Không thể bỏ giấy chuyển tuyến, nhưng phải sớm áp dụng giấy chuyển tuyến điện tử cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thủ tục hành chính máy móc, cả tiêu cực, khiến người bệnh gặp khó khăn khi chuyển tuyến. Nhưng nếu bỏ giấy chuyển tuyến, các BV tuyến Trung ương sẽ quá tải và vỡ quỹ BHYT. Thực tế đòi hỏi phải áp dụng giấy chuyển tuyến điện tử. 

Không thể bỏ giấy chuyển tuyến vì sẽ dẫn đến quá tải bệnh viện tuyến trung ương
Không thể bỏ giấy chuyển tuyến vì sẽ dẫn đến quá tải bệnh viện tuyến trung ương

Nhiều bất cập phát sinh

Theo quy định hiện nay, bệnh nhân điều trị ở bệnh viện (BV) tuyến dưới muốn chuyển lên tuyến trên phải xin giấy chuyển viện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã phát sinh nhiều bất cập: Quy định đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu còn máy móc, chưa thuận lợi cho người bệnh đi KCB. Thậm chí, có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh trong thủ tục chuyển tuyến, thậm chí phát sinh tiêu cực, có bệnh nhân nặng cần được chuyển tuyến trên nhưng giữ lại để tiếp tục điều trị, gây bức xúc cho người dân.

Nhưng thực tế thông tuyến huyện và tuyến tỉnh những năm gần đây đã làm tăng tỷ lệ chuyển tuyến, gây quá tải ở tuyến trên và giảm tỷ lệ KCB tại y tế cơ sở. Toàn quốc có gần 10 nghìn trạm y tế xã có KCB ban đầu nhưng năm 2022 giảm chỉ còn 14% lượt KCB bảo hiểm y tế (BHYT) và tăng số lượt KCB nội trú trái tuyến tại tuyến tỉnh…

Trong khi quỹ KCB BHYT mỗi năm chỉ có hơn 100 tỉ, nếu bệnh nhân nào cũng vượt tuyến, sẽ dẫn đến bội chi, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người bệnh khác.

Vì thế, bỏ giấy chuyển tuyến hay không trở thành một trong những vấn đề nóng của y tế trong kỳ họp Quốc hội vừa qua với những ý kiến trái chiều của chính người trong ngành y. Thực tế này đòi hỏi phải có sự thay đổi về công tác chuyển tuyến, để bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân, đồng thời, giữ ổn định hệ thống y tế và quỹ BHYT.

Đây cũng là một nội dung quan trọng trong Dự án Luật BHYT sửa đổi, vì thế, sáng nay, 1/12, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị “Đổi mới công tác đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT”.

Trang.jpeg
Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT: Trong điều kiện hiện nay, không thể bỏ quy định về chuyển tuyến, vì sẽ gây quá tải tuyến BV trung ương và xáo trộn cả hệ thống KCB (ảnh: Thái Bình)

Tại hội nghị, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - khẳng định trong điều kiện hiện nay, không thể bỏ quy định về chuyển tuyến, vì sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trung ương và xáo trộn cả hệ thống KCB, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối Quỹ BHYT. Việc quá tải có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh.

Ông Đào Nguyên Minh - Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Chỉ đạo tuyến Cục Quản lý KCB - cho hay kết quả tổng hợp ý kiến của các BV mới đây: 100% đơn vị tham gia thống nhất cần giữ giấy chuyển tuyến, vì đây là văn bản chuyên môn, giúp các BV trao đổi thông tin về tình trạng của người bệnh, biết được người bệnh đã làm các xét nghiệm, kỹ thuật cận lâm sàng hay dùng thuốc gì..., để tiết kiệm chi phí cho người bệnh và xã hội; duy trì sự ổn định của hệ thống KCB và quỹ BHYT.

Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, sẽ gây tình trạng quá tải BV tuyến trên, trong khi tuyến dưới sẽ giảm khả năng tiếp cận và phát triển chuyên môn; cơ sở y tế sẽ khó quản lý được chi phí KCB.

Ông Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc BV Bạch Mai - cho rằng mô hình KCB BHYT như hiện nay rất quan trọng, đảm bảo việc phát triển bền vững của hệ thống y tế.

Theo ông Giáp, các nước trên thế giới cũng đang triển khai mô hình này. Người bệnh sẽ đến khám trước tiên tại các cơ sở KCB ban đầu, hoặc các bác sĩ gia đình, để được phát hiện, đánh giá sơ bộ ban đầu về sức khoẻ. Từ đó, tuỳ theo mức độ bệnh, nếu vượt quá khả năng thì bệnh nhân sẽ được chuyển lên tuyến trên. Chỉ trường hợp cấp cứu thì không phân biệt tuyến.

Là đại diện đơn vị trực tiếp điều trị người bệnh, ông Vũ Văn Giáp nhấn mạnh: Nếu không duy trì mô hình KCB BHYT thì sẽ gây quá tải không cần thiết tại tuyến Trung ương, vì bệnh nhân sẽ lên thẳng tuyến Trung ương, gây tốn kém cho người bệnh từ chi phí di chuyển, thời gian, đến chi phí KCB khác không cần thiết…

Cần dùng giấy chuyển tuyến điện tử và đơn giản thủ tục

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khắc phục những bất cập trong giấy chuyển tuyến hiện nay để dung hoà được giữa quyền lợi của người bệnh, của cơ sở KCB và quỹ BHYT?

Bà Trang cho biết giải pháp của Bộ Y tế là triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho tuyến dưới. Các cơ sở KCB tuyến dưới có đủ năng lực, được đầu tư có thể triển khai kỹ thuật và sử dụng thuốc của tuyến trên. Kiến nghị Chính phủ cho phép sớm tính đủ giá dịch vụ y tế, có cơ chế tài chính đột phá và thu hút nhân lực chất lượng cho y tế cơ sở…..

Vụ trưởng Vụ BHYT cho rằng, cần áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc chuyển tuyến thuận tiện, nhanh chóng. Lập hồ sơ quản lý sức khoẻ người dân và mở rộng mô hình bác sỹ gia đình với cơ chế chuyển tuyến thuận tiện, phù hợp với tình trạng bệnh; mở rộng danh mục và thời gian cấp phát thuốc BHYT cho tuyến xã cho một số bệnh mãn tính, một số thuốc mới vv…

VT_ BHYT 1.jpg
Chỉ những ca bệnh nặng mới cần BV tuyến trung ương can thiệp, để đảm bảo chất lượng KCB cho người dân

Về trường hợp có người bệnh nặng, vượt quá năng lực của tuyến dưới mà cơ sở không cho chuyển đi, Bộ Y tế đang nghiên cứu: Quy định trách nhiệm của cơ sở KCB, nếu vì yêu cầu chuyên môn mà không chuyển, gây tai biến cho người bệnh, thì phải chịu trách nhiệm; Có tiêu chí cụ thể, trường hợp bệnh nặng như thế nào, đến mức nào… thì phải chuyển lên tuyến trên.

“Đặc biệt, việc số hóa, chuyển đổi số, tin học hóa trong quản lý sức khỏe người dân, cung cấp thông tin chuyển tuyến, danh mục kỹ thuật... để thuận tiện hơn trong chuyển tuyến, giảm tối đa phiền hà cho người bệnh. Trong Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Công an để ứng dụng giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại vào hệ thống VSSID. Người bệnh chỉ cần trình mã BHYT, mã chuyển tuyến… khi đến bất cứ cơ sở KCB tuyến trên nào là được tiếp nhận” - Bà Trang nhấn mạnh.

Theo ông Đào Nguyên Minh, lãnh đạo nhiều đơn vị y tế thống nhất cần chuyển đổi số giấy chuyển tuyến đi kèm các giải pháp chuyên môn kỹ thuật. Đề xuất Bộ Y tế tiếp tục tăng cường các hoạt động Chỉ đạo tuyến, BV vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế tuyến dưới.

Đặc biệt, đề xuất Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành để nâng cao chất lượng KCB đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đồng thời, cấm các hành vi gây khó khăn cho người dân trong việc làm các thủ tục chuyển tuyến, để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Các BV cũng đưa ra giải pháp cải cách thủ tục hành chính với việc áp dụng sổ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, giấy chuyển tuyến điện tử, đơn giản thủ tục, tránh gây phiền hà cho người bệnh.