Kẻ thứ 3 trong cuộc chiến Apple - FBI

Cuộc đối đầu giữa Apple với Cục Điều tra liên bang Mỹ liên quan đến chuyện bẻ khóa chiếc iPhone bỗng chuyển hướng đột ngột khi FBI tuyên bố không cần đến sự hỗ trợ của Apple nữa.
Kẻ thứ 3 trong cuộc chiến Apple - FBI

Người chơi thứ 3 đã xuất hiện và từ một công ty kín tiếng, Cellebrite trở nên nổi tiếng dù công ty có trụ sở ở Israel này đã “bành trướng” đến hơn 100 quốc gia khắp thế giới thông qua những thương vụ cấp cao.

Báo Yedioth Ahronoth (Israel) dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Cellebrite đang giúp FBI bẻ khóa chiếc iPhone của một trong hai tên khủng bố trong vụ San Bernardino đầu tháng 12 năm ngoái. Đây là tình tiết hấp dẫn nhất trong cuộc chiến pháp lý giữa FBI và Apple bởi Apple thẳng thừng từ chối lời đề nghị mở “cổng sau” để thâm nhập dữ liệu trên chiếc iPhone của tên tội phạm để hỗ trợ công tác điều tra.

Một ngày trước khi hai bên chuẩn bị ra tòa, một thẩm phán liên bang đồng ý với yêu cầu hoãn phiên tòa từ phía chính phủ sau khi các công tố viên cho biết một bên thứ 3 đã trình bày phương án khả thi để mở chiếc iPhone bị mã hóa này!

Bạch tuộc vươn vòi

Haaretz, tờ báo ngày lâu đời nhất Israel, gọi Cellebrite là “người chơi khiêm tốn nhưng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chơi”. Trong hơn 1 thập niên qua, công ty này nắm giữ thị phần lớn trên thị trường điều tra số (digital forensics) của thế giới, cung cấp các thiết bị và phần mềm cho lực lượng cảnh sát, các cơ quan chính phủ và các công ty tư nhân để giúp các điều tra viên thu thập thông tin từ các thiết bị cầm tay ngay cả khi dữ liệu bị mã hóa hay đã bị xóa.

Đây là thị trường mà không phải công ty nào cũng đủ khả năng để tham gia. Bởi việc tiếp cận những thông tin như vậy một mặt có thể giúp ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố và cung cấp bằng chứng chống lại những kẻ sát nhân, những tên phạm tội hãm hiếp và những băng buôn lậu ma túy. Mặt khác, đây có thể là nguồn cơn của những cơn phẫn nộ đến từ những người ủng hộ bí mật cá nhân, những nhà hoạt động nhân quyền và những ai lo lắng rằng chính phủ của các tổ chức có thể lạm dụng các kỹ năng này.

Kẻ thứ 3 trong cuộc chiến Apple - FBI ảnh 1

Ảnh: shutterstock

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với báo Haaretz, ông Yossi Carmil - đồng CEO của Cellebrite đã bày tỏ quan điểm rõ ràng của Cellebrite trước cuộc tranh luận về việc làm thế nào để cân bằng giữa chuyện bảo vệ đời tư cá nhân với chuyện bảo vệ công lý. Ông cho biết: “Việc bảo vệ thông tin cá nhân luôn là một vấn đề lớn, nhưng chúng tôi không liên quan gì đến việc đó. Chúng tôi là những người cung cấp giải pháp. Chúng tôi không cung cấp dịch vụ cho các tổ chức này mà chúng tôi bán cho họ và họ làm điều mà họ được làm theo khả năng và theo pháp luật”.

Trên trang web của Cellebrite, công ty cho biết các sản phẩm của họ có mặt ở hơn 100 quốc gia. Ngoài danh sách những nước đang bị Israel và cộng đồng quốc tế trừng phạt, Cellebrite còn có một danh sách mở rộng gồm nhiều nước và tổ chức mà Cellebrite không đồng ý bán sản phẩm cho. “Chúng tôi từ chối nếu không thể biết rõ khách hàng, nếu không thể có nguồn tham khảo về khách hàng”, Carmil cho biết. Ông khẳng định: “Các giải pháp của chúng tôi đa phần được sử dụng để bắt tội phạm, để hỗ trợ hoạt động chống khủng bố và hỗ trợ lực lượng cảnh sát chống ma túy cũng như cảnh sát biên giới. Chúng tôi cố gắng hết sức để biết rằng việc sử dụng các sản phẩm của chúng tôi đi theo hướng này”.

Cellebrite âm thầm có mặt khắp thế giới, khai thác chủ yếu dòng sản phẩm đặc trưng có tên Universal Forensic Extraction Device (UFED) với nhiều model và kích thước khác nhau. Một khi được kết nối với điện thoại, UFED sẽ mở khóa và sao chép dữ liệu mà không thay đổi hay tác động đến dữ liệu gốc. Theo ông Leeor Ben-Peretz, một phó tổng giám đốc của Cellebrite, phiên bản mới nhất của UFED còn có thể truy cập được dữ liệu đám mây. Tính đến thời điểm này, 30.000 thiết bị UFED đã được triển khai khắp thế giới, với hơn 80% nằm trong tay các cơ quan thi hành pháp luật và phần còn lại thuộc các tổ chức chính phủ, các tập đoàn lớn mà đa số là các ngân hàng và các công ty viễn thông (dùng để điều tra nội bộ).

Kẻ thứ 3 trong cuộc chiến Apple - FBI ảnh 2

Trụ sở công ty Cellebrite ở Israel - Ảnh: AFP

Ai đứng sau Cellebrite ?

Dù không công bố cụ thể các báo cáo tài chính nhưng Carmil cho biết doanh thu và lợi nhuận của Cellebrite tăng trưởng ở mức 30 - 35%/năm. Người đồng sáng lập Cellebrite ước tính thị trường điều tra số qua các thiết bị di động (mobile forensics) toàn cầu có giá trị khoảng 250 triệu USD trong đó một nửa thuộc về Cellebrite.

Sự bành trướng khắp thế giới của Cellebrite phần nào thể hiện những chuyển đổi về người sở hữu của công ty này. Có trụ sở ở Petah Tikva, ngoại ô thành phố Tel Aviv, Cellebrite do ông Carmil và ông Ron Serber thành lập năm 1999, ban đầu hoạt động trong ngành dịch vụ di động. Năm 2007 là cột mốc trong lịch sử công ty khi Cellebrite tiến vào lĩnh vực điều tra số và hơn thế được bán cho Sun Corporation với cái giá 17,5 triệu USD. Cellebrite thì không ai biết chứ Sun Corporation đã quá nổi tiếng bởi đây là một gã khổng lồ công nghệ thông tin của Nhật Bản niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo. Hiện nay, Cellebrite có khoảng 500 nhân viên với 3/4 làm việc ở Israel và phần còn lại rải rác ở 8 chi nhánh kinh doanh khắp thế giới, trong đó có Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Chuyện xuất hiện như kẻ thứ 3 trong cuộc chiến Apple - FBI lần này chỉ là “một bước trở nên nổi tiếng” của Cellebrite chứ thực chất mối quan hệ giữa Cellebrite và FBI đã khăng khít từ lâu. Từ năm 2012, FBI đã chi ít nhất 2 triệu USD để mua các sản phẩm theo dõi của công ty này. Một đối tác lớn nữa của Cellebrite là Cơ quan Mật vụ Mỹ USSS từng chi hơn 1,3 triệu USD cho công ty này. Đó là chưa kể những thương vụ với tổ chức lớn của Mỹ như Cơ quan Bài trừ ma túy - DEA, Văn phòng Bản quyền sáng chế và thương mại - USPTO, Bộ Ngoại giao Mỹ, Cơ quan Thực thi di trú và hải quan - ICE và Cục Quản lý an ninh vận tải - TSA.

Theo Haaretz, IBTimes, ITPro, Reuters, Thanh Niên