Israel sử dụng công nghệ chống khủng bố để đối phó với virus Corona

VietTimes -- Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phác thảo kế hoạch sử dụng công nghệ theo dõi chống khủng bố để xác định vị trí những người có khả năng bị nhiễm Covid-19, bất chấp nó gây ra những lo ngại về vi phạm quyền riêng tư.
Ảnh: Engadget
Ảnh: Engadget

Các quan chức không chỉ rõ các phương pháp kỹ thuật sẽ được sử dụng nhưng gợi ý rằng chúng sẽ bao gồm giám sát vị trí điện thoại (có khả năng sẽ không cần đến sự đồng ý của người dùng), cũng như kỹ thuật tình báo điện tử tinh vi và phân tích dữ liệu mà nước này đã dùng trong công tác chống khủng bố.

Tổng thống Benjamin Netanyahu là người đã tuyên bố sáng kiến này trên một kênh truyền hình được phát đi vào tối thứ 7, ngày 14/3. Ông cũng thừa nhận rằng việc áp dụng các công cụ giám sát kỹ thuật số mới này có thể sẽ vi phạm quyền riêng tư.

Ông Netanyahu cho rằng đây là một “cái giá chấp nhận được” để làm chậm quá trình lây lan của Covid-19.

“Chúng tôi là một trong số rất ít quốc gia có khả năng này và chúng tôi sẽ sử dụng nó”, ông nói. “Chúng tôi phải làm tất cả mọi thứ với tư cách là chính phủ, cũng là công dân Israel, để không bị nhiễm bệnh cũng và lây bệnh sang người khác”

Theo tờ Wall Street Journal, tại Israel đã có hơn 200 ca được xác nhận là dương tính với Covid-19, chưa có trường hợp nào tử vong. Nước này cho biết đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Ông Netanyahu đã đưa ra thông báo yêu cầu tất cả các nhà hàng, quán bar và viện bảo tàng ở nước này phải đóng cửa vô thời hạn. Ngoài ra, những cuộc hội họp và tụ tập trên 10 người cũng sẽ bị cấm.

Trước đó, Isarel đã có những động thái cứng rắn nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan tại nước này như đóng cửa trường học ít nhất là đến giữa tháng Tư, cấm tất cả các công dân hoặc du khách nước ngoài vào nước này nếu không đồng ý cách ly hai tuần.

Các nhà phân tích nhận định rằng hệ thống giám sát kỹ thuật số của Israel sẽ trở thành một công cụ y tế hiệu quả vì câu hỏi cốt lõi trong việc theo dõi bệnh nhân nhiễm Covid-19 và những kẻ khủng bố đều giống nhau, đó là: “Ai là người đã tiếp xúc với họ?”.

“Trong cả hai trường hợp (chống khủng bố và chống dịch Covid-19), chúng ta đều đang cố gắng lật lại để xác định được người nào đó đã ở đâu và gặp ai”, ông Zak Doffman, Chủ sở hữu của một công ty giám sát có trụ sở tại London đồng thời là nhà báo chuyên mục an ninh mạng tại Tạp chí Forbes cho biết.

Ông Doffman cho biết các công nghệ như vậy cũng đã được một số quốc gia sử dụng.

Theo ông, Trung Quốc đã sử dụng các công cụ giám sát hàng loạt của mình, bao gồm cả nhận dạng khuôn mặt cũng như hạn chế di chuyển trong các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi Đài Loan sử dụng hệ thống định vị để phát đi thông báo bằng âm thanh trên điện thoại di động của những người bị phát hiện bên ngoài các địa điểm kiểm dịch của họ.

Tuy vậy, ở Iran, Bộ Y tế nước này đã buộc phải từ bỏ một app thông tin chính thức về virus Corona sau khi ứng dụng này bị phát hiện có chứa phần mềm theo dõi, ông Doffman cho biết.

Thủ tướng Netanyahu cho biết Israel đang yêu cầu hệ thống tư pháp nước này cho phép việc giám sát kỹ thuật số trong cuộc chiến chống lại Covid-19 vì sức khỏe cộng đồng.

Thế nhưng, không phải ai cũng tán đồng quan điểm này. Những người ủng hộ chủ nghĩa tự do dân sự đã lên án việc sử dụng công nghệ để giám sát người dân của chính phủ.

“Chúng tôi phải cần phải đảm bảo rằng chúng tôi vẫn có một nhà nước dân chủ”, ông Merav Michaeli, một đảng viên của đảng Lao động viết trên một tweet.

Trong khi, Hiệp hội dân quyền của Israel cho rằng động thái này là không cần thiết và có hại.

“Theo như những gì chúng tôi biết đến thời điểm hiện tại, những người nhiễm bệnh hiện đang hợp tác với chính quyền trong việc báo cáo tất cả các địa điểm mà họ đã đi qua”, ông Avner Pinchuk, một luật sư của Hiệp hội cho biết. “Ngay cả khi những người này “quên” không báo cáo một địa điểm mà họ đã đến thì công nghệ theo dõi địa điểm này cũng không thực sự đem lại nhiều hiệu quả”, ông Pinchuk nói.

 Theo WSJ