Có mặt tại Việt Nam nhân một hội thảo mới được tổ chức, GS Baker Edward ở Viện Havard – Yenching (Mỹ) cho biết, ngành khoa học xã hội và nhân văn thế giới đang đứng trước bước ngoặt sống còn. Các chuyển biến mang tính đột phá của khoa học tự nhiên và các ngành kỹ thuật khác đang thay đổi thế giới. Trong khi chức năng miêu tả, thấu hiểu, diễn dịch xu hướng đó lại còn nhiều khoảng cách. Nếu như có một cỗ máy thời gian - vị giáo sư này nhấn mạnh - tốc độ phát minh của các ngành khoa học tự nhiên, y khoa sẽ vụt qua cửa sổ với tốc độ số nhân. Trong khi các phát hiện, phương pháp, khám phá mới của các ngành khoa học xã hội, khoa học nhân văn vẫn... đủng đỉnh di chuyển với tốc độ số cộng cùng những tranh biện cũ kỹ từ nhiều năm về trước.
Có thể nói, những gì mà vị giáo sự này trăn trở đang diễn ra ngay tại các nước phát triển bởi khoa học công nghệ đang phát triển nhanh chóng từng ngày, từng giờ trong khi các khoa học xã hội và nhân văn chưa thực sự chủ động để thích ứng với guồng quay của thời đại công nghệ số. Riêng tại Việt Nam, việc các khoa học xã hội chưa bắt kịp với guồng quay của thời đại công nghệ số đang là một thực tế. Và nếu điểm mặt về những nghiên cứu khoa học xã hội với CNTT và Internet tại Việt Nam thì cũng chỉ có một số lượng chuyên gia tương đối khiêm tốn. Tất cả, suy cho cùng cũng không nên đáng trách riêng gì cộng đồng những người làm khoa học xã hội mà cần đặt trong một tổng thể chung. Theo TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), trong một xã hội phát triển thì bên cạnh những đầu tư rất lớn cho khoa học công nghệ thì cũng cần có những đầu tư có thể chỉ cần khiêm tốn hơn rất nhiều cho những khoa học xã hội liên quan trực tiếp đến các khoa học công nghệ đó. Chúng ta đã có hẳn một đề án vĩ đại được Chính phủ ban hành cuối năm 2010 nhằm đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT, song rất tiếc theo TS Khuất Thu Hồng, đề án này đã không chỉ ra được yếu tố xã hội học trong đó.
Còn theo TS Nguyễn Mạnh Cường – nguyên Trưởng ban Hợp tác Quốc tế của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nếu các khoa học xã hội được đầu tư nghiên cứu đúng hướng thì nó còn góp phần nâng tầm cho chính khoa học công nghệ. Điều này chính là thực tế bởi bản chất của việc xây dựng các chính sách về khoa học công nghệ chính là những công việc mang tính xã hội. Chính vì vậy, nên chăng các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học cùng các tổ chức xã hội về khoa học nên có những diễn đàn đối thoại giữa các nhà khoa học của cả hai giới khoa học công nghệ và khoa học xã hội. Chắc chắn, các nhà khoa học sẽ tìm được tiếng nói chung trong nhiều lĩnh vực mà trước hết là phải bàn đến vai trò của khoa học xã hội trong thời đại công nghệ số.