Thương mại điện tử đang bùng nổ ở một số quốc gia thành viên ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Singapore, Philippines và Việt Nam. Vào năm 2016, một báo cáo của Quỹ Singapore Temasek và chương trình thương mại điện tử của Google với tựa đề “Lĩnh vực thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á” cho biết, thương mại điện tử của ASEAN sẽ tăng lên 8,78 tỷ USD vào năm 2025. Một phần của thương mại điện tử là doanh số bán lẻ cũng sẽ tăng lên 6,4% vào năm 2025 trong khi năm 2015, chỉ ở mức 0,8%.
Internet mang đến sự tiện lợi và hiệu quả cao. Sự tương tác giữa những người bán và khách hàng có thể xảy ra ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Điều đó thúc đẩy các doanh nghiệp bán lẻ của ASEAN quan tâm đến bán hàng trực tuyến, xây dựng trang web, phát triển cộng đồng mua sắm trực tuyến và kéo các phương tiện truyền thông vào cuộc để xây dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử cũng xuất hiện những nghịch lý đi kèm. Một số công ty thương mại điện tử trong ASEAN đang bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của các thị trường chợ truyền thống đối với khách hàng.
Tiên phong trong lĩnh vực này là Zalora - nhà bán lẻ thời trang trực tuyến duy nhất của Singapore cung cấp chỉ một phương thức thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng. Sáng kiến đó là một ví dụ về cách các doanh nghiệp đang nỗ lực tạo ra một diễn đàn mua sắm trực tuyến và không trực tuyến được nối liền với nhau, không làm cho chúng loại trừ nhau.
Sự phát triển của internet cũng đã tạo ra mô hình mới trong tiếp nhận thông tin. Ở các bản in trên giấy, thông tin thường dài dòng, phức tạp, tập trung vào các tính năng chuyên sâu, trong khi thông tin trên internet thường ngắn gọn với những hình ảnh minh họa sống động, sắc nét hơn.
Đó là lý do tại sao các yếu tố thị giác, như hình ảnh minh họa, được tập trung tối đa để thông tin hấp dẫn và khắc sâu trong tâm trí người tiêu dùng. Có thể coi đây là một xu hướng trong thế giới kỹ thuật số, đòi hỏi các nhà sản xuất cần phải tận dụng để đạt được những thành quả cao hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào việc trau chuốt hình ảnh sản phẩm của mình (hình ảnh, âm thanh, thiết kế…) mà thiếu quan tâm chăm sóc, tạo dựng tình cảm với khách hàng.
Nội dung kỹ thuật số chỉ góp phần tô điểm thêm cho sản phẩm, còn cốt lõi vẫn là chất lượng, giá thành sản phẩm. Ví dụ, các nhà sản xuất chương trình quảng cáo trên YouTube phải thiết kế một thông tin trung thực, không “tô hồng” sản phẩm để thu hút sự chú ý của khán giả trong 5 giây đầu tiên.
Số hóa cho phép tương tác giữa các sản phẩm công nghệ khác nhau. Dữ liệu trên điện thoại di động có thể được chuyển giao cho các sản phẩm công nghệ khác dưới dạng hướng dẫn sản xuất. Đây được gọi là Internet of Things (IOT) hoặc Machine-to-Machine (M2M). Một loạt các thiết bị mới được tung ra thị trường trong những năm vừa qua, đáng chú ý là các thiết bị như Samsung Gear và LG Lifeband có khả năng kết nối, cảm biến cho phép khách hàng tiếp cận một phong cách sống thông minh, hiệu quả và thuận tiện hơn.
Tập đoàn Samsung Electronics đã thông báo rằng 90% các sản phẩm của mình - tất cả mọi thứ từ điện thoại thông minh đến tủ lạnh… sẽ có kết nối với các trang web vào năm 2017 này.
Mỗi doanh nghiệp nếu quản lý tốt những nghịch lý trên và tận dụng được tính ưu việt của công nghệ kỹ thuật số có thể giành được chiến thắng trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt nhằm tạo dựng uy tín với khách hàng, vốn có nhiều thông tin nhờ sử dụng các thành tựu công nghệ.
Theo daibieunhandan.vn