Nuôi bẩn thành tập quán
Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 7 tháng đầu năm 2016 đạt kim ngạch 3,65 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Dự báo cả năm ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2015.
Nhờ các hiệp định thương mại, mà thủy sản Việt Nam đang tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ở 144 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 5 thị trường lớn là Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm 70% tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu.
Thế nhưng các thị trường trọng điểm này đang đe dọa sẽ "khai tử" các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Vì không chỉ nhiễm kháng sinh, hóa chất cấm, mà thủy sản Việt Nam còn nhiễm vi sinh, vi khuẩn. Với nguyên nhân không chỉ nằm ở khâu sản xuất (vùng nuôi) bẩn, mà còn ở các đại lý mua (sơ chế biến) cũng “bẩn” không kém.
Từ năm 2014 đến nay, DG SANTE (Tổng vụ Sức khỏe và An toản thực phẩm) của Ủy ban châu Âu đã 2 lần gởi Công thư tới NAFIQAD (Cục quản lý Chất lượng Nông lâm và thủy sản Việt Nam) để cảnh báo tình trạng an toàn thực phẩm (ATTP) của thủy sản Việt Nam.
Cụ thể, năm 2014 có 48 lô hàng, năm 2015 có 47 lô hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam không đạt chất lượng. Riêng 6 tháng đầu năm 2016 đã có 16 lô hàng xuất khẩu vào EU bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, hóa chất cấm. Việt Nam hiện “đứng đầu bảng” về số lô hàng vi phạm ATTP, trong số các quốc gia xuất khẩu vào EU.
DG SANTE khẳng định: Đây là vấn đề nghiêm trọng liên quan đến hệ thống kiểm soát ATTP Việt Nam, và đề nghị NAFIQAD khẩn cấp điều tra nguyên nhân, đưa ra biện pháp khắc phục. Thế nhưng tình hình thủy sản "bẩn" của Việt Nam vẫn không thay đổi, trong khi thủy sản "bẩn" từ các quốc gia khác vào EU đã giảm mạnh, chỉ còn 29%.
Tháng 5/2016 vừa qua, DG SANTE lại có Công thư gởi NAFIQAD nhấn mạnh: Việt Nam vẫn chưa kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc thú y, hóa chất cấm và thời gian ngừng sử dụng thuốc. EU sẽ loại khỏi danh sách các cơ sở chế biến có lô hàng nhiễm kháng sinh, chất cấm được nhập khẩu vào thị trường này.
Năm 2017, EU sẽ thanh tra toàn diện và tổng thể hệ thống kiểm soát dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm trong thủy sản nuôi tại Việt Nam, ở tất cả các công đoạn từ cấp phép lưu hành thuốc thú y, thức ăn thủy sản, các sản phẩm phục vụ sản xuất, việc sử dụng thuốc thú y trong quá trình nuôi cho đến ATTP trong chế biến tại các nhà máy.
Cùng lúc, Nhật Bản cũng cảnh báo các lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép; thậm chí, có loại độc hại như Enrofloxacin...
Kinh doanh bẩn thành thói quen
Thực trạng “thủy sản bẩn", độc hại từ trước tới nay không mới, vì thường xuyên diễn ra, và cũng thường bị giải thích do tại nông dân không nghe khuyến cáo, không tuân thủ qui trình kỹ thuật, sử dụng kháng sinh, chất cấm vô tội vạ…
Nhưng thật ra nông dân chỉ là nạn nhân. Nguyên nhân sâu xa đã có sẵn, từ khâu đầu vào trong nuôi trồng như thuốc thú ý, hóa chất cấm… các loại này gần như tự do kinh doanh, mà không có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ...
Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều văn bản nghiêm cấm "bào chế", sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất cấm, nhưng việc nhập khẩu, sản xuất thuốc và phân phối, sử dụng thì lại… thả nổi.
Theo Cục Thú y, năm 2015 có 16 công ty nhập khẩu 104,4 tấn nguyên liệu Enrofloxacin và 15 công ty nhập khẩu 284,9 tấn Oxytetracylin. Ngoài ra, còn có 5 công ty nhập khẩu 6,8 tấn nguyên liệu kháng sinh Tetracycline.
Khi nhập về, các công ty đều khai báo là nguyên liệu để sản xuất thuốc thú y, dù đây đều là các kháng sinh cấm. Trên thực tế, số lượng kháng sinh, hóa chất cấm "tràn" vào Việt Nam qua ngả nhập lậu còn cao hơn nhiều…
Phó Cục trưởng Cục Thú y Dương Thế Tiến cho biết: Kháng sinh, chất cấm vào ao nuôi qua 3 con đường: Từ công ty nhập khẩu nguyên liệu, đưa vào sản xuất thuốc thú y chỉ một phần, số còn lại bán trực tiếp cho nông dân tự "bào chế". Hay từ người nuôi tự mua tại các đại lý, và từ nhập lậu qua tiểu ngạch. Hiện, thị trường có cả ngàn loại thuốc thú y ngoài danh mục, nhưng ít khi bị kiểm tra…
Góp phần "tẩm độc" thủy sản còn có “anh” thuốc tây. Nông dân nuôi cá tra, tôm là đem cả gia sản ra đánh cược. Khi tôm, cá bị nhiễm bệnh, nếu trị bằng thuốc thú y không giảm, bà con bèn mua loại thuốc dùng cho người đã hết đát “quăng” xuống ao. Thậm chí, có những hộ nuôi liên kết với công ty cũng sử dụng kháng sinh, chất cấm trị bệnh cho vật nuôi, tiếng là để “cứu cá, cứu tôm”, nhưng kỳ tình cuối cùng lại là đầu độc người dùng.
Đại diện Công ty IDI (Đồng Tháp) cho biết, vụ cá tra 2015, công ty đầu tư nuôi cá với các hộ dân. Khi thu hoạch 167 ao thì có đến 68 ao cá nhiễm kháng sinh, chiếm tỷ lệ 40,7%.
Tình hình ở Công ty Cổ phần Thủy sản Sạch Việt Nam (Clean Food) còn đáng ngại hơn: Tôm nguyên liệu mua ở Cà Mau, Bạc Liêu gần 90% bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn, dẫn đến nguy cơ mất thị trường Nhật Bản. Công ty phải chuyển địa bàn sang Bến Tre, TràVinh, Long An nhưng lại không đủ nguồn cung.
Bên cạnh đó, nạn bơm tạp vào thủy sản chấtvẫn xảy ra tràn lan. Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú Nguyễn Văn Quang: Nhiễm vi sinh, vi khuẩn là do khâu sơ chế và chế biến mất vệ sinh. Trong đó, thủ phạm chính là nước đá, công cụ sơ chế, nguồn nước rửa nguyên liệu và cả trên người công nhân tại nơi thu hoạch và sơ chế nguyên liệu trước khi về nhà máy. Nhưng việc bơm tạp chất cũng chính từ những nơi này. Thủy sản bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn đáng sợ như E.Coli, Samonella, nhóm Vibro SPP... khiến nhà máy phải tốn rất nhiều chi phí đề xử lý các lô hàng bị nhiễm, làm tăng giá thành.
Đồng hành với "thủy sản bẩn" là thương lái Trung Quốc và DN xuất khẩu. Lái Trung Quốc mua cá tra, tôm với giá cao nhưng không cần kích cỡ và kiểm tra chất lượng, ATTP. Sau đó, thuê các nhà máy nhỏ lẻ (đang lâm nợ) sơ chế bẩn rồi xuất về Trung Quốc.
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Quảng Ngọc Thao: DN thu mua tôm đều kiểm tra nguyên liệu tại ao nuôi hay cơ sở sơ chế. Tuy nhiên, nhiều DN đi kiểm tra và biết tôm nhiễm vi sinh, vi khuẩn nhưng vẫn mua với giá thấp. Lý do vì thiếu nguyên liệu. Do thế, khi sản phẩm “bẩn” vẫn tiêu thụ được thì nông dân sẽ dễ dàng “ngoảnh mặt” với sản xuất sạch.
Tình trạng thiếu nguyên liệu đã diễn ra từ nhiều năm, năm nào cũng phải nhập khẩu. Nạn thương lái Trung Quốc tranh mua càng làm cho sự thiếu hụt thêm gay gắt, các nhà máy phía Nam chỉ hoạt động 50-60% công suất.
Theo VASEP, sáu tháng đầu năm nay, các DN trong nước đã tiêu tốn 485 triệu USD nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, tôm nguyên liệu chiếm tỷ trọng cao nhất 37%.
Xuất khẩu thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, được kỳ vọng sẽ vực dậy nền nông nghiệp đang gánh chịu nhiều hiểm họa, sụt giảm tăng trưởng. Thế nhưng, hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản lại vận hành theo "công nghệ bẩn" nhất thế giới, nên đang bị các thị trường trọng điểm đe dọa "cắt cầu".
Tình hình nguy cấp đến mức NAFIQAD phải đề xuất Bộ NN-PTNT ngừng cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản của các DN có hàng bị cảnh báo và chỉ cấp lại khi DN có cách khắc phục. Các cơ quan liên quan thuộc Bộ NN-PTNT và chính quyền các địa phương phải triển khai quyết liệt hoạt động kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm từ sản xuất, kinh doanh đến chế biến, xuất khẩu.
Tuy nhiên, "triển khai quyết liệt" như thế nào khi mà Bộ NN-PTNT và chính quyền các địa phương từ trước đến nay “vốn có truyền thống" đánh trống bỏ dùi, khiến các khâu trong chuỗi hoạt động từ nguyên liệu đến sản phẩm xuất khẩu thường “trống xuôi kèn ngược”, việc kiểm tra nguyên liệu, thuốc thú y, hóa chất cấm nhập khẩu và sản xuất, kinh doanh đều… thả nổi.
Tình trạng này, nếu không sớm có biện pháp mạnh tay cải cách toàn diện thì 70% sản lượng thủy sản xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm sẽ bị "cấm cửa" trong tương lai không xa.
Kéo theo đó là hậu quả khó lường cho cả ngành nuôi và chế biến, xuất khẩu thủy sản; nguy ngập hơn nữa là hơn nửa triệu hecta mặt nước nuôi tôm, hàng trăm ngàn hecta nuôi thủy sản khác cùng hàng trăm nhà máy chế biến sẽ đối mặt với cảnh “ruộng hoang, xưởng trống”.