Trong lịch sử phát triển công nghệ và công nghiệp, nhân loại chứng kiến 3 cuộc cách mạng công nghiệp từ cuối thế kỷ XVIII với phát minh động cơ hơi nước, cuối thế kỷ XIX với năng lượng điện, cuối thế kỷ XX với vai trò của điện tử, công nghệ thông tin và sản xuất tự động. Thời gian gần đây, trên toàn thế giới đang sôi sục không khí khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trí tuệ ảo, kỷ nguyên số và sự phát triển bùng nổ của các công nghệ liên ngành, đa ngành, xuyên ngành. Cuộc cách mạng này được đánh giá sẽ làm lu mờ ranh giới của các lĩnh vực nghiên cứu đơn ngành truyền thống, như vật lý, kỹ thuật số và sinh học.
Trước làn sóng đó, Diễn đàn cấp cao CNTT – TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2016), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá nhân loại đang đứng trước cuộc cách mạng được dự báo sẽ thay đổi cơ bản cách thức chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau. Hàng loạt công nghệ mới mang tính đột phá đang xóa đi những ranh giới truyền thống của không gian vật lý, không gian sinh học, tạo tiền đề cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số và xã hội thông tin sẽ làm biến đổi sâu sắc, nhanh chóng các hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội và nền kinh tế toàn cầu; tác động mạnh mẽ, toàn diện lên mọi mặt đời sống của con người, từ hoạt động sản xuất đến lối sống, sinh hoạt, văn hóa ở tất cả các góc độ từ phạm vi toàn cầu đến mỗi quốc gia, từng tổ chức và từng cá nhân.
Ông cho rằng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia; Phát triển hạ tầng CNTT; Xu hướng Internet kết nối vạn vật và thành phố thông minh; Phát triển nguồn nhân lực là những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu và phát triển hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực được xác định là giải pháp đột phá.
Trở về sau chuyến tháp tùng Thủ tướng tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 47 (World Economic Forum - WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, trên trang tin nội bộ của tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT đã có bài viết “Trái ngọt từ Davos”.
VietTimes xin giới thiệu đến độc giả bài viết này như là một góc nhìn từ đại diện lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đối với làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư:
"Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề “Thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” được đưa ra thảo luận ngay trong ngày đầu tiên của WEF tại Davos. Lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Infosys, Salesforce, General Motors… cùng ngồi với nhau đề trả lời một câu hỏi chung: “Làm thế nào để xã hội của chúng ta có thể vượt qua giai đoạn khi mà thời đại trực tuyến, trí tuệ nhân tạo và sự tự động hóa đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống”.
Có thể nói cả thế giới, không chỉ các các tập đoàn công nghệ mà cả những tập đoàn lớn trong hầu hết lĩnh vực đều đang nói về IoT, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo. Một số dữ liệu thống kê cho thấy, các công ty “bậc thầy” về công nghệ vượt trội hơn 9% về doanh thu; 26% về khả năng thu lợi và 12% về giá trị thị trường so với các doanh nghiệp khác.
Cuộc các mạng số sẽ khiến các doanh nghiệp trở thành những doanh nghiệp theo thời gian thực (real - time enterprise), tức là chuyển đổi số (digital transformation) cho phép các doanh nghiệp tự động hóa các quy trình xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống và có thể đưa ra phản ứng cần thiết ngay tức thì kể cả trong việc quản trị, đáp ứng nhu cầu khách hàng lẫn đưa ra các mô hình kinh doanh mới.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được coi là cơ hội của những nước đi sau như Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng và đang thích ứng nhanh chóng với sự phát triển của nền kinh tế số và những thay đổi như vũ bão mà cuộc cuộc mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.
Cuộc cách mạng này có thể đổi thay toàn bộ: có những doanh nghiệp sẽ biến mất và có những doanh nghiệp với mô hình kinh doanh mới sẽ xuất hiện. Áp lực việc làm sẽ ngày càng lớn: tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ gia tăng khi máy móc dần thay thế con người trong một số lĩnh vực công việc.
Trong cuộc cách mạng số, mọi tổ chức, doanh nghiệp sẽ trở thành tổ chức số, doanh nghiệp số; mọi lãnh đạo trở thành lãnh đạo số, ngân sách trở thành ngân sách số, mỗi công dân đều có thể trở thành một doanh nghiệp số.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng, tỉnh táo trước những thay đổi của cuộc cách mạng công nhiệp lần thứ 4. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam cần liên tục cập nhật các xu hướng công nghệ mới, hoặc bắt tay với các công ty công nghệ lớn để không bị lạc hậu.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt người lao động trước nguy cơ lớn bị may móc và trí thuệ nhân tạo thay thế. Do vậy, lãnh đạo doanh nghiệp cần tăng cường đào tạo, cung cấp cho nhân viên các kỹ năng cần thiết để ứng phó với làn sóng thay đổi đang tới.
FPT sẽ dựa trên nền tảng nghiên cứu và phát triển các công nghệ cốt lõi như IoT, Mobile, Big Data, Trí tuệ nhân tạo… để nắm bắt các cơ hội từ cuộc cách mạng số theo hai hướng. Một là đẩy mạnh chuyển đổi số cho doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam và trên toàn cầu. Hai là thực hiện chuyển đổi số trong nội bộ tập đoàn.
FPT cũng là một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong và đang chuẩn bị tích cực để thích ứng với guồng quay của cuộc các mạng công nghệ số. Hiện, FPT đồng hành cùng các doanh nghiệp sở hữu công nghệ nền về IoT, IIoT để tạo ra các dịch vụ/giải pháp mới giúp các tập đoàn hàng đầu trên thế giới thay đổi phương thức hoạt động, mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số.
Cụ thể, FPT hiện là đối tác khu vực của GE, từ tập đoàn công nghiệp hàng đầu với lịch sử 120 năm, trong lĩnh vực công nghiệp IoT (Industrial Internet of Things). FPT cũng nhận được chứng nhận đặc biệt từ AWS, chứng nhận dành riêng cho công ty có 200 chứng chỉ AWS trở lên, thể hiện sự phát triển và năng lực vượt trội của FPT về công nghệ của AWS.
WEF là diễn đàn có giá trị thực sự đối với các doanh nghiệp tham gia như FPT. Bên lề WEF năm nay, FPT đã có hơn 50 cuộc gặp song phương với những người đang dẫn dắt những cuộc chơi công nghệ và kinh doanh. Sau WEF, FPT cũng đã có những hợp tác thực sự với những đại gia lớn trên thế giới.
Tại Davos năm nay, FPT đã có những lời hứa hẹn về sự hợp tác về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… với những tên tuổi hàng đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thương mại điện tử, năng lượng, sản xuất máy bay, tài chính ngân hàng, bảo hiểm… Chẳng hạn như: hỗ trợ IBM trong việc xây dựng và mở rộng mô hình nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo, lập trình tự động trong tương lai; hợp tác với Microsoft về trí tuệ nhân tạo; hợp tác với GE Renewable Energy về giải pháp kỹ thuật số hóa…
Trương Gia Bình"