Bác sĩ chăm sóc cho các bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp và cúm (Ảnh: Phạm Quý)
|
Tuy bệnh có khả năng lây nhiễm cao, song, nếu cơ thể khỏe mạnh, không có bệnh mãn tính thì bệnh cúm sẽ tự khỏi chỉ sau vài ngày. Người dân mắc bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, chữa triệu chứng theo tư vấn của bác sĩ, khi sốt cao có thể uống thuốc hạ sốt, thuốc ho, ăn uống đủ chất.
Về việc sử dụng thuốc trị cúm Tamiflu, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Tamiflu là thuốc kháng virus, chỉ có tác dụng trong 2 ngày đầu bệnh nhân mắc cúm. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ kê đơn thuốc cho bệnh nhân chắc chắn đã mắc bệnh cúm, tiên lượng nặng, có thể có biến chứng, lúc đó Tamiflu mới có tác dụng”.
Thuốc Tamiflu chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
|
Nếu những người không được chỉ định mà tự ý mua, sử dụng Tamiflu, thì việc sử dụng thuốc sẽ không có hiệu quả, không cho tác dụng điều trị bệnh như mong muốn, tốn kém tiền bạc không cần thiết.
Bên cạnh đó, Tamiflu là một loại thuốc hóa học nên khi sử dụng không đúng chỉ định sẽ có tác dụng phụ, ví dụ nôn, đau đầu, gây ảnh hướng tới thần kinh… Nếu sử dụng thuốc nhiều lần, virus trở nên “nhờn”, kháng thuốc.
Ngoài ra, Tamiflu là thuốc chỉ sử dụng để điều trị bệnh cúm nên các cơ sở kinh doanh thuốc với số lượng có hạn. Khi nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao khiến cho thuốc trở nên khan hiếm, thuốc sẽ bị “đội” giá lên hàng chục lần, thậm chí không có đủ thuốc để sử dụng.
Bác sĩ Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir, là thuốc kê đơn, yêu cầu có chỉ định của bác sĩ. Thuốc chỉ dành cho nhóm người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi... Vì vậy, bác sĩ Trần Minh Điển khuyên người dân không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm mà nên đến khám bác sĩ để được tư vấn điều trị đúng bệnh.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm thường có diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Đối với một số đối tượng đặc biệt gồm: trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng. Vì vậy, để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân chủ động đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Bên cạnh đó, người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng cúm, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. |