Huawei Technologies vừa mở cửa hàng quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại trung tâm Thượng Hải. Theo Nikkei Asian Review, đây là động thái nằm trong chiến lược gia tăng thị phần nội địa, cạnh tranh với Apple của Huawei.
Từ sáng sớm ngày 24/6, nhiều người đã xếp hàng bên ngoài cửa hàng 3 tầng được trang trí nổi bật với tổng diện tích 5.000 m2 tại phố Đông Nam Kinh, Thượng Hải của nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới.
Cửa hàng của Huawei được khai trương trong thời điểm hãng này đang chịu áp lực lớn từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nước đồng minh phương Tây. Tận dụng tâm lý dân tộc của người tiêu dùng Trung Quốc dường như là cách duy nhất để Huawei trụ lại.
Tranh thủ tinh thần dân tộc
“Vợ tôi thích sản phẩm của Apple, còn tôi thì đang dùng chiếc điện thoại Samsung cũ", Lance Long, quản lý một trung tâm triển lãm sống tại Thượng Hải, chia sẻ với Nikkei Asian Review. “Tuy nhiên, cha mẹ và họ hàng của tôi đều đã chuyển sang dùng sản phẩm của Huawei từ năm ngoái để thể hiện sự ủng hộ sau khi công ty này chịu các đòn tấn công của Mỹ".
“Cửa hàng của Huawei chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm lớn. Với người dân bản địa như tôi, thay vì mua điện thoại Huawei, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để trải nghiệm những sản phẩm như loa thông minh, bộ chuyển phát hay màn hình thông minh mà tôi chưa từng có cơ hội thưởng thức trước đây", Long giải thích.
Đám đông xếp hàng chờ cửa hàng khai trương chủ yếu là người trẻ. “Tôi ở đây để mua chiếc smartphone P40 mới nhất và trải nghiệm các dòng sản phẩm khác", một khách hàng tên Yang chia sẻ. Một sinh viên khác cho biết “ở đây để ủng hộ Huawei”.
Chen Nixing, một người đã về hưu, nói: “Tôi đã chờ đến ngày khai trương cửa hàng. Công nghệ của Huawei tốt hơn của những công ty khác và tôi đến đây để trải nghiệm những công nghệ mới nhất".
Việc Huawei khai trương cửa hàng ở Thượng Hải đã thay đổi trọng tâm cuộc chiến giữa Huawei và Mỹ, ít nhất trong thời gian ngắn. Mỹ nhiều lần khẳng định Huawei làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc.
Tháng trước, chính quyền Washington tăng cường gây áp lực cho Huawei, yêu cầu tất cả các công ty trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu ngừng sử dụng thiết bị của Mỹ để chế tạo con chíp cho Huawei và chi nhánh sản xuất thiết bị bán dẫn HiSilicon - công ty phát triển con chíp hàng đầu Trung Quốc.
Những gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã khiến hoạt động sản xuất linh phụ kiện cho dòng điện thoại cao cấp Mate của Huawei bị đình trệ. Matte được kỳ vọng là át chủ bài của Huawei, đối trọng với các đời iPhone mà Apple cho ra mắt vào mỗi mùa thu, theo Nikkei Asian Review.
Cửa hàng của Huawei sẽ tổ chức các chương trình hàng ngày để giới thiệu về các chủ đề từ sản xuất video, tập thể hình và âm nhạc. Tương tự như cửa hàng của Apple, tại đây cũng có khoảng 220 nhân viên tư vấn, hỗ trợ phiên dịch với 10 ngôn ngữ cho khách hàng.
Bắt chước Apple
“Huawei đang muốn chứng minh sức mạnh của mình khi khai trương một cửa hàng xa xỉ như vậy trong thời điểm khó khăn như hiện nay”, Joey Yen, nhà phân tích công nghệ tại hãng nghiên cứu IDC nhận định với Nikkei. “Công ty này đang tuyên bố với thế giới rằng Huawei vẫn cung cấp những sản phẩm tốt nhất và có thể đối đầu với Apple".
Yen cũng nhận định, dù chuyện gì xảy ra bên ngoài Trung Quốc, “việc mở một cửa hàng lớn dành cho khách hàng Trung Quốc cho thấy Huawei muốn tái khẳng định cam kết của mình với các đối tác và nhà bán lẻ và gia tăng thị phần nội địa”.
Với 70.000 điểm bán lẻ trên toàn cầu, Huawei đang chuyển đổi chiến lược bán lẻ từ chủ yếu hợp tác chủ yếu với các đối tác bán lẻ trên toàn cầu sang tự vận hành cửa hàng riêng của mình giống như Apple. Theo các chuyên gia, điều này giúp Huawei kiểm soát và hình thành hình ảnh hương thiệu tốt hơn.
Tháng 9 năm ngoái, Huawei mở cửa hàng toàn cầu đầu tiên tại trung tâm Thâm Quyến, nơi công ty đặt trụ sở. Cửa hàng 3 tầng được phủ sóng 5G và trưng bày hàng loạt sản phẩm của Huawei từ smartphone, màn hình thông minh, loa thông minh, máy tính bảng...
Công ty Trung Quốc cũng mở 3 cửa hàng lớn tại Madrid (Tây Ban Nha) và Paris (Pháp) để đẩy mạnh thương hiệu tại châu Âu. Tuy nhiên, kế hoạch tương tự tại London (Anh) và Vienna (Áo) bị hoãn lại với lý do không được công bố. Công ty này cho biết cửa hàng tiếp theo châu Âu sẽ là tại Berlin (Đức).
Với cửa hàng mới khai trương tại Thượng Hải, Huawei giới thiệu công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) có tên Cyberverse, có thể hiển thị pháo hoa ảo và tích hợp hình đại diện ảo vào cảnh thật thông qua ống kính của điện thoại thông minh P40. Apple cũng đang đầu tư mạnh cho AR với các dòng iPhone mới dự kiến có camera sau 3D - có cảm biến môi trường và vật thể xung quanh.
Tính tới năm ngoái, Huawei hiện nắm giữ 38% thị trường smartphone Trung Quốc và tiếp tục mở rộng mạnh mẽ với 41% thị phần trong quý I/2020. Trong khi đó, Apple đứng thứ 5 với 9%.
Samsung, công ty đối đầu trực tiếp với Apple và Huawei trên toàn cầu, cũng mở cửa hàng flagship đầu tiên tại Trung Quốc trên cùng con phố Đông Nam Kinh, Thượng Hải vào năm ngoái, nhưng đang thụt lùi ở thị trường với chỉ 1% thị phần smartphone trong năm 2019, theo dữ liệu từ IDC.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Huawei đang tụt hậu khá xa so với Apple. Công ty Mỹ đã mở cửa hàng flagship đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 2008. Đến nay, Apple đã có 42 cửa hàng tại nước này, trong đó riêng Thượng Hải có 7 cửa hàng. Trên toàn cầu, Apple có hơn 500 cửa hàng.