Nguyên lý của sạc không dây cực kỳ đơn giản: Đặt điện thoại xuống và xem nó sạc tự động, không cần tìm kiếm dây dẫn hoặc ổ cắm.
Tuy nhiên, thực tế lại là một câu chuyện hoàn toàn đối nghịch.
Nhiều công nghệ, chuẩn không tương thích dẫn đến việc tỷ lệ phổ cập sạc không dây cực thấp trong vài năm qua. 2017 được xem là thời điểm công nghệ sạc không dây sẽ cất cánh. Người dùng bắt đầu thấy ngày càng nhiều nhà sản xuất sử dụng công nghệ này, từ Dell với chiếc laptop ra mắt tại CES cho đến các hãng ôtô muốn tìm giải pháp dễ dàng hơn cho xe điện.
Tuy nhiên, động lực chính để phổ cập công nghệ sạc không dây đến từ Apple. Tin đồn về việc iPhone 8 sẽ trang bị công nghệ này khiến người ta bắt đầu nghĩ về một tiêu chuẩn mang tính phổ biến trong tương lai.
“Bất cứ lĩnh vực nào Apple chạm vào, nó sẽ thành chuẩn mực phổ biến”, Avi Greengart – nhà phân tích của Global Data nhận định. “Đơn giản là vì họ tạo ra lượng sản phẩm khổng lồ sử dụng công nghệ đó”.
Năm 2016, lượng thiết bị sử dụng sạc không dây tăng 40%, phần lớn phụ thuộc vào việc Samsung trang bị công nghệ này cho Galaxy S7. Tuy nhiên, trang bị sạc không dây trên một chiếc di động không đồng nghĩa người dùng sẽ tận dụng nó, thậm chí biết về nó.
Nhiều công nghệ khác nhau
Nhiều năm qua, các hãng di động coi sạc không dây là một trong những tính năng tạo điểm nhấn. Nokia từng là người tiên phong khi sử dụng nó trên smartphone Nokia cao cấp. Google và LG sau đó hợp tác tung chiếc Nexus 4 dùng sạc không dây.
Những công ty này sử dụng công nghệ gọi là sạc quy nạp, yêu cầu người dùng phải đặt thiết bị trên một miếng đệm sạc, ở một vị trí cụ thể.
Những hình thức mới hơn cho phép người dùng tự do hơn. Sạc theo kiểu cộng hưởng từ không yêu cầu người dùng phải đặt điện thoại ở một vị trí chính xác.
Nó cũng có thể sạc nhiều thiết bị với nhu cầu năng lượng khác nhau với khoảng cách lên đến vài inch. Do đó, người dùng có thể gắn miếng đệm sạc ở dưới bàn, sau đó đặt máy trên bàn để sạc.
Các điểm sạc không dây của Powermat không hỗ trợ mọi loại smartphone. Ảnh:Cnet. |
Khả năng sạc trong phạm vi ngắn mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất ôtô và xe điện. Alex Gruzen - CEO của Witricity (sản xuất chip cho công nghệ cộng hưởng từ) cho hay những chiếc xe điện ra mắt năm 2020 có thể sử dụng công nghệ này, trong khi điện thoại dùng công nghệ tương tự sẽ xuất hiện năm 2018.
“Sạc không dây là một phần trong lộ trình tương lai của tất cả mọi người” Gruzen nói.
Trong khi đó, các công ty như Energous đang tìm cách truyền điện qua sóng radio tần số vô tuyến điện, phương thức tương tự như kết nối Wi-Fi. Họ thậm chí thử nghiệm tích hợp hệ thống phát điện vào các mẫu Wi-Fi router ra mắt năm sau.
Trong khi ý tưởng về việc có thể sạc thiết bị ở khoảng cách gần 5 m quá tuyệt vời, tốc độ sạc xuyên qua không khí ra sao vẫn còn là dấu hỏi. Energous cũng chưa được FCC cấp phép về độ an toàn.
Mớ bòng bong với người dùng
Mặc dù có hàng loạt công nghệ hứa hẹn, cuộc chiến lớn chủ yếu diễn ra giữa 2 tiêu chuẩn sạc không dây.
Một trong số đó là Qi. Chuẩn này hiện có mặt trên hầu hết thiết bị sạc không dây. Phía bên kia chiến tuyến là hình thức sạc quy nạp do Powermat và AirFuel Alliance thúc đẩy.
Powermat đã đầu tư xây dựng các trạm sạc tại nhiều điểm bán lẻ của Starbucks và McDonald nhưng rất ít smartphone trên thị trường sử dụng công nghệ của họ.
Samsung có vẻ muốn là một “người hàng xóm tốt bụng” khi trang bị cả 2 công nghệ trên dòng Galaxy S. “Bằng cách không chọn ra người chiến thắng, họ đang khiến cho vấn đề trở nên rối rắm”, Greengart chia sẻ.
“Tỷ lệ người dùng quá thấp. Cũng không có một ai ở đây để nói cho họ rằng tiêu chuẩn nào sẽ phát triển ra sao trong tương lai”, Ron Resnick - chủ tịch của AirFuel Alliance cho hay.
Apple là chìa khóa
Apple sẽ là người làm rõ vấn đề này. Đầu tháng 2, họ xác nhận gia nhập tổ chức liên minh sạc không dây thế giới (WPC), làm rộ lên những tin đồn iPhone 8 sẽ sử dụng sạc không dây.
Không chỉ gia nhập cho vui, những người tham dự cho biết Apple sẽ đóng góp biện pháp kỹ thuật cho Qi và đại diện của công ty đã có mặt ở London tuần trước với một bài thuyết trình quan trọng trước các thành viên của WPC.
Nếu Apple cam kết sử dụng chuẩn Qi, CEO Powermat Elad Dubzinski hệ thống trạm sạc không dây của họ sẽ hỗ trợ chuẩn này bằng cách thay đổi một số chi tiết phần cứng và phần mềm.
Có thể thấy, quyết định của Apple chính là chìa khóa tạo ra sự đồng nhất giữa tiêu chuẩn, công nghệ và các phương thức phụ trợ.
Theo Zing