Hãy tưởng tượng chiến trường smartphone là một vùng biển với hàng trăm triệu cá nhỏ (người tiêu dùng) và một vài con cá mập (các nhà sản xuất). Bất kể là con cá mập nào đang thắng thế, nếu không có thêm cá nhỏ thì cuộc chiến sinh tồn cũng chỉ ngày một khắc nghiệt hơn mà thôi.
Rõ ràng là Xiaomi, Lenovo và các nhà sản xuất Trung Quốc khác đang cùng nhau chạy đua vào… ngõ cụt. Đừng để cho những mức doanh số "khủng" như 100 triệu máy của Huawei hay 50 triệu máy của OPPO đánh lừa bạn. Hãy nhớ rằng, cho đến tận năm 2012, Nokia vẫn nằm trong top các nhà sản xuất điện thoại di động (bao gồm cả điện thoại thông minh lẫn điện thoại "ngu), nhưng cái chết của công ty Phần Lan lúc này là không thể tránh khỏi: Nokia chỉ giành phần thắng trên thị trường điện thoại tính năng vốn sớm hay muộn cũng sẽ bị smartphone kết liễu. Trước đó vài năm, Motorola cũng khiến thế giới "phát cuồng" vì chiếc RAZR V3 nhưng rồi cũng sớm đi vào khủng hoảng khi không thể theo kịp smartphone Symbian của Nokia.
Thực tế là bài toán của các công ty Trung Quốc hiện tại không phải là không có lời giải. Một trong những giải pháp ai cũng có thể nghĩ tới là… phá giá mạnh mẽ hơn nữa, ví dụ như bán smartphone 100 đô hiện tại ở mức giá 50 USD chẳng hạn. Nhưng, nếu như phá giá mạnh hơn thì Xiaomi và các hãng khác thực chất sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình lao dốc của mình khi tiêu tốn vốn đầu tư mà chẳng đem lại lợi ích thiết thực gì hết.
Mở rộng thị trường
Giải pháp đang được gần như tất cả các nhà sản xuất Trung Quốc theo đuổi là mở rộng ra các thị trường bên ngoài. Công cuộc "xâm lược" này dường như đã mang lại những lợi ích khá tốt: tại thị trường Ấn Độ, các tên tuổi Trung Quốc đã khiến cho các tên tuổi nội địa như Micromax, Intex, Lava và Karbonn giảm thị phần tới 5% trong năm 2015. Riêng nhà sản xuất hàng đầu của Ấn Độ, Micromax là chịu ảnh hưởng nhiều nhất: Theo báo cáo của IDC, doanh số của Micromax đã giảm 12,1%, trong khi toàn thị trường tăng trưởng 15,4%. Thị phần của Micromax cũng giảm từ 22% xuống còn 13% trong năm 2015.
Ngược lại, trong năm 2015, Lenovo chứng kiến doanh số gia tăng 206% tại Ấn Độ. Đầu năm 2016, Huawei tuyên bố chờ đợi tăng trưởng 300% tại Ấn Độ với mũi nhọn là các dòng Honor mới.
Ấn Độ đang được hy vọng là giải pháp giúp các nhà sản xuất Trung Quốc tiếp tục duy trì tăng trưởng.
Ấn Độ rõ ràng đang trở thành một Trung Quốc thứ hai trong cuộc chiến smartphone, khi được cả Xiaomi, OPPO, Huawei và Meizu lựa chọn làm trọng điểm đầu tư. Nhưng thị trường 2 tỷ dân này không phải là miếng bánh duy nhất trong tầm nhìn của Trung Quốc: Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, được dự kiến sẽ chứng kiến số lượng người dùng smartphone tăng tới 20% trong năm nay để cán mốc 250 triệu. Mức tăng trưởng của Lenovo tại thị trường này trong năm ngoái lên tới 318%, hứa hẹn thiết lập một kịch bản tương tự như Ấn Độ.
Bê cạnh Ấn Độ và Indonesia, các thị trường Trung Đông, Châu Phi và một vài nước khác tại Đông Nam Á đều đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng "bền vững" trong năm 2015, theo nhận định của IDC. Trung Đông và Châu Phi thậm chí còn có mức tăng trưởng lên tới mức gần 50%, tức là cao hơn cả 2 thị trường "nóng" Ấn Độ và Indonesia.
Nhưng khi các thị trường mới cũng "nguội" như Trung Quốc, điều gì sẽ xảy ra?
Nhưng vấn đề là ở chỗ cách đây 2 năm, người ta cũng đã dùng những con số "nức lòng" tương tự để nói về thị trường Trung Quốc. Đến bây giờ thì hy vọng tăng trưởng tại Trung Quốc là gần như không thể trong khi các nhà sản xuất giá rẻ cũng chưa thu được bao nhiêu lợi nhuận (nếu không muốn nói là chịu lỗ).
Khi mở rộng từ Trung Quốc sang các thị trường "nóng" khác, Xiaomi, Huawei, OPPO và Meizu dường như đang một lần nữa lặp lại kịch bản tại nước nhà. Họ sẽ giải quyết vấn đề như thế nào khi chính cả các thị trường này rồi cũng sẽ có lúc bão hòa? Chi phí "mua" thị phần tại Ấn Độ và Indonesia có giúp thuyết phục các nhà đầu tư rằng triết lý kinh doanh smartphone cấu hình cao, giá rẻ là bền vững?
Xiaomi tiên phong cho hướng đi phần mềm
Một giải pháp khác đã được Xiaomi tiên phong từ khi đặt chân lên thị trường smartphone là lĩnh vực phần mềm. Ngay từ đầu, Xiaomi đã khẳng định lợi nhuận của hãng đến từ phần mềm và các sản phẩm phụ trợ thay vì từ smartphone.
Hướng đi này của Xiaomi có vẻ đã mang lại thành quả tốt khi phiên bản Android tùy biến của hãng, MIUI đạt mốc 100 triệu thiết bị cài đặt vào đầu 2015, trong đó có 13 triệu mẫu không do Xiaomi sản xuất. Lần cuối cùng Xiaomi cung cấp tổng doanh thu của MIUI là vào năm 2014, khi công ty Trung Quốc khẳng định thu về 4,9 triệu USD mỗi tháng từ các thiết bị cài MIUI. Trong năm này, Xiaomi cũng cho biết đã trả 93 triệu USD doanh thu vật phẩm cho các nhà phát triển độc lập, trong khi doanh thu thu về 30 triệu USD doanh thu từ các tựa game của bên thứ ba.
Thành công lâu dài của Google cho đến thời điểm này cho thấy hướng đi kinh doanh phần mềm có thể là một hướng đi đúng đắn, nhưng đáng tiếc là MIUI lại đang có số phận gắn quá chặt với phần cứng của Xiaomi. Dù rằng số thiết bị cài MIUI không do Xiaomi sản xuất đã lên tới hàng triệu máy, các nhà sản xuất phần cứng có lẽ sẽ không bao giờ sử dụng một bộ skin Android từ một đối thủ lên máy của mình. Tình cảnh của Xiaomi có lẽ sẽ giống với Amazon vậy: phần cứng thành công thì doanh thu phần mềm/nội dung gia tăng, phần cứng thất bại thì doanh thu phần mềm cũng giảm.
Ngay cả chất lượng MIUI trong những năm gần đây cũng không còn ưu thế như trước. Nhiều người dùng MIUI than phiền rằng MIUI đã không còn mang tới trải nghiệm tối ưu nhanh nhạy mà họ từng ưa thích. Cùng lúc, phần lớn các nhà sản xuất Android, bao gồm cả những tên tuổi vốn được coi là "thảm họa" về chất lượng ROM như Samsung, cũng đang ngày một tối ưu giao diện của riêng mình theo hướng gần giao diện nguyên bản. Thế mạnh của MIUI đang ngày một nhạt phai.
Nhưng bất kể chất lượng có như thế nào thì ra ngoài lãnh địa Trung Quốc thì Xiaomi sẽ phải đối mặt với một đối thủ phần mềm không thể đánh bại: Google. Xiaomi không thể hy vọng thành công nếu như không cung cấp sẵn các dịch vụ Google cũng như cửa hàng Google Play lên các máy Mi và Redmi bán tại Indonesia hay Ấn Độ. Khi đặt chân lên các thị trường này, gần như chắc chắn doanh thu phần mềm của Xiaomi sẽ giảm sút so với sân nhà Trung Quốc.
Với sự trỗi dậy của nhiều đối thủ khác, MIUI mất đi ít nhiều sức hấp dẫn và Xiaomi cũng mất đi một thế mạnh.
Nhưng ít nhất thì Xiaomi cũng vẫn sẽ có một nguồn thu phần mềm khi thị trường smartphone bão hòa. Các đối thủ Trung Quốc khác, bao gồm cả những tập đoàn khổng lồ như Huawei và Lenovo đều chưa xây dựng nguồn thu từ ứng dụng di động, và giả sử có thất bại hoàn toàn trên mảng phần cứng thì Xiaomi vẫn có thể tiếp tục tồn tại bằng cách chuyển sang phát triển ROM cho Android.
Mở rộng sang những lĩnh vực phần cứng khác
Tương tự như Xiaomi, Lenovo và Huawei có lẽ sẽ không chết nếu như mảng smartphone của họ sụp đổ. Lenovo hiện vẫn là nhà cung ứng PC hàng đầu thế giới, còn Huawei vẫn áp đảo thị trường thiết bị viễn thông tại Trung Quốc. Nếu không còn smartphone nữa, Lenovo vẫn sẽ sống sót như Dell và HP, còn Huawei vẫn sẽ sống tốt như Nokia hiện tại. Thêm nữa, Huawei có vẻ cũng đang nhòm ngó tới miếng bánh của Lenovo khi ra mắt chiếc laptop Matebook có thiết kế khá giống với… MacBook.
Tương tự như 2 ông lớn này, OPPO còn một mảng kinh doanh lớn là thiết bị nghe nhìn, bao gồm các sản phẩm như đầu dvd, Blu-ray, tai nghe. Thực chất, mảng điện thoại của OPPO và mảng thiết bị nghe nhìn hoạt động độc lập nhưng có cùng một chủ đầu tư là công ty BKK của Trung Quốc.
MateBook, một trong những nỗ lực lấn sân đáng chú ý nhất của Huawei.
Không có sự hậu thuẫn vững chắc từ các mảng sản xuất khác như các tên tuổi kể trên, chỉ duy nhất Xiaomi là chủ động tấn công vào các mảng phần cứng khác. Trong năm qua, Xiaomi đã liên tục gây tiếng vang khi ra mắt vòng đeo luyện tập, pin di động, tai nghe in-ear, loa di động, camera an ninh, đầu Wi-Fi và mới đây là cả TV nữa. Tất cả đều mang cùng dấu ấn đặc trưng của điện thoại Xiaomi: giá siêu rẻ, nhưng chất lượng không hề tệ. Nổi bật nhất trong số này là mảng thiết bị đeo: nhờ có Mi Band, Xiaomi hiện đang đứng thứ 2 trên thị trường thiết bị đeo thông minh với mức tăng trưởng… 951% của năm 2015 so với 2014.
Đáng tiếc là tất cả các mảng kinh doanh này đều không màu mỡ bằng smartphone. Quan trọng hơn, chúng không thể giúp cho các nhà sản xuất Trung Quốc giải quyết vấn đề mà họ đã từng gặp phải trên smartphone: làm thế nào để thực sự thu lời từ sản phẩm của mình? Trường hợp của Xiaomi là khó hiểu hơn cả: khi bán ra những chiếc vòng đeo có giá chưa đầy 15 USD, công ty này sẽ thu lời được bao nhiêu? Dù là bất cứ một chủng loại sản phẩm nào, chạy đua về giá vẫn sẽ là vô nghĩa nếu như nhãn hiệu không thể ra mắt thêm các sản phẩm cao cấp để tận dụng sức mạnh thương hiệu và thị phần đã thu được. Cho đến bây giờ, bên trong và bên ngoài cuộc chiến smartphone, Xiaomi chưa có một sản phẩm nào làm được điều này.
Sản phẩm ngày càng đa dạng nhưng Xiaomi vẫn gắn chặt với phân khúc cấp thấp.
Quá rõ ràng, với các nhà sản xuất Trung Quốc, bành trướng về thị phần ra toàn cầu hay mở rộng sang các chủng loại sản phẩm ngoài smartphone sẽ không giải quyết bài toán khó của họ mà còn làm cho vấn đề mở rộng hơn trước. May mắn cho họ, câu trả lời thực sự vẫn nằm trên sân nhà của Apple và Samsung: phân khúc cao cấp. Trong phần cuối của loạt bài, chúng tôi sẽ cùng bạn đọc luận bàn về tiềm năng của các thương hiệu Trung Quốc trên chiến trường khắc nghiệt này.
Theo Tri thức trẻ