giới, Liên minh viễn thông thế giới (ITU), đều đưa ra kết luận: Nếu mật độ người dùng băng rộng tăng 10% sẽ kéo theo GDP tăng trưởng trung bình khoảng 1%. Tất nhiên đây là mức tăng trưởng trung bình, còn cụ thể ở mỗi quốc gia sẽ có sự chênh lệch, ví dụ như trong báo cáo gần đây của World Bank thì con số này dao động trong khoảng từ 0,9% - 1,5%.
Tất nhiên, đây là đánh giá chung đối với cả lĩnh vực băng rộng, bao gồm cả băng rộng cố định và băng rộng di động. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu rằng trong bối cảnh hiện nay, sự gia tăng mật độ người dùng băng rộng chủ yếu là do băng rộng di động, mà 4G đang là tâm điểm bởi băng rộng di động đang là công cụ, phương thức chủ yếu các nhà cung cấp dịch vụ sử dụng để mở rộng vùng phủ sóng.
Theo báo cáo được Google công bố hồi tháng 7 vừa qua, internet di động đã đóng góp vào GDP của Việt Nam khoảng 3,7 tỷ USD trong giai đoạn từ 2010 - 2015. Mức đóng góp vào GDP còn cao hơn cả đóng góp của các dịch vụ tài chính, Xây dựng, Giao thông…
Dự báo trong vòng 5 năm tới internet di động tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, gần như song song với tốc độ tăng trưởng trung bình của cả khu vực. Mức thâm nhập internet di động vào năm 2020 ước tính sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay - vào khoảng gần 80% tổng dân số cả nước. Với việc đại đa số người dân tiếp cận với internet di động, lĩnh vực này sẽ đóng góp khoảng 5,1 tỷ USD vào GDP. Sự gia tăng trong nguồn ngân thu ngân sách sẽ giúp tăng cơ hội đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng trong xã hội. Ví dụ với số tiền 5,1 tỷ USD vừa đề cập, đủ để xây dựng hơn 860 km đường cao tốc hai làn mới, triển khai các chương trình tiêm chủng thường xuyên trong suốt 20 năm hoặc hỗ trợ giáo dục tiểu học cho hơn 100.000 trẻ em.
Vậy băng rộng nói chung và 4G nói riêng đã đóng góp vào tăng trưởng GDP như thế nào? Thực tế thì băng rộng di động có tác động tới rất nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau. Một ví dụ đơn giản có thể thấy là với việc cung cấp các kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp của mình, 4G mở ra cơ hội tiếp cận với internet nhanh hơn, nhiều hơn, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn với cơ hội hợp tác, tìm kiếm thị trường. Từ cách đây 10 năm, đã có số liệu cho thấy những doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận với internet thường có doanh số xuất khẩu cao hơn khoảng 6% so với các doanh nghiệp ít tiếp cận internet. Con số này hiện chắc sẽ còn cao hơn nữa bởi internet đang là một trong những nơi chủ yếu để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường.
Hay một ví dụ khác, với sự hỗ trợ của các kết nối cực nhanh, mọi lúc mọi nơi, 4G góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất lao động của người dân, xã hội. Thực tế đơn giản nhất có thể thấy chính là việc mọi người có thể xử lý công việc ngay trên thiết bị cầm tay cá nhân (check mai, xử lý công việc, kết nối tới hệ thống thông tin nội bộ…) mọi lúc mọi nơi nhờ internet di động.
Tạo thêm nhiều công ăn việc làm
Ở một khía cạnh khác, việc mở rộng đầu tư, triển khai 4G đầu tiên sẽ gia tăng nhu cầu về việc làm trong lĩnh vực viễn thông, từ các hãng cung cấp thiết bị, giải pháp tới các nhà mạng đầu tư.
Hạ tầng mạng băng rộng di động, đặc biệt là 4G với năng lực mạng lưới và tốc độ kết nối được mở rộng nhiều lần so với các thế hệ mạng di động trước đó sẽ là nền tảng để phát triển các dịch vụ viễn thông mới, ví dụ như thương mại điện tử, game online, game thực tế ảo, truyền hình trực tuyến, video HD…. Thế giới cũng đã công nhận rằng, 4G cũng sẽ là nền tảng để triển khai các dịch vụ mới trong nhiều lĩnh vực khác như: y tế trực tuyến, giáo dục trực tuyến, giao thông thông minh…Một kết quả tất yếu dẫn tới đó chính là gia tăng nhu cầu về nhân lực để phát triển các dịch vụ này.
Theo Goolge, trong vòng 5 năm qua, internet di động đã thúc đẩy GDP của các nước trong khối ASEAN tăng thêm 47,2 tỷ USD và tạo ra 900.000 công việc. Dự báo trong 5 năm tới (2016 - 2020), internet di động tiếp tục đóng góp vào GDP khoảng 58,1 tỷ USD. Riêng tại Việt Nam, trong vòng 5 năm qua, internet di động đã tạo ra gần 140 việc làm và dự báo con số này trong vòng 5 năm tới sẽ là gần 146.000 việc làm.
Tính tới thời điểm hiện tại cả ba nhà mạng lớn đều đã nhận được giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ 4G. Cả ba đều cho biết kế hoạch sẽ nhanh chóng phủ sóng 4G rộng khắp cả nước ngay trong năm sau. Với tốc độ dịch vụ cao gấp nhiều lần so với 3G trong khi đơn giá dữ liệu rẻ hơn cả 3G, 4G hứa hẹn sẽ trở thành tác nhân khiến mật độ người dùng băng rộng di động tại Việt Nam tăng nhanh, trở thành một thành phần đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế xã hội.
Theo Xã hội thông tin