Nói đơn giản, "Internet trung lập" là việc tất cả các lưu lượng truy cập internet phải được đối xử một cách công bằng và không phân biệt. Internet trung lập buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet (Internet Service Provider – ISP) và chính phủ phải truyền tải các loại dữ liệu mà không ưu tiên/phân biệt với bất cứ một công ty hay loại dữ liệu nào. Nói cách khác, đây là phiên bản kỹ thuật số của "tự do ngôn luận".
Internet hiện đang hoạt động như thế nào?
Dưới nguyên tắc trung lập, các ISP không được ưu tiên tốc độ cho bất cứ loại dữ liệu nào. Ví dụ, cho dù bạn đang truy cập VnReview, Google, YouTube hay Facebook,… thì nhà cung cấp dịch vụ vẫn xử lý kết nối của bạn với tốc độ ngang nhau.
Theo Howtogeek, đây là cách Internet luôn làm việc từ trước đến nay, phần lớn những quy tắc được đưa ra nhờ vào một loại quy định về Internet trung lập trong những năm gần đây. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet hiện được xem là "hãng viễn thông chung", về cơ bản họ phải tuân thủ theo các quy tắc này. Và kết quả là chính phủ có thể can thiệp, yêu cầu ngừng ngay nếu có một nhà cung cấp nào thực hiện ưu đãi dành cho một số loại lưu lượng truy cập dữ liệu nhất định.
Ví dụ như năm 2012, người dùng AT&T tại Mỹ không thể dùng FaceTime trên iPhone nếu không đăng ký gói dữ liệu nâng cao với giá đắt hơn của nhà mạng này. Ngay cả khi FaceTime vẫn hoạt động tốt với gói dữ liệu cũ, AT&T vẫn khóa và yêu cầu người dùng đăng ký gói đắt hơn. Nếu không đăng ký, người dùng sẽ không thể gọi FaceTime khi dùng dữ liệu của AT&T, tất nhiên với Wi-Fi thì không sao. Điều này trái với các quy tắc Internet trung lập, và FCC có thể yêu cầu AT&T dẹp bỏ hình thức khóa FaceTime để mọi thứ được công bằng.
Internet trung lập đã được thông qua tại nhiều khu vực trên thế giới như Canada, Ấn Độ, Nga, Hà Lan, Chile, Singapore,… đáng chú ý nhất là sự thông qua của Liên minh Châu Âu (EU) tạo ra một khuôn khổ quy tắc trung lập Internet trên khắp EU. Năm 2015, Cơ quan quản lý của Obama cũng đưa ra các biện pháp bảo vệ quy tắc Internet trung lập tại Mỹ. Đến tháng 12 năm 2017, nó đã bị xóa sổ.
Internet ở Mỹ nếu bỏ Net Neutrality thì sẽ giống như những con đường có làn ưu tiên tốc độ và làn xe chậm, không còn bình đẳng như trước.
Internet trung lập có ý nghĩa rất lớn. Thử nghĩ đi, nếu một nhà cung cấp dịch vụ nào đó tại Việt Nam như FPT cố tình "bóp băng thông" vào các website thuộc sở hữu của Viettel để "dụ" bạn sử dụng dịch vụ của FPT. Họ cũng có thể bắt bạn (hoặc Viettel) trả thêm tiền để có tốc độ truy cập dịch vụ Viettel như bình thường. Đó là ví dụ tại Việt Nam, và cũng sẽ là viễn cảnh mà người Mỹ phải đối mặt nếu các quy định về Internet trung lập không xòn tồn tại.
Việc không ưu tiên hay "bóp" tốc độ, lưu lượng truy cập là cảnh tượng đáng sợ với các doanh nghiệp hay website nhỏ. Năm 2009, một nghiên cứu cho thấy người dùng không muốn chờ đợi lâu để xem một website. Nếu website chưa xuất hiện trong 1 giây, họ sẽ quay ra và tìm đến website khác. Một website tốc độ chậm có thể khiến lượng người truy cập giảm đến 11%.
Theo AddictiveTips, không chỉ còn là hóa đơn tiền cước Internet hàng tháng, mà sẽ là nhiều gói dịch vụ để truy cập các trang web khác nhau. Tháng 10 năm nay, một nhà cung cấp dịch vụ tại Bồ Đào Nha mang tên MEO đã đưa ra hình ảnh về các "gói dịch vụ" truy cập cho từng nhóm website khác nhau từ nhắn tin, mạng xã hội, video, nghe nhạc, email,… Bạn sẽ không thể truy cập các trang web nếu chúng không có trong gói dịch vụ mà bạn đã mua.
Kết luận lại, nếu xảy ra viễn cảnh trên, người có lợi nhiều nhất chính là các ISP.
Tại sao Internet trung lập được quan tâm nhiều đến vậy?
Ảnh: The Verge
Cái gì cũng có 2 mặt của nó, có người ủng hộ chắc chắn sẽ có người phản đối. Những người phản đối Internet trung lập cho rằng nhà cung cấp dịch vụ đều là doanh nghiệp tư nhân, và họ có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn mà không bị phụ thuộc vào chính phủ. Nếu người dùng không thích thì chuyển sang dịch vụ khác.
Có khá nhiều quy tắc Internet trung lập được đưa ra trong thời gian gần đây, nhưng cũng như bất cứ thứ gì khác dính líu đến chính phủ, phe phản đối sẽ tìm cách gỡ bỏ chúng. FCC vừa bỏ phiếu và chính thức xóa bỏ những quy tắc về Internet trung lập, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ Internet điều chỉnh mức băng thông và lưu lượng truy cập theo cách mà họ muốn. Nói cách khác, Mỹ đã xóa bỏ chế độ "bao cấp" Internet, để cho phép tự do cạnh tranh kiểu cá lớn nuốt cá bé.
Thay vì xóa sổ, quy tắc Internet trung lập có nên được điều chỉnh?
Nhiều ý kiến xung quanh đều không khẳng định 100% rằng Internet trung lập tốt hay xấu, nhưng liệu các quy định của chính phủ có thực sự cần thiết để bảo vệ hay sẽ là mối đe dọa trong tương lai?
Các công ty Internet lớn như Google và Microsoft, cùng các nhóm vì quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng ủng hộ Internet trung lập. Họ cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ không được phân biệt đối xử với các loại dữ liệu và kết nối nhất định.
Ngược lại, các công ty viễn thông và nhóm người phản đối chính phủ có xu hướng phản đối quy tắc này, họ cho rằng sự can thiệp của chính phủ có thể ngăn chặn những cải tiến, đổi mới dành cho các dịch vụ trong tương lai.
Nhiều cuộc biểu tình chống đối việc bãi bỏ Net Neutrality nổ ra ở Mỹ.
Theo How-To Geek, dù cho bạn có ủng hộ Internet trung lập hay không, rõ ràng đây là cách mà Internet hoạt động trong thời gian qua. Có thể các dịch vụ sẽ không thay đổi gì nếu quy tắc Internet trung lập bị xóa bỏ, nhưng cũng có thể có nhiều thay đổi lớn khác, vẫn còn quá sớm để khẳng định những thay đổi đó là gì, có mang lại lợi ích cho người dùng không hay chỉ là "mỏ vàng" cho các nhà cung cấp dịch vụ.