HSBC cho rằng, cả tăng trưởng kinh tế lẫn tín dụng đều có thể không được duy trì nếu như một số vấn đề về cơ cấu không được giải quyết trong thời điểm hiện tại. Mặc khác, ngành sản xuất có triển vọng khá sáng sủa và HSBC tin rằng lĩnh vực này phát triển tốt có thể bù đắp phần nào những ngành yếu khác.
Cải thiện tăng trưởng tốt
Phân tích rõ hơn về cơ sở đưa ra nhận định này, trong báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được công bố, HSBC cho rằng, khi nói đến tăng trưởng kinh tế GDP, các yếu tố nổi bật trên dường như đang đồng hành một cách thuận lợi trong thời điểm hiện tại. Tăng trưởng kinh tế đã tăng trong quý thứ III đạt 6,6% so với cùng năm ngoái. Đây là mức cải thiện rất tốt từ tốc độ tăng trưởng 5,6% được ghi nhận trong cả quý I và quý II.2016.
Năm nay, nền kinh tế phải vật lộn với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy những ảnh hưởng của hạn hán đã giảm dần, giúp sản xuất nông nghiệp quay lại bình thường, tương tự là việc làm và tiêu dùng ở khu vực nông thôn.
Nhưng, hồi đầu tháng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông báo rằng Việt Nam có khả năng sẽ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng kinh tế ban đầu 6,7% trong năm 2016. Các dự báo chính thức của năm 2016 đã giảm xuống đến 6,2-6,5%. Điều này phù hợp với dự báo của HSBC (6,2% cho năm 2016) và có nghĩa là trong quý IV nền kinh tế sẽ cần phải tăng trưởng ít nhất 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái để đạt được mục tiêu mới cả năm. Hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ, dòng vốn FDI tiếp tục tăng và tăng trưởng tín dụng trong nước sẽ giúp hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ngành sản xuất đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế
Các chuyên gia của HSBC cũng lưu ý, có những yếu tố có thể cản trở nền kinh tế tăng trưởng ở tốc độ mong muốn trong thời điểm trung hạn. Đứng đầu trong số đó là những rủi ro từ nhu cầu bên ngoài vẫn chưa mặn mà, hoạt động thương mại của Việt Nam có thể vẫn duy trì mức độ ấn tượng đạt được trong thời gian gần đây nhưng nó có thể chậm lại nếu như các ngành công nghiệp trọng điểm không tập trung tốc độ, hoặc nếu như Trung Quốc – một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tăng trưởng chậm lại.
Thâm hụt tài chính đang nảy sinh cũng là một mối quan tâm khác. Nợ công năm nay được đề ra mục tiêu ở mức 64% GDP, nhưng Quốc hội vừa bày tỏ quan ngại khi nợ công đã chạm trần 65% GDP, nếu như tăng trưởng thất bại trong việc đạt được mục tiêu. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch lưu ý rằng hồ sơ đánh giá của Việt Nam khá căng không chỉ từ "nợ công đang tăng", mà còn từ "tăng trưởng tín dụng lại tăng nhanh".
Thực tế, tăng trưởng tín dụng vẫn mạnh suốt cả năm. Vào tháng 8, tổng tăng trưởng dư nợ tín dụng giảm ở mức chậm nhất trong vòng 17 tháng qua, nhưng vẫn còn đạt mức 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi việc sử dụng các công cụ đòn bẩy nhiều hơn thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhưng cũng gây thêm nhiều gánh nặng nợ nần. Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý gánh nặng "nợ xấu" hơn là nợ thông thường.
Từ năm 2012, Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách đối với hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn về tín dụng và việc suy giảm vốn liên kết chưa được loại bỏ hoàn toàn. Do đó, việc giải quyết các khoản nợ xấu kéo dài cần có một sự tập trung chính sách đặc biệt.
Tương tự như tận dụng các công cụ đòn bẩy là yếu tố không thể thiếu đối với tăng trưởng kinh tế, ngành sản xuất cũng vậy. Các chuyên gia HSBC đánh giá: sản xuất là ngành đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế và cũng là ngành nhận nhiều nguồn vốn FDI nhất.
Sự bùng nổ của ngành sản xuất trong nền kinh tế đã giúp bù đắp sự sụt giảm sản lượng nông nghiệp sau khi trải qua đợt hạn hán trầm trọng trong năm nay. Đáng khích lệ là kết quả khảo sát chỉ số PMI trong tháng 9 đã thể hiện hoạt động sản xuất không ngừng cải thiện. Chỉ số PMI toàn phần nằm ở mức cao của 16 tháng qua đạt 52,9 điểm từ 52,2 điểm trong tháng 8. Suốt tháng 9, cả nhu cầu trong và ngoài nước đều tăng cùng với sản lượng và nhân công việc làm. Thực tế, nhân công việc làm tăng nhanh nhất trong vòng năm năm. Điều này cùng với thực tế các nhà sản xuất đang tích trữ hàng tồn kho chứng tỏ họ đang rất lạc quan trong thời điểm hiện tại.