Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã tích cực, chủ động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đạt được một số kết quả, như: Đến tháng 4/2017 có trên 328.000 bộ hồ sơ hành chính được xử lý trên Cổng thông tin điện tử quốc gia với 11.000 doanh nghiệp tham gia; thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã giảm... Qua đó góp phần giảm chi phí, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả trên đây thì vẫn còn nhiều mặt hạn chế, tồn tại, như: Tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 của một số Bộ, ngành còn chậm, thiếu quyết liệt; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn phức tạp, chồng chéo; giải pháp công nghệ, phương án đầu tư tài chính và tổ chức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại còn có vướng mắc, khó khăn.
Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định 2185/QĐ-TTg
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại; phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chủ động, khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đó tập trung thực hiện ngay rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các thủ tục hành chính để phục vụ cho việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia theo hướng tập trung trên nền tảng Cổng thông tin một cửa quốc gia, đẩy mạnh thuê dịch vụ trong việc cung cấp các tiện ích cho doanh nghiệp và người dân trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo cung cấp các dịch vụ công quốc gia theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
Chủ động đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tham gia thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; đảm bảo nguồn nhân lực và tài chính phục vụ tốt việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa
Triển khai đầy đủ nội dung, nhiệm vụ tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó tập trung thực hiện rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý phục vụ cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đơn giản hóa về thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; chuyển mạnh sang hậu kiểm.
Đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành; tăng cường công tác truyền thông, đào tạo và nâng cao năng lực hoạt động kiểm tra chuyên ngành cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và các đơn vị, tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan củng cố hoạt động Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Thời hạn hoàn thành việc này vào tháng 12/2017.
Cũng trong tháng 12/2017, hoàn thiện khung pháp lý để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng tạo thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục, cho phép kết nối và trao đổi chứng từ điện tử với các đối tác thương mại quốc tế để thúc đẩy hoạt động thương mại và logistics.
Trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại theo hướng thuê dịch vụ công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống xử lý tập trung trên nền tảng Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin cho công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan thuộc lĩnh vực mình phụ trách, đảm bảo thống nhất, không chồng chéo, kiểm tra ít nhất. Thời hạn hoàn thành vào tháng 10/2017.
Phản ánh kịp thời đề xuất của doanh nghiệp về Cơ chế một cửa
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; khảo sát định kỳ và phản ảnh kịp thời ý kiến đánh giá, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp về Cơ chế một cửa và tạo thuận lợi thương mại; phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để lấy ý kiến, kiến nghị và tham gia sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính một cửa, đảm bảo phù hợp với thực tế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông tới cộng đồng doanh nghiệp về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại để thúc đẩy mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
Nguồn lực để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN được ưu tiên bố trí từ ngân sách nhà nước. Các Bộ, ngành có trách nhiệm ưu tiên bố trí nguồn kinh phí công nghệ thông tin đã phân bổ theo quy định và kinh phí phục vụ triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ để thực hiện. Kết hợp đầu tư trực tiếp của nhà nước và thuê dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt là thuê dịch vụ về hạ tầng, hệ thống dự phòng, phương án đảm bảo an ninh, an toàn và khả năng sẵn sàng cho toàn bộ hệ thống.
Định kỳ 6 tháng (trước ngày 25/6 và trước ngày 25/12), các Bộ, ngành báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị này gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.