Thiên thạch mang iridi tới Trái Đất khiến khủng long tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm. Ảnh: Science Photo Library. |
Kết quả thí nghiệm cho thấy iridi xâm nhập vào nhân tế bào ung thư bằng cách bám vào protein albumin trong máu, hứa hẹn cách mạng hóa phương pháp điều trị những căn bệnh nguy hiểm nhất. Iridi chỉ trở nên độc hại khi tiếp xúc với ánh sáng theo liệu pháp quang động. Liệu pháp này kích hoạt kim loại tiêu diệt tế bào thông qua quá trình oxy hóa, trong đó oxy của chính tế bào mang bệnh được biến đổi thành dạng gây chết người. Trong khi đó, các mô khỏe mạnh không bị ảnh hưởng.
"Thật thú vị khi protein lớn này có thể xâm nhập vào tế bào ung thư và mang theo kim loại iridi tiêu diệt có chọn lọc khi kích hoạt bằng ánh sáng khả kiến. Nếu công nghệ này có thể ứng dụng lâm sàng, nó sẽ rất hiệu quả đối với những dạng ung thư khó chữa và giảm bớt tác dụng phụ của hóa trị liệu", giáo sư Peter Sadler ở khoa hóa học tại Đại học Warwick, Anh, cho biết. Theo giáo sư Sadler, bước tiếp theo là thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật.
Nhóm nghiên cứu quốc tế của giáo sư Sadler sử dụng một lớp phủ hữu cơ đặc biệt để gắn chặt iridi vào albumin, khiến protein này phát sáng. Với kính hiển vi cực mạnh, họ theo dõi đường đi của albumin vào các khối u ung thư phổi nuôi trong phòng thí nghiệm và phát hiện nó phá hủy khối u.
Liệu pháp quang động dựa trên hợp chất hóa học có tên chất nhạy sáng sinh ra các dạng oxy hóa khi kích hoạt bằng laser. Liệu pháp này đang được sử dụng để chữa trị nhiều dạng ung thư như ung thư da, ung thư vú và ung thư phổ. Khi chất nhạy sáng tiếp xúc với một bước sóng ánh sáng đặc biệt, nó tạo ra dạng oxy có thể tiêu diệt những tế bào gần đó. Bác sĩ nhắm vào tế bào ung thư cần tấn công bằng cách sử dụng sợi quang học mang theo tín hiệu ánh sáng.
Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Angewandte Chemie International Edition phát hiện hợp chất chứa iridi là chất nhạy sáng tuyệt vời. Hơn nữa, albumin có thể đưa nó vào trong nhân của tế bào ung thư, nơi chứa tất cả vật liệu di truyền. Iridi có thể được kích hoạt nhờ ánh sáng laser đỏ, cho phép phá hủy tế bào ung thư từ bên trong. Kỹ thuật laser tiêu diệt khối u với độ chuẩn xác cao hơn nhiều so với xạ trị và hóa trị.
Iridi tồn tại ở miệng hố Chicxulub tại bán đảo Yucatan cách đây 66 triệu năm khi thiên thạch rộng 11 km giết chết 70% sinh vật sống, bao gồm khủng long. Giáo sư Sadler cho rằng kim loại quý hiếm như iridi có thể giúp chống lại tình trạng kháng thuốc.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/khoa-hoc/kim-loai-quy-ngoai-hanh-tinh-co-the-tieu-diet-te-bao-ung-thu-3878145.html