Huawei là hãng điện tử tiêu dùng giá trị nhất Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Huawei đã trở thành công ty có giá trị nhất ở lĩnh vực điện tử tiêu dùng, dù gặp nhiều khó khăn do lệnh cấm của Mỹ.

Theo bảng xếp hạng "Top 10 công ty điện tử tiêu dùng giá trị nhất 2020" do công ty nghiên cứu Hurun Report có trụ sở tại Thượng Hải công bố, 5 trong 10 công ty có giá trị nhất là nhà sản xuất smartphone. Tổng thiết bị xuất xưởng của 5 hãng này đạt 620 triệu máy vào năm ngoái, chiếm 40% thị phần toàn cầu.

Huawei đang là hãng điện tử tiêu dùng có giá trị nhất Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Huawei đang là hãng điện tử tiêu dùng có giá trị nhất Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Trong số đó, Huawei - nhà cung cấp viễn thông và thương hiệu smartphone hàng đầu Trung Quốc - là doanh nghiệp điện tử tiêu dùng có giá trị nhất với 1.100 tỷ nhân dân tệ (164,3 tỷ USD). Bất chấp hàng loạt khó khăn, đặc biệt là lệnh cấm từ chính phủ Mỹ, công ty vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng nhờ được thị trường trong nước ủng hộ.

Xiaomi đứng thứ hai trong bảng xếp hạng, được định giá 434 tỷ nhân dân tệ (64,3 tỷ USD). Mức tăng trưởng của Xiaomi được đánh giá khá cao. Tuy nhiên, công ty gần đây bị thị trường Ấn Độ tẩy chay do liên quan đến xung đột quân sự biên giới Ấn - Trung, khiến doanh số bán hàng bị ảnh hưởng.

Vivo và Oppo đứng vị trí thứ ba và thứ tư với mức định giá lần lượt là 175 tỷ nhân dân tệ (26 tỷ USD) và 170 tỷ nhân dân tệ (25,2 tỷ USD). DJI - nhà sản xuất drone, flycam... nổi tiếng Trung Quốc - ở vị trí thứ 5 với 100 tỷ nhân dân tệ (14,8 tỷ USD).

Vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng của Hurun là Transsion - hãng sản xuất smartphone có trụ sở tại Thâm Quyến, hiện đứng đầu về doanh số bán hàng tại châu Phi - với 77 tỷ nhân dân tệ (11,4 tỷ USD). Còn lại là Lenovo với 54 tỷ nhân dân tệ (8 tỷ USD), công ty sản xuất thiết bị nhà thông minh Intretech với 27 tỷ nhân dân tệ (4 tỷ USD), thương hiệu thuốc lá điện tử RELX Technology với 15 tỷ nhân dân tệ (2,2 tỷ USD) và nhà sản xuất âm thanh Edifier Technology với 14 tỷ nhân dân tệ (2,07 tỷ USD).

Theo Strategy Analytics, doanh số smartphone 5G dự báo sẽ tăng 1.300%, lên mức kỷ lục 250 triệu chiếc vào năm 2020. Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường 5G lớn nhất. Dựa trên số liệu này, Rupert Hoogewerf, Chủ tịch Hurun Report, cho rằng ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng sẽ "nhìn thấy những cơ hội tuyệt vời khi 5G phát triển sau đại dịch".

Năm ngoái, Huawei là nhà cung cấp smartphone 5G lớn nhất thế giới, xuất xưởng gần 7 triệu thiết bị và chiếm 37% thị phần toàn cầu, theo Strategy Analytics. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của Mỹ khiến sự tăng trưởng bị chững lại, đặc biệt là ở các khu vực ngoài Trung Quốc.

Báo cáo của Huawei năm 2019 cho thấy, doanh thu từ mảng kinh doanh tiêu dùng của công ty đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 60% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Mảng này chủ yếu bị chi phối bởi doanh số smartphone, với hơn 240 triệu máy được xuất xưởng năm ngoái.

Theo VnExpress