Hiện đang có tới 76% doanh nghiệp SME ghi nhận doanh thu sụt giảm, tăng 14% so với giai đoạn đầu năm. Ảnh minh hoạ. |
Đây là một trong những nội dung đáng quan tâm trong báo cáo về tình hình doanh nghiệp nhỏ dựa vào kết quả cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 7- 8/2021 trên 35.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ do Facebook vừa công bố.
Kết quả cho thấy mặc dù môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tỷ lệ doanh nghiệp phải đóng cửa đã giảm, các doanh nghiệp nhỏ đang có những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi.
Có dấu hiệu phục hồi nhưng khó khăn hiện hữu
Theo khảo sát, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc so với đầu năm, khi mà có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sử dụng Facebook cho biết họ đang duy trì vận hành hoặc có các hoạt động tạo ra doanh thu, tăng nhẹ so với số liệu 78% ghi nhận hồi tháng 2/2021.
Tuy nhiên, so với báo cáo hồi đầu năm của Facebook, các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong thời điểm hiện tại, đặc biệt do doanh số bán hàng sụt giảm đáng kể. Trong khi chỉ có 17% doanh nghiệp SME tại Việt Nam hoạt động trên Facebook ghi nhận sự tăng trưởng trong doanh số bán hàng so với cùng kỳ năm ngoái, thì có tới 76% ghi nhận doanh thu sụt giảm, tăng 14% so với giai đoạn đầu năm.
Nhu cầu khách hàng sụt giảm vẫn luôn là thách thức chính dẫn đến sự sụt giảm trong doanh số bán hàng của các doanh nghiệp. 46% số doanh nghiệp SME đang hoạt động trên Facebook có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức liên quan đến dòng tiền, và 55% quan ngại về những thách thức liên quan đến nhu cầu khách hàng giảm hoặc thiếu hụt khách hàng trong vài tháng tới, tăng hơn gấp đôi so với con số hồi đầu năm, lần lượt là 19% và 24%.
Thực tế này cũng đã buộc nhiều doanh nghiệp phải đưa ra những quyết định khó khăn. Có tới 53% doanh nghiệp SME Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ đã phải cắt giảm nhân sự trong thời kỳ dịch bệnh, tăng 13% so với giai đoạn đầu năm. Bên cạnh đó, chỉ 36% doanh nghiệp tự tin vào khả năng duy trì hoạt động trong ít nhất 12 tháng tới, nếu tình hình hiện tại vẫn tiếp diễn.
Áp dụng các công cụ kỹ thuật số trở thành tất yếu
Theo báo cáo của Facebook, khi các hoạt động bán hàng, tiếp thị trực tiếp gặp khó do các biện pháp giãn cách xã hội, việc chuyển đổi sang mô hình trực tuyến trở thành xu thế tất yếu và đã giúp rất nhiều doanh nghiệp SME gặt hái thành công. Ở quy mô toàn cầu, việc áp dụng các công cụ kỹ thuật số tăng lên trong thời kỳ đại dịch khi có tới 88% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đã sử dụng các công cụ số vào hoạt động kinh doanh, tăng 7% so với đầu năm.
Trong đó, hơn một nửa các doanh nghiệp SME cho biết họ sẽ tăng cường ứng dụng các công cụ kỹ thuật số vào trong hoạt động kinh doanh lâu dài. Đối với các doanh nghiệp, số hóa là cách để họ duy trì ổn định hoạt động kinh doanh, cũng như mở ra những cơ hội mới. Tại Việt Nam, 46% doanh nghiệp SME cho biết doanh số từ bán hàng online trong thời gian qua chiếm ít nhất 25% tổng doanh thu.
Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng nhiều hơn
Báo cáo cũng chỉ ra, trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phần nào chịu nhiều tác động hơn. Khảo sát trên Facebook, có tới 53% doanh nghiệp SME của phụ nữ trên toàn cầu đối mặt với sự sụt giảm doanh số bán hàng trong tháng vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với con số 51% doanh nghiệp SME làm chủ bởi nam giới. Tuy nhiên, trong khó khăn, các nữ doanh nhân cũng cho thấy ý chí vượt khó và sự kiên trì, bền bỉ của mình.
Khảo sát chỉ ra rằng tại Việt Nam, có tới 87% số doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ hiện vẫn đang tiếp tục vận hành hoặc tham gia vào các hoạt động tạo ra doanh thu, cao hơn đáng kể so với con số 78% doanh nghiệp dẫn dắt bởi nam giới.