Thông tin trên được đưa ra tại toạ đàm “Chính sách BHYT bổ sung trong dự án Luật BHYT sửa đổi, do Bộ Y tế tổ chức sáng nay, 10/10, tại Hà Nội.
Hiện thực hoá chủ trương của Đảng
Bà Trần Thị Trang - Q. Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - chia sẻ tại toạ đàm: Luật BHYT sửa đổi có 1 chính sách là BHYT thương mại liên kết với BHYT xã hội, gọi là BHYT bổ sung - một trong những nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành TW Đảng là: “Tăng cường liên kết, kết hợp giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại” và đảm bảo hội nhập quốc tế trong xây dựng hệ thống chính sách y tế.
Bà Trang cũng chia sẻ: Chính sách liên quan đến BHYT bổ sung là nội dung rất khó trong quá trình xây dựng Dự án Luật BHYT, khi nội dung liên kết giữa BHYT thương mại và BHYT xã hội, vấn đề sử dụng thông tin của các cơ sở KCB của người dân để phục vụ quyền lợi của người tham gia BHYT bổ sung, chưa được quy định.
Tọa đàm “Chính sách BHYT bổ sung trong dự án Luật BHYT sửa đổi" do Bộ Y tế tổ chức
“Luật BHYT là chính sách BHYT xã hội bắt buộc, do nhà nước thực hiện để bảo đảm CSSK toàn dân. Vì thế, chúng tôi nhấn mạnh rằng, BHYT bổ sung là chính sách dự kiến đề xuất liên kết giữa BHYT xã hội và BHYT thương mại, để người dân có thêm lựa chọn nếu có nhu cầu” - Bà Trang nhấn mạnh.
Q.Vụ trưởng Vụ BHYT lưu ý rằng, BHYT bổ sung do các cơ sở kinh doanh thực hiện nhưng có sự liên kết với BHYT. Những người tham gia BHYT bổ sung phải là tự nguyện và đã tham gia BHYT xã hội bắt buộc.
Hiện, các cơ sở kinh doanh BHYT thương mại mong muốn có sự phối hợp với BHXH Việt Nam để chia sẻ thông tin trong quá trình giám định và tận dụng các kết quả giám định BHYT để phục vụ tốt hơn quyền của người tham gia BHYT thương mại.
Cũng tại buổi toạ đàm, đại diện Vụ BHYT đã thông tin về dự kiến chính sách BHYT bổ sung: Người tham gia BHYT bổ sung sẽ được tích hợp thông tin trên thẻ BHYT xã hội khi đi KCB; phạm vi được hưởng BHYT bổ sung không trùng với phạm vi và mức hưởng của BHYT xã hội; được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn; được lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ theo yêu cầu.
Hiện nay, người dân mua BHYT thương mại phải khó khăn mới được cơ sở y tế cung cấp các chứng từ thanh toán BHYT thương mại, nhưng Luật BHYT sửa đổi quy định người tham gia BHYT bổ sung sẽ được cơ sở y tế cung cấp dữ liệu về tình trạng bệnh tật và chi phí sử dụng dịch vụ y tế. Tổ chức cung cấp BHYT bổ sung cũng được yêu cầu, sử dụng thông tin về dịch vụ y tế, chi phí KCB BHYT, giám định thanh toán BHYT để phục vụ việc chi trả quyền lợi cho người tham gia BHYT bổ sung.
Tuy nhiên, tổ chức BHYT bổ sung phải trả phí cung cấp thông tin cho cơ sở KCB, cơ quan BHXH.
Những tác động khi thực hiện BHYT thương mại
Thay mặt Bộ Tài chính nêu ý kiến tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hồng Chi - Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - cho rằng: Nếu quy định BHYT bổ sung tại dự thảo tại Luật BHYT, cần đảm bảo không chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Kinh doanh bảo hiểm, đồng thời, nghiên cứu, đánh giá khả năng liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội và BHYT thương mại. Làm rõ nội dung liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội và BHYT thương mại trong thiết kế sản phẩm, cung cấp và chia sẻ thông tin y tế, kết nối, chia sẻ dữ liệu, thông tin về giám định y tế để chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, TS. Nguyễn Khánh Phương đã phân tích tác động của chính sách BHYT bổ sung đối với người dân: Sẽ giảm mức chi tiền túi khi đi KCB BHYT khi hiện số tiền đồng chi trả khoảng 9% tổng chi phí KCB BHYT, là 11.728,8 tỷ đồng, đồng thời, tăng tiếp cận dịch vụ y tế và tăng chi từ hộ gia đình cho y tế do mua BHYT bổ sung. Bên cạnh đó, BHYT bổ sung sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe.
Phân tích tác động đối với cơ quan BHXH Việt Nam, bà Phương cho rằng, BHYT bổ sung dự kiến sẽ tăng số người tham gia BHYT; tăng thu từ phí đóng BHYT và phí cung cấp dữ liệu giám định BHYT. Bên cạnh đó, cũng sẽ tăng chi phí KCB BHYT do tăng sử dụng dịch vụ y tế khi được giảm gánh nặng đồng chi trả và tăng chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao, dịch vụ theo yêu cầu.
TS. Nguyễn Khánh Phương phân tích tác động của chính sách BHYT thương mại
Theo bà Phương, thực hiện BHYT bổ sung, Chính phủ sẽ huy động thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, tổng chi toàn xã hội cho y tế tăng lên cùng với những tổn thất kinh tế do trục lợi khi người tham BHYT bổ sung sẽ sử dụng dịch vụ đắt tiền không cần thiết và bác sỹ chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật đắt tiền. Doanh thu từ BHYT thương mại và BHYT bắt buộc đều tăng cùng với chất lượng nguồn nhân lực lao động được nâng cao.
TS. Nguyễn Khánh Phương cũng lưu ý về vấn đề công bằng khi thực hiện BHYT bổ sung: Việc tham gia BHYT bổ sung phụ thuộc khả năng chi trả, làm chênh lệch giữa các nhóm giàu nghèo, nghề nghiệp, vùng miền. Người chỉ tham gia BHYT xã hội sẽ chỉ được hưởng mức chi trả trong phạm vi quyền lợi cơ bản của BHYT bắt buộc, sẽ hạn chế tiếp cận và sử dụng dịch vụ, thuốc đắt tiền, gia tăng sự khác biệt về tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ CSSK.
Nhu cầu thực tế
Ông Alex, một đại diện đến từ Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề BHYT bổ sung: Mức độ tham gia của Chính phủ là chìa khóa thành công khi Chính phủ xây dựng nguyên tắc thực hiện BHYT bổ sung: Các gói quyền lợi, khoản phí BH, tỷ lệ tổn thất và người dân tin tưởng vào Chính phủ hơn các công ty BH tư nhân.
Bên cạnh đó, việc thiết kế các gói quyền lợi BHYT bổ sung cần theo sát đặc điểm của dân số địa phương. BHYT bổ sung nên tập trung cho các chi tiêu y tế lớn, như các bệnh lý đặc biệt nghiêm trọng hay bệnh hiếm nghèo.
Ông Alex cho rằng Việt Nam có thể tham khảo về BHYT bổ sung ở chỗ quyền lợi chi trả bao gồm nhiều phương thức, mỗi phương thức thiết kế như một gói quyền lợi riêng biệt.
TS. Lê Văn Khảm - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội - nhấn mạnh cần luật hoá việc công ty BHYT bổ sung được tiếp cận hồ sơ bệnh án, ở phạm vi nào. Chính phủ vẫn tiếp tục mở rộng BHYT xã hội cho người nghèo, từ các quỹ xã hội; thuế thuốc lá, rượu bia, còn BHYT bổ sung là mở rộng nguồn tài chính, như Đức, Pháp đã làm.
Ông Khảm nhấn mạnh: Việc liên kết BHYT xã hội và BHYT thương mại sẽ không cấm người có bệnh tham gia BHYT thương mại như hiện nay, và con cái có điều kiện lo cho bố mẹ.
Ông Nguyễn Quân - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) K - cho rằng thực tế ở BV cho thấy cần có nguồn tài chính mở rộng cho bệnh nhân nghèo, vì nhiều người bệnh rất khó khăn, nếu không có BHYT bổ sung thì không đủ khả năng chi trả, BV phải kêu gọi các tổ chức từ thiện hỗ trợ.
Đại diện BV Ung bướu Hà Nội cho biết hiện BHYT xã hội chỉ giải quyết 1 phần khó khăn trong gánh nặng ung thư của bệnh nhân, nên cần đa dạng hoá các gói BHYT cho người dân. Vấn đề quan trọng cần đặt ra là công tác sàng lọc, dự phòng, để tăng tỉ lệ phát hiện sớm tiền ung thư, từ đó, giảm tỷ lệ ung thư. Việc này, cần được BHYT chi trả.
“Các gói BHYT bổ sung sẽ tăng nguồn lực cho xã hội, để có thể chi trả cả phần miễn dịch mà hiện chưa chi, giúp giảm gánh nặng cho người dân. Nếu bệnh nhân có BHYT bổ sung thì bác sĩ cũng dễ dàng hơn trong điều trị” - Đại diện BV Ung bướu Hà Nội góp ý.