iPhone có thể ảnh hưởng tới nhịp tim

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhà Táo mới đây đã cảnh báo người dùng nên giữ thiết bị cách xa ngực ít nhất 15cm để tránh tác động tới các thiết bị được cấy vào tim.
Ảnh: Yahoo Finance
Ảnh: Yahoo Finance

Apple mới đây đã cảnh báo hàng triệu người dùng với khuyến cáo giữ khoảng cách ít nhất 6 inch (tương đương khoảng 15cm) giữa iPhone và ngực. Thông báo này được gửi đến những người dùng sử dụng các thiết bị y tế như máy khử rung tim hoặc các thiết bị cấy ghép khác.

Gã khổng lồ công nghệ lưu ý rằng, nam châm và trường điện từ của điện thoại có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các loại máy này, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhất có thể là tử vong. Hiện nay, ước tính có khoảng 3 triệu người Mỹ sử dụng máy tạo nhịp tim cấy ghép và 200.000 người sử dụng máy khử rung tim.

Theo đó, Apple đã cảnh báo các dòng iPhone từ 12 trở lên cũng như các sản phẩm Airpods, Apple Watch, HomePods, iPad, Mac và tai nghe của Beats không nên đặt quá gần ngực của những người được cấy ghép.

Một nghiên cứu tháng trước cho thấy các sản phẩm của FitBit, đồng hồ thông minh và một số phụ kiện khác của Apple có thể gây xáo trộn hoạt động của các thiết bị cấy ghép.

Theo Apple, "Trong một số điều kiện nhất định, nam châm và trường điện từ có thể gây nhiễu các thiết bị y tế. Ví dụ, máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim được cấy ghép có thể chứa các cảm biến phản ứng với nam châm và sóng vô tuyến khi tiếp xúc gần".

"Để tránh bất cứ tương tác tiềm ẩn nào với các thiết bị y tế này, hãy giữ thiết bị Apple của bạn ở khoảng cách an toàn", Apple nói thêm.

Trước đó, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã cảnh báo về các tác động tiêu cực của nam châm trên điện thoại sau khi iPhone 12 được ra mắt vào tháng 10/2020.

"Chúng tôi đã biết rằng nam châm có thể ảnh hưởng đến các thiết bị y tế điện tử được cấy ghép vào tim, nhưng chúng tôi bị sốc với sức mạnh của nam châm được sử dụng trên iPhone", Tiến sĩ Michelle Wu, một nhà nghiên cứu tại Đại học Brown cho biết.

"Nam châm có thể thay đổi nhịp đập của máy tạo nhịp hoặc làm gián đoạn các chức năng cứu hộ của máy khử rung tim. Mọi người cần nhận thức rằng các thiết bị điện tử với nam châm có thể ảnh hưởng đến thiết bị cấy ghép vào tim", ông Wu nói.

Được biết, một số người được cấy ghép máy tạo nhịp tim khi nhịp tim của họ đập quá chậm hoặc quá nhanh và không đều. Nhịp tim không đều có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ hoặc suy tim. Thiết bị tạo nhịp tim gửi xung điện đến tim để thúc đẩy tim đập đều đặn.

Ngoài ra, một số người bị rối loạn nhịp thất có thể được cấy ghép máy khử rung tim (ICD). Thiết bị này giúp kiểm soát nhịp tim và được dùng trong một số trường hợp nhất định.

Theo Daily Mail